| Hotline: 0983.970.780

Tổ công tác 970 tiếp tục hỗ trợ các tỉnh phía Nam ổn định sản xuất

Thứ Năm 09/09/2021 , 17:21 (GMT+7)

Tổ trưởng Tổ công tác 970, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cam kết hỗ trợ các tỉnh phía Nam ổn định sản xuất, chuẩn bị cho chu kỳ mới và Tết Nguyên đán.

Hai nội dung trọng tâm

Sau hơn 50 ngày công tác tại các tỉnh, thành phố phía Nam, Tổ công tác 970 Bộ NN-PTNT đã kết nối và giúp tiêu thụ thành công khoảng 300-400 tấn nông sản/ngày, cao điểm có ngày trên 1.000 tấn. 

Tính đến ngày 8/9, có 1.420 đầu mối cung cấp nông sản đã được lên danh sách. Cụ thể: rau củ quả (389 đầu mối), trái cây (370), thủy hải sản (514), lương thực (83), còn lại các các mặt hàng khác.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cam kết với các tỉnh, thành phố phía Nam sẽ tiếp nối kết quả mà Tổ công tác 970 đã làm được. Ảnh: Minh Sáng.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cam kết với các tỉnh, thành phố phía Nam sẽ tiếp nối kết quả mà Tổ công tác 970 đã làm được. Ảnh: Minh Sáng.

Tại vựa lúa chính của cả nước - đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Tổ đã hỗ trợ 13 tỉnh trong khu vực đạt sản lượng 16,86 triệu tấn lúa, tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài đáp ứng nhu cầu lương thực cho phần thiếu hụt của vùng Đông Nam bộ, ĐBSCL còn thừa khoảng 3 triệu tấn gạo đảm bảo yêu cầu an toàn lương thực và xuất khẩu.

Bên cạnh lúa, Tổ công tác 970 Bộ NN-PTNT cũng ổn định sản xuất các mặt hàng khác, như: rau đạt 3,83 triệu tấn; trái cây 4 triệu tấn. Về chăn nuôi, đàn lợn ước khoảng 8 triệu con, sản lượng 869.000 tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020; tổng đàn gia cầm ước đạt 154,7 triệu con, sản lượng 343.000 tấn; sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 2,006 triệu tấn, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước.

Thành công trong việc đáp ứng được nhu cầu lương thực, thực phẩm hiện tại của người dân 19 tỉnh, thành Nam Bộ, nhưng Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị các đơn vị của Bộ NN-PTNT, Sở NN-PTNT các tỉnh, thành chưa vội thỏa mãn.

Trong Hội nghị sơ kết Tổ công tác 970 ngày 9/9, Thứ trưởng cho rằng, tình hình sau ngày 15/9 - thời điểm các tỉnh, thành phố phía Nam có thể bỏ giãn cách, sẽ đặt ra những khó khăn, thử thách mới. Ví dụ: nguy cơ khô hạn và xâm nhập mặn của vụ đông xuân, giá bán của một số vật nuôi, trong đó có gà công nghiệp chưa được cải thiện, hay tái sản xuất các nhà máy, cơ sở chế biến thủy sản để đáp ứng "3 tại chỗ"...

Tỉnh An Giang nhờ Tổ 970 kết nối tiêu thụ 44 ngàn tấn xoài. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tỉnh An Giang nhờ Tổ 970 kết nối tiêu thụ 44 ngàn tấn xoài. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Để giải quyết, Thứ trưởng yêu cầu ngành nông nghiệp phía Nam tập trung vào hai nội dung. Thứ nhất, đề ra phương án sản xuất cụ thể sau ngày 15/9. Do ngành nông nghiệp có tính đặc thù, người dân thường xuyên ở ngoài đồng, ao nuôi, nên Sở NN-PTNT các tỉnh cần thống nhất một kế hoạch, trước khi tham mưu cho gửi UBND tỉnh.

Thứ hai, chuẩn bị đủ nguồn cung giống cho cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là với một số loại như cá tra, gà công nghiệp hiện quá lứa nhưng chưa thu hoạch được. Lãnh đạo ngành nông nghiệp cũng nhắc nhở các tỉnh, rà soát lại nguồn giống lúa cho vụ đông xuân, cẩn thận nguy cơ thiếu hụt.

Xin ý kiến Chính phủ

Trước gợi mở của Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An Đinh Thị Phương Khanh cho biết, Sở đã phối hợp Sở Tài chính tổ chức thu mua lúa giống dự trữ, đảm bảo nguồn giống. Tuy nhiên, do dịch bệnh, người dân có thể không đủ tiền mua lúa giống.

Hiện Long An còn hai mặt hàng là tôm và gia cầm sống. Tỉnh đang hướng dẫn để các cơ sở hoạt động trở lại, vừa đảm bảo an toàn dịch bệnh, vừa phát triển sản xuất. Sở NN-PTNT Long An cũng phối hợp với Sở Giao thông vận tải để hỗ trợ Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn di chuyển liên tỉnh, để thu mua, sản xuất cá tra.

Dù có một số giải pháp, ngành nông nghiệp Long An vẫn gặp khó khăn về công tác phòng chống dịch bệnh trên gia súc gia cầm, nhất là tiêm phòng, hay sản xuất "3 tại chỗ".

Bà Khanh kiến nghị Tổ Công tác 970 Bộ NN-PTNT hai việc: (1) Xin ý kiến Chính phủ hỗ trợ 50% chi phí lúa giống phục hồi sản xuất. (2) Không thực hiện "3 tại chỗ" với doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp, thay bằng quản lý "1 cung đường 2 địa điểm".

Chung quan điểm với Long An, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Cần Thơ Nguyễn Tấn Nhơn cho biết, tỷ lệ tiêm chủng cho công nhân ở các nhà máy thực hiện "3 tại chỗ" chỉ đạt 50%. Đa số các cơ sở chế biến thủy sản trên địa bàn TP. Cần Thơ phải tạm ngưng hoạt động, khiến 38.500 tấn cá tra tồn đọng.

Nguyên nhân, theo ông Nhơn, là do các tỉnh áp dụng mức độ giãn cách xã hội khác nhau, tùy theo tình hình dịch bệnh của từng địa phương. Điều này gây ảnh hưởng tới việc di chuyển lực lượng lao động, máy móc thiết bị và vận chuyển nông sản, thủy sản giữa các tỉnh.

"Cần Thơ rất mong phần mềm kết nối cung - cầu nông sản mà Tổ công tác 970 xây dựng trở thành một kênh thương mại điện tử phổ biến của Việt Nam, và vươn tầm ra cả thị trường thế giới", ông Nhơn nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang báo tin vui, rằng tỉnh sẽ xuống giống dứt điểm  vụ thu đông vào 15/9. 

Ông Trịnh Công Minh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Tiền Giang thì thông tin, tình hình dịch bệnh của tỉnh đang có xu hướng giảm, với trung bình 200 ca nhiễm mới mỗi ngày. Bên cạnh đó, Tiền Giang khẳng định, tỉnh không có khó khăn về giống lúa cho đến vụ đông xuân.

TP. HCM, địa phương có số ca mắc Covid-19 nhiều bậc nhất trong đợt bùng phát lần này, cũng có tín hiệu lạc quan. Giám đốc Sở NN-PTNT TP. HCM Đinh Minh Hiệp chia sẻ, rằng thành phố đang xem xét và từng bước mở lại chợ truyền thống, các siêu thị cho người dân. Sở NN-PTNT TP. HCM cũng đang làm việc với Sở Công thương, để xúc tiến ký kết kế hoạch liên tịch với 13 tỉnh ĐBSCL, nhằm đảm bảo nguồn cung nông sản, thủy sản sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Tái sản xuất và chuẩn bị vật tư đầu vào là hai nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp các tính phía Nam trong thời gian tới.

Tái sản xuất và chuẩn bị vật tư đầu vào là hai nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp các tính phía Nam trong thời gian tới.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cam kết với các tỉnh, thành phố phía Nam sẽ tiếp nối kết quả mà Tổ công tác 970 đã làm được. Hiện hầu hết các Sở NN-PTNT các tỉnh, thành đều đã có đường dây nóng hỗ trợ thông tin cung - cầu cho doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT cũng vừa ra mắt Diễn đàn Thông tin Kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản. Với đầu mối là Báo Nông nghiệp Việt Nam, đây sẽ nơi giúp các cơ quan quản lý đến gần hơn với người dân.

Về đề xuất của TP. HCM, Thứ trưởng Trần Thanh Nam sẽ chuyển cho Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật và một số đơn vị chuyên môn khác để xây dựng kế hoạch liên tịch, vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa giữ chuỗi cung ứng không bị đứt gãy.

Về các chính sách hỗ trợ cho giống, tín dụng và bảo hiểm nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT hứa báo cáo với Bộ trưởng, trước khi trình Chính phủ.

"Là trụ đỡ của nền kinh tế, nền nông nghiệp cần có bước tiến sau ngày 15/9. Với mục tiêu chuẩn bị thật tốt nguồn cung lương thực, thực phẩm trên cả nước, Bộ NN-PTNT sẽ nghiên cứu và tham mưu cho Chính phủ về một chương trình khôi phục sản xuất trên cả nước", ông kết luận.

Doanh nghiệp gặp nhiều rào cản ở vùng xanh hơn vùng đỏ

Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn cho biết, vấn đề khó khăn nhất mà doanh nghiệp của bà đang mắc phải là di chuyển lao động từ các tỉnh khác nhau về nhà máy sản xuất, chế biến. Điển hình là việc đưa công nhân xuống cơ sở tại huyện Mang Thít, Vĩnh Long.

Theo bà Khanh, những công nhân này được đưa về từ vùng đệm sản xuất, được công ty cho xét nghiệm định kỳ 3 ngày/lần, đã tiêm đủ 2 mũi vacxin Covid-19.

Tuy nhiên, huyện Mang Thít vẫn yêu cầu cách ly đủ 14 ngày, với người về từ địa phương khác. Nguyên do huyện đang là "vùng xanh" - hơn 14 ngày không phát hiện ca dương tính Covid-19.

“Nữ hoàng cá tra” cho rằng, yêu cầu này không phù hợp với khuyến cáo mới nhất của Bộ Y tế. Trong văn bản hướng dẫn mới nhất về biện pháp áp dụng với người về từ vùng có dịch Covid-19 được công bố hồi tháng 8/2021, Bộ Y tế nêu rõ: Những người đã tiêm đủ liều vacxin phòng Covid-19, hoặc đã khỏi bệnh sẽ tự theo dõi sức khoẻ tại nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày đến địa phương; luôn thực hiện Thông điệp 5K; thực hiện xét nghiệm 2 lần vào ngày đầu và ngày thứ 7.

"Theo suy nghĩ thông thường, vùng xanh phải là nơi thông thoáng, tạo điều kiện để đẩy mạnh sản xuất. Tuy nhiên, thực tế là doanh nghiệp gặp nhiều rào cản ở vùng xanh hơn vùng đỏ. Chúng tôi đề nghị một phương pháp chống dịch nhất quán, để có thể tái sản xuất sau ngày 15/9", bà Khanh bày tỏ.

Do lượng vacxin về nhiều, tỷ lệ tiêm phòng Covid-19 tại Đồng Nai có chuyển biến lớn. Tỉnh phấn đấu đạt tỷ lệ tiêm 70-80% sau ngày 15/9. Đây là cơ sở để Đồng Nai gỡ khó cho các doanh nghiệp sản xuất "3 tại chỗ", nhất là trong lĩnh vực chăn nuôi.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

2 người ở Hà Giang bị thương do thiên tai

Mưa lớn kèm gió lốc đêm 4, ngày 5/5 trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã khiến 2 người bị thương và 378 nhà dân bị tốc mái, hư hỏng.