| Hotline: 0983.970.780

Tính toán đầu vụ xuân cho Nghệ An

Thứ Ba 14/02/2023 , 07:05 (GMT+7)

Diễn biến thời tiết, thủy văn đầu vụ đông xuân năm nay tại Nghệ An tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường. Vì vậy, cần những dự báo, tính toán hết sức chặt chẽ.

Vụ lúa xuân 2023, Nghệ An gieo cấy 91.000ha, phấn đấu đạt năng suất lúa bình quân 67,2 tạ/ha, sản lượng 611.500 tấn.

Để đạt được năng suất lúa nói trên, ngoài việc cơ cấu giống phù hợp, đầu tư thâm canh cao, phòng chống sâu bệnh kịp thời..., việc đảm bảo thời vụ gieo cấy đúng lịch thời vụ do ngành nông nghiệp ban hành có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi của vụ lúa xuân này.

Đến ngày 8/2, Nghệ An đã cơ bản khép kín kế hoạch diện tích gieo cấy 91.000ha lúa xuân, chỉ còn lại số ít diện tích gieo cấy chậm lại do nước sông Lam cạn, các trạm bơm điện ở các huyện Thanh Chương và Đô Lương không hoạt động được và sẽ được khắc phục sớm khi Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ xả nước với lưu lượng lớn đủ để nâng cao mực nước sông Lam lên cho các trạm bơm điện dọc hai bên bờ sông Lam hoạt động trở lại.

Đến

Đến ngày 8/2, Nghệ An đã cơ bản khép kín diện tích gieo cấy theo kế hoạch. Ảnh: Đình Tuân.

Khép kín diện tích đúng lịch thời vụ

Theo ghi nhận, ngay sau Tết Nguyên đán Quý Mão, từ sáng ngày 25/1 (mùng 4 Tết), ở tất cả các cánh đồng trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã nhộn nhịp người người ra đồng cấy lúa nhằm đảm bảo đúng lịch thời vụ do ngành nông nghiệp tỉnh đề ra từ đầu vụ.

Ông Phạm Văn Bảy ở xóm 2, xã Diên Liên, huyện Diễn Châu cho biết, gia đình ông vụ lúa xuân này gieo cấy 2ha lúa, nhiều nhất xã và có lẽ nhiều nhất huyện. Được hỏi, vì sao gia đình ông có nhiều diện tích lúa như vậy, ông bảo: Có một số gia đình ruộng nhiều, neo người, con cái họ đi làm ăn xa, không thể gieo cấy hết diện tích, ông xin họ nhường lại để gieo cấy.

Sau 3 ngày vui xuân đón Tết, bắt đầu từ sáng ngày mồng 4 Tết (25/2), cả gia đình ông cùng với một số thợ cấy được ông thuê mướn về giúp sức, cấy suốt ngày không nghỉ trưa, cơm ăn tại ruộng. Bằng sự cố gắng như vậy, chỉ sau 6 ngày, gia đình ông đã cấy xong 2ha lúa đảm bảo đúng lịch thời vụ do Phòng NN-PTNT huyện và xã thông báo hàng ngày trên loa truyền thanh của xã.

Ông Võ Văn Giáp, Giám đốc HTX Nông nghiệp Diễn Liên cho biết: Vụ lúa xuân năm nay, HTX gieo cấy 320ha lúa. Trong số này có 225ha được gieo cấy các giống lúa HD9 và Cozi Nhật Bản được Công ty Cổ phần Giống cây trồng Cường Tân (Nam Định) liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Yêu cầu sản xuất 2 giống lúa nói trên khá khắt khe từ gieo mạ, cấy, thời vụ, thâm canh... Nhưng, không có gì là khó, nếu tập huấn cho dân biết, nói cho dân nghe vì sao phải làm như vậy thì mới có năng suất cao, dân sẽ nghe, sẽ làm đúng theo yêu cầu kỹ thuật đề ra. Bằng cách làm như vậy, chỉ sau 6 – 7 ngày, kể từ ngày 25/1 đến ngày 31/1, toàn HTX đã gieo cấy xong 320ha lúa đảm bảo đúng lịch thời vụ quy định.

N

Nông dân Nghệ An ra đồng ngay sau 3 ngày Tết để hoàn thành đúng lịch gieo cấy. Ảnh: Đình Tuân.

Ông Lê Thế Hiếu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Diễn Châu cho biết: Vụ lúa xuân năm nay toàn huyện gieo cấy 9.000ha lúa, sau 3 ngày nghỉ Tết, từ sáng mồng 4 Tết, bà con nông dân ở tất cả các xã trong huyện đều đã ra đồng cấy lúa. Có nhiều xã như Diễn Nguyên, Diễn Thái, Diễn Cát... còn ra đồng cấy lúa trước ngày mồng 4 Tết. Tính đến nay, toàn huyện đã gieo cấy xong toàn bộ diện tích lúa xuân, hết diện tích kế hoạch đề ra, đúng thời vụ quy định.

Tại huyện Yên Thành, đây là huyện có diện tích gieo cấy lúa xuân lên đến 12.800ha, nhiều nhất tỉnh. Theo ông Lê Văn Hồng, Trưởng phòng NN-PTNT của huyện cho biết: Trước Tết Nguyên đán, một số xã ở vùng đất sâu trũng như Long Thành, Vĩnh Thành, Nhân Thành, Viên Thành, Khánh Thành... đã gieo cấy sớm hơn 3 – 5 ngày so với các xã khác trong huyện.

Do vùng đất này sâu trũng, sục bùn, cây lúa thường kéo dài thời gian sinh trưởng so với vùng đất cao vàn khác nên bà con phải gieo cấy sớm hơn để cho thu hoạch sớm, kịp gieo cấy vụ lúa hè thu chạy lụt. Rút kinh nghiệm những vụ lúa xuân trước đây, vụ lúa xuân năm nay, ngay từ khi triển khai đề án sản xuất, UBND huyện Yên Thành vừa giao nhiệm vụ cho UBND các xã phải chỉ đạo nghiêm túc lịch thời vụ gieo cấy, vừa phân công cán bộ huyện bám sát các xã để theo dõi, kiểm tra việc triển khai đề án sản xuất vụ xuân ở từng cơ sở sản xuất.

Sau ngày mồng 3 Tết, bà con nông dân các xã trong huyện đồng loạt ra đồng gieo cấy lúa với tinh thần khẩn trương, quyết tâm gieo cấy hết diện tích đúng lịch thời vụ. Bằng hành động và quyết tâm đó của bà con nông dân trong huyện, đến trước ngày 6/2, toàn huyện đã gieo cấy xong 12.800ha lúa như kế hoạch đề ra.

Nông dân huyện Nam Đàn bón phân chuồng cho lúa xuân mới gieo. Ảnh: Phú Hương.

Nông dân huyện Nam Đàn bón phân chuồng cho lúa xuân mới gieo. Ảnh: Phú Hương.

Không những ở các huyện đồng bằng đã cơ bản gieo cấy xong vụ lúa xuân này, ở các huyện miền núi, vụ lúa xuân năm nay cũng không còn tình trạng mạ chết rét do được phủ kín nilon và hầu hết các cơ sở sản xuất bà con nông dân đã ra đồng gieo cấy lúa từ ngày mồng 4 Tết và chỉ sau 4 – 5 ngày các huyện miền núi đã gieo cấy xong.

Ông Lê Khăm Kha, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tương Dương cho biết: "Huyện miền núi cao chúng tôi diện tích lúa nước gieo cấy trong vụ xuân không nhiều, chỉ có 960ha. Vì vậy, chúng tôi chỉ đạo bà con nông dân gieo cấy đúng lịch thời vụ quy định, mạ gieo xong được phủ kín nilon, toàn bộ ruộng đất được cày bừa kỹ nhuyễn, bón phân lót đầy đủ và từ ngày mồng 4 Tết trở đi, tất cả bà con nông dân ra đồng cấy lúa, đến ngày 10 tháng Giêng (31/1), toàn bộ diện tích 960ha lúa của huyện được gieo cấy xong.

Đề phòng những bất lợi sắp tới

Thật khó đoán định được xu thế diễn biến thời tiết trong thời gian tới có thể thuận lợi hay bất lợi cho vụ lúa xuân năm nay. Nhưng theo dự báo của ngành khí tượng thủy văn và nhiều chuyên gia trong ngành nông nghiệp thì vụ lúa xuân năm nay có thể xẩy ra 3 khả năng bất lợi sau đây:

Thứ nhất: Thời gian tới, xu thế diễn biến của thời tiết tiếp tục là những ngày trời âm u, sương mù nhiều vào buổi sáng, trưa chiều hửng nắng, nhiệt độ không khí ấm dần lên. Xu thế thời tiết này sẽ tạo điều kiện cho nấm bệnh đạo ôn có điều kiện phát sinh, phát triển gây hại trên cây lúa. Đáng lưu ý nhất ở các vùng đồng bằng ven biển, vùng đồng bằng bao quanh bởi núi cao... rất dễ xẩy ra bệnh đạo ôn trên quy mô lớn. Vì vậy sau gieo cấy, phải thường xuyên thăm đồng để phát hiện sớm mầm bệnh trên lá lúa để phòng trừ ngay khi bệnh mới xuất hiện theo hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh và các trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện, thành, thị.

Mực nước trên sông Lam cạn đã khiến việc lấy nước gieo cấy vụ xuân năm nay cục bộ ở một số địa phương tại Nghệ An gặp khó khăn.

Mực nước trên sông Lam cạn đã khiến việc lấy nước gieo cấy vụ xuân năm nay cục bộ ở một số địa phương tại Nghệ An gặp khó khăn.

Thứ hai: Từ cuối năm 2022 đến nay trời ít mưa, lưu lượng nước ở các sông, suối, hồ đập cạn dần. Đặc biệt, mức nước ở sông Lam, sông Hiếu, sông Con... xuống cạn, các trạm bơm điện dọc sông Lam ở các huyện Thanh Chương, Đô Lương... không thể tiếp tục hoạt động được, thậm chí vùng hạ lưu sông Lam, sông Bùng, sông Hoàng Mai nước mặn sẽ dâng cao nếu thời gian tới không có mưa lớn xẩy ra.

Vì vậy các địa phương, nhất là vùng tưới nước hồ đập, vùng bơm điện ở những con sông nói trên phải có kế hoạch tích trữ nước trong ruộng, trong mương máng, trong ao, hồ và sử dụng nước thật sự tiết kiệm. Đồng thời, trước khi bơm nước phải kiểm tra độ mặn của nước có cho phép được bơm hay không, để tránh tình trạng lúa chết sau khi bơm do nước quá mặn.

Thứ ba: Khả năng thời gian tới, xu thế thời tiết tiếp tục nắng ấm, nhiệt độ không khí tăng cao nhanh. Trường trường hợp này, sẽ có một số giống lúa ngắn ngày ở một số địa phương do vô tình hay cố ý gieo cấy sớm trước lịch thời vụ quy định từ 7 – 10 ngày sẽ trổ sớm vào Tiết Thanh minh và dễ gặp rét, lạnh do không khí lạnh cuối mùa tràn về, gây ảnh hưởng lớn đến năng suất.

Vì vậy trên diện tích này, bà con nông dân cần chủ động rút nước khô cạn, phơi ruộng nẻ chân chim lặp đi, lặp lại hai lần, mỗi lần 3 – 5 ngày để kìm hãm cây lúa phát triển quá nhanh do nhiệt độ không khí cao. Nếu có điều kiện thì tiến hành sục bùn quanh gốc lúa cũng có thể hạn chế lúa làm đòng và trổ sớm được 3 – 4 ngày.

Xem thêm
Chăn nuôi an toàn sinh học vẫn gặp nhiều khó khăn

Ngành nông nghiệp Hà Nam đang áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học.

Nguy cơ cao dịch tả lợn Châu Phi từ tận dụng thức ăn thừa

KHÁNH HÒA Một hộ chăn nuôi ở xã Phước Đồng, TP Nha Trang vừa tiêu hủy toàn bộ đàn lợn do vài con bị chết với kết quả xét nghiệm dương tính dịch tả lợn Châu Phi.

Thí điểm công nghệ đo lường, báo cáo và xác nhận giảm phát thải trong sản xuất lúa

THÁI BÌNH Viện Môi trường Nông nghiệp hợp tác với Công ty Thanks Carbon áp dụng công nghệ đo giảm phát thải trong mô hình sản xuất lúa tưới ngập - khô xen kẽ tại Thái Bình.