| Hotline: 0983.970.780

Tơ tằm thăng trầm vì thiếu vùng nguyên liệu

Thứ Hai 22/01/2024 , 07:55 (GMT+7)

Nghề tơ tằm đang trải qua giai đoạn thăng trầm, không ổn định, do những hạn chế tồn tại, nhất là thiếu quy hoạch vùng nguyên liệu, cần có những định hướng mới.

Ngành dâu tằm tơ Việt Nam chủ yếu sản xuất kén, chế biến tơ thô. Ảnh: Phương Thảo.

Ngành dâu tằm tơ Việt Nam chủ yếu sản xuất kén, chế biến tơ thô. Ảnh: Phương Thảo.

Còn nhiều trở ngại

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, trong quá trình phát triển, ngành dâu tằm tơ Việt Nam đang gặp nhiều trở ngại cả về sản xuất và thị trường.

Thứ nhất, nghề trồng dâu nuôi tằm được thực hiện chủ yếu tự phát, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa có một quy hoạch tổng thể và chương trình phát triển dài hạn để hình thành các vùng nguyên liệu gắn với tổ chức sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Thứ hai, nghề này chủ yếu là sản xuất thủ công nhiều khâu, đặc biệt là trồng dâu nuôi tằm và hái lá, cơ giới hóa trong sản xuất còn hạn chế. Trình độ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, kỹ thuật canh tác, phòng trừ dịch bệnh... còn thấp. Việc nuôi tằm vẫn phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Biến đổi khí hậu, sâu bệnh hại cây dâu, tằm khiến sản lượng kén thực tế thấp hơn nhiều so với năng suất tiềm năng.

Thứ ba, trứng giống tằm chủ yếu được nhập từ Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Các giống trong nước đã cải thiện chất lượng tơ nhưng chỉ chiếm được một thị phần nhỏ. Hệ thống nhân giống tằm bị suy yếu, cần nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị để quay trở lại sản xuất trứng tằm lưỡng hệ kén trắng.

Thứ tư, công tác đầu tư cho sản xuất ở mức thấp. Nhiều hộ nuôi tằm có điều kiện nhà nuôi tằm và trang thiết bị nuôi hạn chế. Đầu tư của các doanh nghiệp ươm tơ, dệt lụa và sản phẩm tơ lụa thấp.

Thứ năm, mối liên kết giữa người sản xuất và người mua kén không chặt chẽ, thiếu tính bền vững. Việc mua bán kén chủ yếu thông qua thỏa thuận miệng, thiếu ổn định, không có ràng buộc về tính pháp lý.

Thứ sáu, ngành dâu tằm tơ Việt Nam chủ yếu sản xuất kén, chế biến tơ thô xuất khẩu nguyên liệu. Công nghiệp dệt, nhuộm, in, hoàn tất lụa tơ tằm còn yếu. Sản xuất các sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao trong giai đoạn khởi động vẫn chưa thể đảm bảo thị trường vững chắc cho nông dân cũng như các nhà máy ươm tơ.

Công tác quy hoạch đóng vai trò quan trọng

Trước những khó khăn đó, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đưa ra các định hướng quy hoạch cho nghề. Ở tầm quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, cần tiến hành quy hoạch phát triển trồng dâu nuôi tằm chú trọng tới những vùng có lợi thế so sánh, vùng đất bãi ven sông, trung du miền núi.

Phát triển 3 vùng sản xuất dâu tằm trọng điểm là Tây Nguyên; Trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ. Phát triển Vùng Đồng bằng sông Hồng theo hướng công nghiệp chế biến kết hợp với du lịch.

Nghề cũng cần đổi mới cơ cấu về tổ chức sản xuất, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển đầu tư chế biến sản phẩm liên kết theo chuỗi. Doanh nghiệp hoạt động gắn với vùng nguyên liệu, chịu trách nhiệm cung ứng giống và các nguyên vật liệu phục vụ sản xuất đồng thời thu mua sản phẩm trong vùng.

Quy hoạch phát triển trồng dâu nuôi tằm cần chú trọng tới những vùng có lợi thế so sánh, vùng đất bãi ven sông, trung du miền núi. Ảnh: Thanh Tiến.

Quy hoạch phát triển trồng dâu nuôi tằm cần chú trọng tới những vùng có lợi thế so sánh, vùng đất bãi ven sông, trung du miền núi. Ảnh: Thanh Tiến.

Công tác khuyến nông chú trọng xây dựng, chuyển giao các mô hình sản xuất dâu giống mới, nuôi tằm con tập trung, nuôi tằm công nghệ cao, áp dụng đồng bộ các kỹ thuật tiên tiến kết hợp đào tạo huấn luyện và truyền thông kết quả các mô hình tiêu biểu.

Nhận định các sản phẩm ngành tơ tằm Việt Nam chưa có thương hiệu thống nhất, Do đó, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh, việc xây dựng thương hiệu là cần thiết và có ý nghĩa trong việc phát triển lâu dài đồng thời nâng cao hiệu quả tiêu thụ.

Trong đó, xây dựng hệ thống nhận diện và truy suất nguồn gốc tơ lụa là nhiệm vụ quan trọng, cùng với tổ chức quảng bá, giới thiệu sản phẩm, phát triển du lịch gắn với ngành tơ tằm của Việt Nam.

Muốn làm được điều đó, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, cần có chính sách thu hút đầu tư của doanh nghiệp và hợp tác đầu tư giữa 4 nhà, trong đó ưu tiên vào đầu tư hạ tầng nuôi tằm, trồng dâu; đào tạo nghề ươm tơ dệt lụa; công nghệ sản xuất trứng tằm trong nước; công nghệ chế biến lụa.

Đồng thời, ngành đưa ra chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân xúc tiến thương mại ở thị trường trong nước và thế giới, với các ưu đãi về tín dụng.

Bức tranh tơ tằm Việt Nam hiện nay

Theo số liệu của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Việt Nam có khoảng gần 40.000 hộ nông dân làm nghề trồng dâu nuôi tằm. Diện tích năm 2022 cả nước trồng hơn 13.000ha dâu tằm. Tổng diện tích dâu tằm có xu hướng tăng trong 10 năm gần đây, tăng khoảng 59% so với năm 2012 (hơn 7.700ha).

Sản lượng kén đạt gần 17.000 tấn/năm, sản lượng tơ đạt khoảng 2.000 tấn/năm. Việt Nam hiện đang đứng thứ 3 trên thế giới về sản lượng tơ, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Giá trị xuất khẩu năm 2022 đạt 70 triệu USD/năm.

Các giống đang được sử dụng trong sản xuất của nghề tơ tằm Việt Nam đa dạng, gồm: S7-CB, VH9, VH13, VH15; 2 giống dâu lai trồng hom VA-201, TBL-03 và tiếp nhận 2 giống dâu lai lưỡng bội trồng hạt tự công bố lưu hành là giống GQ2, GQ12.

Trong tổng số diện tích dâu tằm tơ hơn 13.000ha, có khoảng gần 10.000ha trồng dâu giống mới, năng suất lá 35 - 40 tấn/ha. Diện tích còn lại là giống địa phương cho năng suất lá 20 - 25 tấn/ha và giống dâu Trung Quốc. Sau 10 năm, tỷ lệ giống mới đã tăng từ 45% lên 73,4% và trở thành giống dâu phổ biến trong sản xuất.

Nghề nuôi tằm có 2 loại chính là tằm dâu và tằm sắn. Với loại hình tằm sắn, cơ sở sản xuất trứng tằm sắn có sản lượng khoảng 90.000 - 95.000 hộp/năm, đáp ứng đủ nhu cầu của người nuôi tằm sắn vùng Trung du miền núi phía Bắc.

Với loại hình tằm dâu, nhu cầu trứng tằm dâu khoảng 500.000 hộp trứng/năm. Trong đó, nhu cầu trứng tằm vàng nguyên là 5%, nhu cầu trứng tằm đa hệ vàng lai là 23% và nhu cầu trứng tằm lưỡng hệ trắng là 72%.

Công nghệ nuôi tằm gần đây đã thay đổi từ nuôi trong khay tre sang nuôi trên nền đất, khoảng 78% người dân đã áp dụng công nghệ này.

Việt Nam có 25 nhà máy ươm tơ tự động với 86 dãy máy (10 - 12 tấn tơ cao cấp/hàng máy/năm). Một số nhà máy ươm tơ cơ khí nhiều mối (20 - 25 tấn tơ loại trung bình/nhà máy năm) và nhiều cơ sở ươm tơ thủ công.

Ngành ươm tơ đang có sự chuyển dịch từ ươm tơ cơ khí nhiều mối sang ươm tơ tự động do chi phí nhân công ngày càng tăng và nhu cầu về tơ chất lượng cao. Các nhà máy ươm tơ tự động tập trung chủ yếu trên Tây Nguyên và Tây Bắc. Các cơ sở ươm tơ thủ công tập trung ở Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ.

Tổng giá trị xuất khẩu tơ sống của Việt Nam năm 2019 đạt 56,4 triệu USD. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá trị xuất khẩu lụa đã giảm 30%, chỉ còn 41,1 triệu USD. Năm 2021, giá trị xuất khẩu tơ tằm đã tăng lên tới 72,7 triệu USD, bao gồm cả hàng tồn kho từ năm trước.

Phần lớn tơ thô của Việt Nam được xuất khẩu sang Ấn Độ, tỷ phần lần lượt năm 2019 là 95,7%, năm 2020 91,4%, năm 2021 92,3%. Trung Quốc là nhà nhập khẩu tơ lớn thứ 2 của Việt Nam (3,97% vào năm 2021). Tuy nhiên, việc tập trung quá nhiều hàng tơ xuất khẩu sang Ấn Độ sẽ tiềm ẩn rủi ro khi thị trường có biến động.

Về thị trường trong nước, nghề dệt từ xa xưa rất phát triển và đã hình thành các làng nghề dệt truyền thống như Hà Đông (Hà Nội), Nha Xá (Hà Nam), Nam Cao (Thái Bình)... Ngày nay, các làng nghề này vẫn đang phát triển nhưng kỹ thuật theo lối cổ truyền, sản xuất thủ công.

Ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia phát triển các sản phẩm từ lụa và chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Các sản phẩm này chủ yếu được bán cho khách du lịch đến Việt Nam và đáp ứng một phần nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xuất khẩu lô thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo

BẮC NINH Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, thuộc Hùng Nhơn Group vừa tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.