Tỉnh ủy Bình Phước vừa tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Theo ông Huỳnh Văn Thuận - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Việt Nam, nếu nói tín dụng chính sách là “cánh buồm đưa con thuyền an sinh vươn khơi”, thì Chỉ thị số 40-CT/TW ví như “ngọn gió” đẩy con thuyền ấy đi nhanh, đúng hướng và ngày càng hiệu quả hơn.
Qua 10 năm triển khai Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư, tín dụng CSXH đã phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng, số lượt người vay vốn tín dụng ngày càng nhiều, chất lượng tín dụng được nâng cao.
Tại Bình Phước, trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bình Phước đã thực hiện giải ngân với doanh số cho vay đạt gần 8 tỷ đồng, cho hơn 265 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn. Đến ngày 30/4/2024, tổng dư nợ đạt 4.460 tỷ đồng với trên 87 nghìn khách hàng còn dư nợ, dư nợ bình quân khoảng 51 triệu đồng/khách hàng vay vốn.
Theo bà Huỳnh Thị Hằng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Phước, bên cạnh kết quả đạt được, qua quá trình thực hiện tín dụng CSXH cũng còn một số khó khăn như đối tượng có mức sống trung bình chưa được tiếp cận vốn; nhu cầu giải quyết việc làm, nhà ở xã hội rất lớn, tuy nhiên, dư nợ của tỉnh vẫn còn thấp so với bình quân khu vực Đông Nam Bộ và cả nước. Đây là khó khăn, hạn chế cần sự hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời từ ngân hàng và các ban, ngành liên quan.
Để tiếp tục phát huy, lan tỏa ý nghĩa nhân văn của tín dụng CSXH thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Hằng yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, hệ thống ngân hàng nêu cao tinh thần trách nhiệm, đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tạo điều kiện cho nhiều hộ nghèo và đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng đề nghị UBND tỉnh sớm xem xét cân đối, ưu tiên bố trí thêm nguồn lực, qua đó góp phần thiết thực cho mục tiêu đảm bảo công bằng xã hội, không ai bị bỏ lại phía sau.