| Hotline: 0983.970.780

Tình làng nghĩa xóm thêm keo sơn trong cánh đồng lớn

Thứ Ba 13/07/2021 , 15:09 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Không chỉ giúp tăng về hiệu quả kinh tế, giảm chi phí sản xuất, các mô hình cánh đồng lớn còn giúp nông dân đoàn kết, tình làng nghĩa xóm ngày càng được củng cố.

Trong 2 vụ đông xuân và hè thu năm 2021, huyện Phù Cát (Bình Định) có 58 cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng liên kết sản xuất cây lúa, đậu phụng (lạc) xen mì (sắn) với diện tích 3.016 ha, tăng 09 cánh đồng và tăng 380 ha so kế hoạch.

Trong đó, 09 cánh đồng liên kết sản xuất lúa với diện tích 297,2 ha, 49 cánh đồng lớn (CĐL) với diện tích 2.718,8 ha sản xuất lúa, đậu phụng xen mì. Kết quả rất khả quan, đem lại hiệu quả kinh tế cao. 

Các mô hình cánh đồng lớn đã từng bước thay đổi tư duy, nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của liên kết sản xuất. Ảnh: Thế Hà.

Các mô hình cánh đồng lớn đã từng bước thay đổi tư duy, nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của liên kết sản xuất. Ảnh: Thế Hà.

Hiệu quả kinh tế tăng 14-20%

Việc xây dựng các mô hình CĐL, cánh đồng liên kết đã nhận được sự đồng thuận của các cấp chính quyền và bà con nông dân, góp phần thay đổi tập quán canh tác cũ của người dân. Nông dân được hướng dẫn cụ thể từ khâu xuống giống, bón phân cân đối, chăm sóc và phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM, "3 giảm, 3 tăng" trên ruộng lúa; cho đến việc hạn chế tối đa thất thoát sau thu hoạch. Nông dân được tổ chức liên kết theo phương thức hợp tác, mang lại nhiều lợi ích trong sản xuất, hạn chế rủi ro, giảm chi phí đầu tư về giống, phân bón, thuốc BVTV.

Nhờ áp dụng “3 cùng” (cùng giống, cùng đồng, cùng thời gian) nên việc điều tiết nước và chăm sóc được thuận lợi hơn nhiều so với trước, lúa chín tập trung nên có thể ứng dụng cơ giới hóa trong thu hoạch, làm giảm chi phí nhân công, tăng hiệu quả.

Không chỉ lúa, các mô hình cánh đồng lớn đang từng bước lan tỏa ở nhiều loại cây trồng như lạc, sắn... ở Phù Cát (Bình Định). Ảnh: Thế Hà.

Không chỉ lúa, các mô hình cánh đồng lớn đang từng bước lan tỏa ở nhiều loại cây trồng như lạc, sắn... ở Phù Cát (Bình Định). Ảnh: Thế Hà.

Các khâu kỹ thuật được bà con áp dụng đúng quy trình "3 giảm - 3 tăng" nên lúa sinh trưởng đồng đều, sâu bệnh được khống chế. Nhờ đó hiệu quả kinh tế trong việc sản xuất CĐL, cánh đồng liên kết tăng 14-20%; giảm 20-25% lượng giống, giảm 15- 20% phân đạm, giảm 25% lượng nước tưới; năng suất lại cao hơn ruộng ngoài mô hình đối với cây lúa tăng từ 6-9 tạ/ha, cây mỳ từ 1-1,5 tấn/ha, đậu phụng tăng 03 đến 04 tạ/ha, bắp lai tăng từ 5 tạ - 7 tạ/ha.

Các mô hình trình diễn được tổ chức theo mùa vụ tại từng địa phương, đã cho những kết quả hết sức thuyết phục. Nhờ sử dụng phân bón, thuốc BVTV cân đối, hợp lý nên đảm bảo sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng, giảm phân đạm gây ô nhiễm môi trường và tồn dư trong nông sản, ít sâu bệnh nên giảm việc sử dụng BVTV. Các mô hình CĐL còn sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh nên giúp cải tạo đất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Mô hình còn góp phần giảm công lao động, giảm áp lực nhân công mỗi khi vào vụ sản xuất và thu hoạch lúa, từng bước hiện thực hóa sự liên kết "4 nhà"...

Điều quan trọng mà đa số nông dân hài lòng nhất chính là tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái của những người có đất đai chung trong cánh đồng.

Qua đó, mọi người ngày càng có sự gắn kết thân thiết với nhau hơn; tránh những mâu thuẫn không đáng có do sự tính toán lợi ích cục bộ về mương dẫn nước, bờ vùng, bờ thửa…

Tình làng nghĩa xóm ngày càng được củng cố nhờ sự tương trợ nhau trong sản xuất CĐL.

Còn yếu khâu liên kết tiêu thụ

Trong quá trình thực hiện mô hình CĐL, cánh đồng liên kết cũng gặp những khó khăn, nhất là đầu ra sản phẩm còn thiếu ổn định, giá cả còn bấp bênh… Hầu hết ruộng đồng trên địa bàn huyện đều nhỏ, thửa lớn nhất chỉ có 3 sào (1.500 m2), nhỏ nhất 1 sào ( 500 m2).

Điều này gây khó khăn trong việc sản xuất đồng loạt, tập trung, cũng như áp dụng cơ giới hóa vào canh tác. Đặc biệt, mối liên kết "4 nhà" còn thiếu bền vững, chưa đồng bộ. Chưa có doanh nghiệp nào đủ mạnh có thể ký kết hợp đồng ràng buộc trách nhiệm thu mua sản phẩm nông dân...

Một cánh đồng lớn trên cây sắn ở Phù Cát (Bình Định). Ảnh: Thế Hà.

Một cánh đồng lớn trên cây sắn ở Phù Cát (Bình Định). Ảnh: Thế Hà.

Trước mắt, huyện Phù Cát cần quy hoạch theo từng vùng, trồng từng loại cây. Đồng thời, tổ chức tập huấn, chuyển giao KH-KT cho nông dân, bằng cách "cầm tay chỉ việc", chứ không chỉ tập huấn tại hội trường, mang tính hình thức.

Để thực hiện CĐL, cánh đồng liên kết đạt hiệu quả cao, ông Nguyễn Văn Lê, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phù Cát cho biết thời gian tới, ngành nông nghiệp huyện Phù Cát phối hợp với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp như sản xuất phân bón, giống, thuốc BVTV, chế biến nông sản; kết hợp với các HTX nông nghiệp tham gia và hỗ trợ cho nông dân tham gia các mô hình. Đồng thời, sẽ tăng mức hỗ trợ kinh phí và chọn vùng quy hoạch hình thành CĐL, cánh đồng liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm với diện tích lớn tập trung.

Mặc dù còn những khó khăn nhất định, nhưng không thể phủ nhận mô hình CĐL, cánh đồng liên kết đã và đang góp phần đắc lực vào việc nâng cao hiệu quả sản xuất và cải thiện đời sống của nông dân ở Phù Cát.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xuất khẩu lô thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo

BẮC NINH Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, thuộc Hùng Nhơn Group vừa tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo.

Năng suất sắn tăng 30 - 50% nhờ tưới tiết kiệm

Tại Tây Ninh, áp dụng tưới tiết kiệm đã giúp cây sắn tăng năng suất từ 30 - 50% (đạt 40 - 50 tấn/ha), giảm 40% lượng nước tưới so với tưới tràn.