“Tuy nhiên, hạn chế của mô hình TĐK là việc liên kết với tính chất tự phát nên thiếu bền vững và hiệu quả chưa cao. Để nâng cao hiệu quả của mô hình này, tổ chức Tổ hợp tác (THT) được ra đời. Đó là sự phát triển bậc cao của mô hình TĐK”- ông Lanh khẳng định.
Phát triển đúng định hướng
Trong giai đoạn từ năm 2009 đến nay, các TĐK hoạt động tích cực và hỗ trợ tốt cho nhau trong việc bám ngư trường, tăng hiệu quả sản xuất. Trên cơ sở đó, Sở NN-PTNT chỉ đạo các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch chuyển đổi toàn bộ TĐK thành THT để phù hợp đúng quy định của NĐ 15 của Chính phủ. Từ mô hình TĐK được nâng cấp lên THT với sự ghi nhận của cấp có thẩm quyền ra quyết định thành lập. Đến cuối năm 2016, TĐK giảm 68 tổ so với cuối năm 2015. Số lượng giảm do các TĐK đã chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình THT. Nhiều chủ tàu của các TĐK gia nhập thành viên vào THT.
Vào THT, ngư dân vững vàng trên biển |
Theo ông Lanh, TĐK hoạt động có hiệu quả, nhưng chưa đáp ứng được với sự phát triển của hoạt động khai thác thủy sản trên biển. Một số TĐK hoạt động hình thức, quy chế của tổ chưa được UBND xã, phường chứng thực theo quy định. Nhiều TĐK chưa xây dựng được quỹ phát triển sản xuất nên chưa có hỗ trợ nhau trong sản xuất kinh doanh. Mặt khác, sự liên kết giữa các thành viên trong TĐK chưa chặt chẽ, thiếu thông tin liên lạc, thiếu hỗ trợ nhau về ngư trường…
Việc phát triên THT là bước đi đúng định hướng và tạo điệu kiện tốt cho ngư dân khi đánh bắt xa bờ. Đến nay, Quảng Bình có 113 THT với gần 900 tàu và gần 7.000 thành viên thuyền viên tham gai. Nhiều địa phương có số lượng THT cao như Bố Trạch (36 THT, 325 tàu); Đồng Hới (30 THT, 201 tàu); Ba Đồn (27 THT, 216 tàu); Quảng Trạch (20 THT, 171 tàu)…
Trung bình, mỗi THT gồm 9 - 10 tàu cá cùng hoạt động trong một ngư trường dưới sự điều hành của 1 tàu đội trưởng. Thuyền trưởng có trách nhiệm chỉ đạo chung. Tàu đội trưởng vừa khai thác thủy sản vừa phân công nhiệm vụ cho các tàu khác trong trường hợp có sự cố hoặc luân phiên vào bờ đưa sản phẩm vào đất liền tiêu thụ và cung ứng dầu, lương thực, thực phẩm cho các tàu trong đội.
Về xã Bảo Ninh (TP Đồng Hới) nơi có đội tàu đánh bắt xa bờ lớn của tỉnh và hoạt động có hiệu quả cao. Trước đó, xã Bảo Ninh đã sớm thành lập 2 THT trên biển lấy tên là Quyết Thắng và Hồng Hà. Ông Hoàng Quang Hiếu, đội trưởng THT Quyết Thắng cho hay: “Khi tham gia vào THT khai thác trên biển, ngư dân được hưởng một số quyền lợi chung về vốn sản xuất, ngư lưới cụ, kinh nghiệm đánh bắt… Chính vì vậy, thu nhập sẽ được đảm bảo cao hơn trước đây”. Điều quan trọng hơn là không chỉ phát huy được về hiệu quả kinh tế mà THT thực sự làm an tâm cho ngư dân khi đánh bắt trên biển. “Nói cách khác, khi có tàu nước ngoài có ý định xấu, nhưng thấy đội hình tàu trong THT đông và đoàn kết trên cùng ngư trường thì họ cũng lảng ra xa”- ông Hiếu cho hay.
Sau khi có chủ trương thành lập THT, huyện Quảng Trạch (sau này chia tách thành thị xã Ba Đồn và huyện Quảng Trạch) đã nhanh chóng kiện toàn các TĐK, chuyển đổi được 10 THT với 94 tàu tham gia. Sau khi chia tách, hai địa phương này đều phát triển THT khá mạnh mẽ. Ông Đậu Minh Ngọc - Bí thư huyện ủy Quảng Trạch cho rằng: “THT đã phát huy hiệu quả vai trò và năng lực của hình thức liên kết sản xuất tập thể, có sự phân công nhiệm vụ cho các tàu cụ thể và thu nhập được hưởng đúng với sức lao động đã bỏ ra”.
Sản lượng đánh bắt ngày càng tăng |
Vượt qua những khó khăn thời gian ban đầu, đến nay, THT đã hoạt động theo hướng chuyên môn hóa. Việc phân công nhiệm vụ cụ thể cho các tàu trong đội cụ thể và sát với năng lực, kinh nghiệm đi biển. Ngư dân Lê Văn Thành (thuộc THT Hồng Xuân, phường Quảng Phúc - thị xã Ba Đồn), cho hay: “Có tàu sẽ chuyên nhiệm vụ hậu cần, tiêu thụ sản phẩm, cung ứng vật tư. Có tàu chuyên đánh lưới. Trước đây, mỗi chuyến ra khơi từ 10-15 ngày phải quay vào bờ vì để tiêu thụ sản phẩm và lấy thêm lương thực, thực phảm, nước ngọt, dầu. Bây giờ có thể yên tâm bám ngư trường dài ngày hơn vì đã có tàu khác lo chuyện hậu cần rồi”.
Tăng thu nhập, yên tâm bám biển
Theo ông Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình, qua quá trình sản xuất của các THT cho thấy hiệu quả kinh tế rõ nét. Tàu trong THT bám biển dài ngày hơn nên giảm được chi phí đi về. Nhờ tăng thời gian đánh bắt nên sản lượng đánh bắt cũng được tăng hơn nhiều và thu nhập bình quân của ngư dân cũng được tăng lên đạt mức 5,5 triệu đ/tháng. “Không chỉ hỗ trợ nhau trên biển, các hội viên tham gia THT còn đóng góp quỹ để hỗ trợ các thành viên khó khăn với số tiền gần 1 tỷ đồng”, ông Lợi thông tin thêm.
Trong năm nay, làng biển Bảo Ninh như sôi động hẳn lên vì được mùa đánh bắt. Theo ông Nguyễn Ngọc Hiế-, Chủ tịch UBND xã Bảo Ninh thì: “Toàn xã có 21 THT với trên 450 tàu. Sản lượng hải sản đánh bắt được vào thời điểm này khoảng 10.000 tấn, tăng hơn 20% so với mùa biển năm trước. Có thu nhập cao và an tâm hơn khi bám biển đã tạo được động lực cho ngư dân chúng tôi trong phát triển kinh tế và giữ gìn biển”. Cũng theo đội trưởng Hoàng Quang Hiếu, nhờ sản lượng đánh bắt tăng nên lao động có mức bình quân thu nhập trên 20 triệu đồng/chuyến biển.
Tham gia vào THT và có doanh thu cao sau mỗi chuyến ra khơi, các ngư dân như anh Nguyễn Công Hoan, Trần Đình Thủy, Mai Văn Đụng, Phạm Văn Tuyển… (xã Bảo Ninh) đã mạnh dạn đầu tư vài tỷ đồng để đóng tàu mới có công suất lớn phục vụ đánh bắt xa bờ và bám biển dài ngày ở ngư trường vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa.
Ngư dân yên tâm đầu tư đóng mới tàu có công suất lớn để vươn khơi |
Nhiều tàu cá ở Bảo Ninh đã thu về tiền tỷ trong mỗi chuyến ra khơi. Chủ tàu Nguyễn Công Hoan có chuyến đi biển từ Hoàng Sa về và bán được gần 1,4 tỷ đồng sản phẩm từ biển. Anh Hoan cho hay: “Đội tàu của tôi lớn nên mỗi chuyến đi biển là trọn tháng. Chuyến nào cũng đạt doanh thu từ trên 1 tỷ đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, khấu hao tài sản thì công lao động được trả từ 20 - 30 triệu đồng tùy theo doanh thu từng chuyến cụ thể”. Ngư dân Lê Văn Thành (phường Quảng Phúc) cũng có chuyến đi biển dài ngày về. Ông cho biết “Mỗi người được hơn 15 triệu đồng trong chuyến đi này. Các thành viên trong đội thường xuyên trao đổi thông tin về ngư trường, để kịp thời khai thác các luồng cá tập trung nên có hiệu quả cao. Mặt khác, trong đội có vài người có kinh nghiệm lão luyện về ngư trường thì coi như đó là kinh nghiệm chung của toàn đội”.
Theo nhiều ngư dân, THT hoạt động có hiệu quả đã thấy rõ. Tuy nhiên, cũng có những khó khăn cần tháo gỡ. Ngư dân Thành cho hay, nhiều ngư dân cũng đang cần vốn để đầu tư đóng tàu mới “Nhà nước cần tăng nguồn vốn và hỗ trợ về lãi suất để ngư dân càng yên tâm bám biển. Ngoài ra, chúng tôi cũng cần có sự hỗ trợ về chuyển giao, ứng dụng công nghệ trong đánh bắt và khai thác hải sản để đáp ứng với yêu cầu đặt ra trong giai đoạn mới”-. ông Thành nói.