| Hotline: 0983.970.780

Tìm người trong ảnh sau hơn 40 năm: Nụ cười và nước mắt

Thứ Ba 07/04/2015 , 06:15 (GMT+7)

Sau chuyến hành trình kỳ lạ, từ nước Mỹ xa xôi, nhóm người Mỹ đã may mắn tìm lại được những đứa trẻ trong ảnh chụp cách đây hơn 40 năm, khơi gợi lại biết bao nhiêu kỷ niệm. / Những đứa trẻ Việt Nam xa lạ

Có những đứa trẻ sinh ra trong chiến tranh Việt Nam đến nay vẫn đang đi tìm lại cha mẹ.

Gặp Larry và bạn ông, nhiếp ảnh gia Reed Young, bà Sa tỏ ra rất vui. “Tôi không thể tưởng tượng tình cảm họ dành cho những đứa trẻ vô danh như chúng tôi”, bà Sa nói. “Tôi rất cảm động”.

Thế chỉ mới tám tuổi khi Bob chụp ảnh. Trong tấm ảnh, Thế đội mũ nông dân, mặc áo kẻ. “Lúc đó tôi đang ở trường học. Quân Mỹ tới, cho chúng tôi thuốc và quà”, Thế kể.

“Cuộc sống lúc đó rất khó khăn. Nhà tôi ở Bình Long, một điểm nóng của cuộc chiến. Bom đạn nổ suốt ngày đêm. Nhưng tôi còn quá bé và không biết gì”.

Giống như nhiều đứa trẻ trong ảnh, Thế là nông dân và rảnh rỗi thì làm thuê. Ông bảo đời sống vẫn còn nhiều khó khăn.

Ông đóng khung tờ bướm của Larry và thường xuyên mang những tấm ảnh của Bob Shirley ra ngắm nghía. “Xem ảnh, nhớ lại kỷ niệm bao nhiêu năm trước”, ông bảo. “Tôi vui không phải ông ấy (Larry) quan trọng với chúng tôi, mà bởi vì ông ấy qua đây, muốn tìm hiểu về chúng tôi”.

nh5132722574
Thế làm nông dân và lâu lâu đi làm mướn trong lúc nông nhàn (Ảnh: Reed Young)

Một số người trong ảnh vẫn còn nhớ ngày xưa họ sống nhờ vào việc nhặt rác của lính Mỹ. “Chúng tôi đến trại lính, nơi người Mỹ mang ra đổ đi những thứ đối với chúng tôi là rất quý: trứng, pho mát, thịt nguội”, ông Tuấn nhớ lại.

Khi trở lại Mỹ, các quân nhân thường phải đối mặt với những người phản đối chiến tranh ngay tại sân bay. “Thừa nhận bạn từng tham chiến tại Việt Nam có nghĩa là tự sát về mặt xã hội”, Del Hiesterman, năm nay 69 tuổi, nói.

Del chiến đấu tại Việt Nam từ tháng 8/1968 tới tháng 10/1969. “Chúng tôi, những người lính, lại phải chịu trách nhiệm, bị đổ tội do những quyết định của các chính trị gia. Thật là cay đắng”.

Del là người đã chứng kiến vụ nổ giết chết Jeff. Đêm ấy, trong boong-ke, Del tỉnh giấc sau tiếng nổ lớn và phát hiện một mảng óc của ai đó văng ngay dưới chân mình.

Trong hàng chục năm sau, Del phải chịu đựng chứng rối loạn sang chấn, nghiêm trọng đến mức ông thường thức giấc trong đêm, toát mồ hôi vì cảm giác của các trận đánh tàn khốc.

 Trở lại Việt Nam cùng Larry và Rod Rodriguez, cựu binh Mỹ tại Việt Nam, lần đầu tiên sau hơn 45 năm, ông nói: “Chuyến đi này đã giúp tôi thấy được một Việt Nam với tư cách một đất nước, một xã hội chứ không phải chỉ là một cuộc chiến”.

Rod, năm nay 70 tuổi, cũng đồng ý như vậy. “Chuyến đi cho tôi cảm giác kết thúc một chu kỳ”.

Sử dụng bản đồ cũ của quân đội và các hình ảnh vệ tinh GPS, Larry, Del và Rod tìm ra điểm Jeff thiệt mạng. Họ chôn xuống một cái hộp chứa vật lưu niệm và huy chương.

nh-6132722498
Rod Rodriguez đã có chuyến trở lại Việt Nam (Ảnh: Reed Young)

Về chuyến đi tới Việt Nam, về cuộc gặp gỡ những người ở Chơn Thành, Larry nói: “Có rất nhiều tiếng cười và nước mắt. Đây là trải nghiệm khó tin nhất đời tôi”.

Qua chuyến đi, Larry biết được những gì đã xảy ra với Jeff, anh trai mình. Nhưng ông còn biết thêm số phận của 16 đứa trẻ Việt Nam xa lạ trong ảnh và cuộc sống của họ hiện nay.

Sa có chồng và ba con, ở Phan Thiết chăm sóc trang trại thanh long. Hải và vợ sống ở Vũng Tàu, nuôi heo và gà. Hai đứa con Hải đi học trên TP. HCM.

Thành làm chủ thầu xây dựng, có vợ con đề huề. Lâm và vợ sống ở Nha Trang, làm vườn, nuôi gà, chăm sóc bầy cháu nội ngoại. Thế làm nông dân, lúc rảnh thì làm thuê kiếm thêm…

Sau chuyến đi, Rod Rodriguez, từng có mặt tại vùng Chơn Thành từ tháng 7/1969 - 7/1970, nói: “Tôi đã nhìn thấy chiến tranh ở đây và chiến tranh thật là gớm ghiếc”.

Nhưng ông đã có một chuyến đi mà ông thấy cuộc sống đã trở lại thanh bình. Nay Rod sống với vợ ở Pasadena, California, Mỹ. (Hết)

Tìm lại cha mẹ

Sau hàng chục năm, khi cuộc chiến Việt Nam đã lùi xa, nhiều đứa trẻ sinh ra trong chiến tranh vẫn đang nỗ lực tìm lại cha mẹ mình. Một số người, như Tricia Houston, quốc tịch Mỹ, đã thành công trong việc sử dụng các nghiên cứu về ADN và mạng xã hội Facebook để tìm lại những bậc thân sinh.

“Người đàn ông này trông rất buồn và giống như ông ấy đang tìm ai đó trong suốt cuộc đời”, Houston nói với hãng tin ABC News về một thông tin đăng trên Facebook.

Kết quả xét nghiệm ADN trùng hợp và cha con Tricia đã tìm được nhau. Tricia dự định trong tháng 4/2015 sẽ qua Việt Nam tìm gặp cha mình, lần đầu tiên trong đời.

Còn Chantal Doecke, con nuôi của một cặp vợ chồng người Australia thì đầy hy vọng vào việc tìm lại được cha mẹ ruột. Sue Yen Byland, đang cư trú tại Perth (Australia) tin rằng mẹ ruột mình là người Việt, còn cha cô là một cựu binh Mỹ.

Khoảng 100.000 trẻ em được cho là kết quả mối quan hệ của lính Mỹ với phụ nữ địa phương trong cuộc chiến Việt Nam. Năm 1975, chiến dịch Baby lift đã đưa 3.000 trẻ khỏi các trại trẻ mồ côi và bệnh viện của Sài Gòn và đích đến là nhiều nước trên thế giới.

Một số trẻ em được nhận làm con nuôi sẽ quay về Việt Nam trong tháng 4 này để tìm lại cha mẹ ruột.

 

(Theo The Guardian, International Business Times)

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xuất khẩu lô thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo

BẮC NINH Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, thuộc Hùng Nhơn Group vừa tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo.

Có một ngôi làng Nam bộ bên dòng sông Thu Bồn

QUẢNG NAM Trồng đủ các loại cây trái có giá trị, kinh tế vườn giúp cho hơn 80% hộ dân ở làng Đại Bình thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.