Nhưng rồi anh ngã xuống khi cậu con trai vừa bập bẹ gọi được hai tiếng “bố ơi”. Năm tháng đi qua, người thiếu phụ ấy vẫn một lòng thờ chồng, nuôi con, bám trụ mảnh lấy mảnh đất biên cương.
Nơi tình yêu chớm nở…
Nhìn dòng sông đó, những ký ức trong cô giáo Nguyễn Vân Chi, vợ của liệt sỹ biên phòng, Đại úy Trần Văn Duẩn lại cồn cào khôn nguôi. Tốt nghiệp ngành sư phạm, Vân Chi viết đơn tình nguyện lên xã vùng cao A Mú Sung của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai công tác. Cô giáo trẻ quê Yên Bình (Yên Bái) được phân về điểm trường ở thôn Lao Chải.
Ngã ba Lũng Pô - nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt |
Trường nằm xa trung tâm xã, trong ký ức của chị Chi, nơi đó thật đẹp nhưng cũng thật buồn. Trước mặt nơi chị dạy học là mờ ảo dãy núi, một con đường đất, bụi bay mù mịt bám đỏ những vạt hoa dã quỳ. Những ngày đầu, cô giáo trẻ buồn đến phát khóc nhưng tự nhủ quyết tâm vượt qua.
Năm 2006, trong dịp Đồn biên phòng A Mú Sung phối hợp với thôn tổ chức văn nghệ, cô giáo trẻ Vân Chi gặp chàng trung úy Trần Văn Duẩn, sinh năm 1982, quê xã Nghĩa Thắng, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Anh Duẩn khi đó là Đội trưởng đội trinh sát, kiêm Bí thư Chi đoàn của đồn biên phòng.
Kể về người chồng của mình, chị Chi nhớ lại, tới lúc yêu nhau, lấy nhau rồi vẫn trêu nhau “Chẳng hiểu sao hồi đó em lại yêu anh nhỉ? Anh là người xấu nhất trong những người từng tới tán em”. Ấy mới là duyên số.
Chị Chi kể thêm, anh Duẩn vốn là con trai độc đinh trong một gia đình là trưởng tộc cả dòng họ lớn. Năm đầu tiên, anh thi vào ngành sư phạm nhưng không đỗ. Năm thứ 2, anh quyết tâm thi và đỗ Học viện Biên phòng. Tốt nghiệp thuộc tốp sinh viên xuất sắc, anh được lựa chọn nơi công tác hoặc ở lại làm giảng viên. Mặc cho gia đình ngăn cản, người lính trẻ ấy vẫn xung phong lên tuyến biên ải Lào Cai.
Chị Chi và con trai Bảo Nam thắp hương các anh hùng liệt sỹ tại đồn biên phòng A Mú Sung |
Sau hôm gặp cô giáo trẻ Vân Chi, Duẩn như người mất hồn, kiểu như người bị say nắng. Không lâu sau lại có buổi giao lưu với xã, trường học ngay tại đồn. Cô giáo Vân Chi được tham gia diễn văn nghệ ngày hôm đó. “Chẳng hiểu sao lại có người bạo dạn đến thế. Sau tiết mục văn nghệ, hắn lên tặng hoa mình rồi nhanh miệng hôn chụt một cái vào má xong bỏ chạy”, chị Chi nhớ lại. Nụ hôn thoáng qua, đôi má cô giáo trẻ ửng hồng như sắc hoa đào chúm chím chờ gió xuân bung nở.
Rồi họ yêu nhau nơi ngã ba Lũng Pô, trước sự chứng kiến của mẹ sông Hồng. Yêu nhau 2 năm, chàng lính trẻ đưa người yêu về ra mắt. Chị Chi bảo, trước lúc về, tâm trạng lo lắng hồi hộp lắm vì sợ gia đình cấm cản bởi yêu xa. Nhưng khi về, thấy bố mẹ người yêu vui vẻ, trò chuyện tíu tít thì mừng lắm.
“Bố anh Duẩn mới bảo, chúng mày yêu nhau như thế thì cưới đi, để tao đi xem ngày, mà phải cưới luôn trong năm nay. Anh Duẩn quay sang hỏi ý kiến, suy nghĩ giây lát mình gật đầu”, chị Chi bồi hồi.
…cũng là nơi anh ngã xuống
Đám cưới diễn ra nhanh chóng, đôi uyên ương xin phép gia đình hai bên được trở lại địa bàn công tác. Trong tâm niệm, họ luôn nghĩ, đất lành thì chim đậu, ở đâu bình yên thì nơi đó đều là quê hương.
Cô giáo Vân Chi được nhà trường tạo điều kiện chuyển ra dạy ở điểm trường thôn Lũng Pô 1 để gần chồng. Khi đó, anh Duẩn đang là Trạm trưởng biên phòng Lũng Pô. Hai người dựng một căn nhà gỗ, gần Trạm biên phòng, cách bờ sông Hồng chừng vài trăm bước chân.
Rồi tình yêu đó cũng kết trái, một bé trai kháu khỉnh ra đời, được đặt tên là Trần Bảo Nam. Đứa trẻ ấy được sinh ra, chôn nhau cắt rốn ở ngay cột mốc chủ quyền biên giới. Họ đặt tên cho con với hàm ý, khi lớn lên sẽ nối nghiệp anh cha, bảo vệ đất nước Việt Nam. Căn nhà nhỏ từ đó thêm phần ấm cúng, tiếng nói cười hạnh phúc râm ran, lan tỏa khắp nhành cây, ngọn cỏ nơi đầu nguồn sông Hồng.
Cột mốc 92, nơi chứng kiến một tình yêu đẹp |
Nhưng hạnh phúc thật mong manh và ngắn ngủi. Cái ngày định mệnh, đêm 16, rạng sáng ngày 17/2/2011, người chiến sỹ biên phòng Trần Văn Duẩn đã ngã xuống, hòa mình vào dòng sông Hồng cuồn cuộn. Bảo Nam vừa tròn 14 tháng tuổi.
Buổi tối đó, anh chào vợ rồi lên trạm, cùng anh em đi làm nhiệm vụ. Quá nửa đêm, anh vẫn không về, người vợ trẻ gọi điện thoại nhiều lần không thấy đổ chuông. Nằm ôm con, Vân Chi lòng nóng như lửa đốt, không tài nào ngủ nổi, có một dự cảm chẳng lành.
Sớm 17/2, người vợ trẻ nhận tin, chồng bị mất tích trong lúc chặn bắt một thuyền “lạ” trên sông Hồng. Truy đuổi chiếc thuyền tới vị trí cách đồn chừng nửa cây số thì anh bị ngã xuống dòng nước xiết. Những người đồng đội lập tức lao tới cứu và điện báo về chỉ huy đồn. Nhưng tất cả đều vô vọng…
Một cán bộ Đồn biên phòng A Mú Sung kể lại với tôi, lúc nhận được tin dữ, anh buông đũa, bỏ bát mì tôm vừa úp để lao ra bờ sông Hồng. Giữa dòng nước lạnh lẽo, sương mù dày đặc, các đồng đội gọi to “Duẩn ơi”. Tiếng gọi đồng thanh, vang vọng cả núi rừng, nhưng sao trong giây phút ấy bỗng nức nở, yếu ớt như chim cuốc lạc bầy.
Trạm biên phòng Lũng Pô nơi anh Duẩn từng công tác |
11h sáng cùng ngày, thi thể trung úy Duẩn được tìm thấy cách đó vài trăm mét. Người vợ trẻ khóc ngất lên, ngất xuống phải cõng về đồn để nghỉ. Mỗi lần choàng tỉnh, chị lại lao ra bờ sông một cách vô thức với một trái tim tuyệt vọng. Anh được đưa về quê, nằm giữa đất mẹ, một vùng cửa biển mặn mòi đầy nắng gió.
Ở lại với dòng sông
Sau nỗi đau đó, tháng 6/2011, cô giáo trẻ Vân Chi được nhà trường, lãnh đạo huyện Bát Xát động viên chuyển về dưới thị trấn để có điều kiện chăm con tốt hơn. Hai mẹ con thuê một căn nhà nhỏ, đặt một bàn thờ trên cao, ngày ngày cơm cháo nuôi nhau. Trên bàn thờ anh luôn đặt chiếc mũ kê pi biên phòng và tờ quyết định thăng quân hàm vượt cấp lên đại úy. Chiếc mũ đó luôn được chị mang theo, đội lên đầu con trai mỗi lần trở lại Lũng Pô.
5 năm vật lộn với gian khó và nỗi đau, nhờ có chương trình Nhịp cầu Hoàng Sa, mẹ con chị được xây tặng một ngôi nhà tình nghĩa ấm cúng. Cuộc sống từ đó cũng vơi bớt khó khăn.
Tôi hỏi, sau này, bé Nam lớn rồi chị tính sao. Trầm xuống giây lát, chị bảo, bây giờ không nghĩ đến chuyện đi bước nữa thì sau này cũng vậy, chỉ mong nuôi con khôn lớn là mãn nguyện rồi. Và có lẽ, sẽ bám trụ với mảnh đất Lào Cai này đến suốt đời vì ở đây có quá nhiều kỷ niệm về anh, về tình yêu, về một nỗi đau sâu thẳm. Chị yêu mảnh đất này thậm chí hơn cả nơi mình sinh ra.
Cậu bé Bảo Nam ước mơ trở thành người lính biên phòng như cha mình |
Gặp tôi, Bảo Nam tíu tít khoe thành tích học tập, nào là học sinh giỏi, đi thi môn Ngữ Văn đoạt giải Nhì. Tôi hỏi, sau này, cháu thích làm nghề gì nhất? Cu cậu bẽn lẽn nép vào mẹ, chỉ mỉm cười không nói. Nhưng tôi biết, cậu bé đó luôn thích đội chiếc mũ kê pi của bố và nhìn ngắm các chú, các bác bộ đội trong bộ quân phục màu xanh bằng ánh mắt đầy ngưỡng mộ, khát khao.
“Khi bố mất, Bảo Nam bé quá chưa biết gì. Qua những câu chuyện của mẹ, cháu lúc nào cũng nhắc về bố. Hôm qua đang ăn cơm, nó ngây ngô buột mồm hỏi, giờ này mà bố con còn sống chắc phải lên đại tá rồi mẹ nhỉ”, chị Chi dưng dưng khóe mắt. |