| Hotline: 0983.970.780

Tộc người bí ẩn nơi một tiếng gà gáy 3 nước cùng nghe

Thứ Bảy 14/11/2020 , 07:10 (GMT+7)

Trên dải dất Tây Nguyên huyền bí, có đến hơn 20 dân tộc thiểu số sinh sống, mỗi tộc người có những phong tục, tập quán truyền thống riêng lâu đời.

Sinh hoạt văn hóa của người B'râu.

Sinh hoạt văn hóa của người B'râu.

Trong đó, người B’râu là một trong số những tộc người ít người nhất Việt Nam, nhưng lại có những phong tục, tập quán độc đáo, bí ẩn nhất. Điều thú vị hơn là, người B’râu có thể nói được ít nhất 3-4 thứ tiếng, thậm chí có người nói được cả chục ngôn ngữ.

Người B’râu sống ở làng Đắk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Nơi “một tiếng gà 3 nước cùng nghe”, bởi có đường biên giới tiếp giáp 3 nước, Việt Nam, Lào và Campuchia.

Coi chừng bị phạt oan

Lần ấy, trong chuyến công tác Kon Tum, sau khi kế hoạch chuyến đi cơ bản hoàn thành, tôi theo chân anh bạn đồng nghiệp đến làng Đắk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, tham quan làng của đồng bào thiểu số B’râu. Bởi đây được coi là tộc người ít người nhất Việt Nam hiện nay, và có những nét văn hóa độc đáo.

Trước khi đến Đắk Mế, tôi đã tìm hiểu sơ qua, biết trưởng làng Thao Lợi là người có uy tín, hiểu biết rộng và mến khách, nên quyết định gặp ông.

Khi đến nhà ông Thao Lợi, thấy ông và một nhóm người đang tất bật dựng cây nêu bằng lồ ô. Thấy người lạ, nét mặt ông biến sắc. Sau đó, dù chúng tôi chào rất to và cố gắng tiếp cận làm quen, nhưng nhóm người vẫn không đáp lời. Trái lại, nét mặt ông Thao Lợi và những người khác càng lúc càng khó chịu hơn. Thấy không ổn, chúng tôi đành gật đầu chào họ rồi rút lui.

Nhưng vừa ra đến cổng thì bất ngờ, một nhóm gần chục người đàn ông B’râu chặn đường, nhìn chúng tôi chằm chằm, nét mặt lạnh tanh, bên hông mỗi người lủng lẳng con dao đi rừng sắc lẹm. Sau đó, một người đàn ông trong nhóm cất tiếng: “phải phạt heo thôi”. Sau đó, họ chụm lại xì xào một hồi, rồi quay lại yêu cầu chúng tôi nộp phạt một con heo…3 gang tay!

Phút thư giãn của một bà cụ B'râu.

Phút thư giãn của một bà cụ B'râu.

Trước thái độ của họ, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên, không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Sau đó, tôi đánh liều lên tiếng, rằng chúng tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra? Vì sao lại bị phạt? Chúng tôi có lỗi gì? “Các anh không thấy cây nêu ngoài cổng làng sao? Hôm nay là ngày dựng cây nêu cúng Giàng, người lạ vào làng dân làng sẽ bị Giàng phạt, nên phải cúng heo cho Giàng”, người đàn ông nói tiếp.

Lúc này, ông Thao lợi mới từ trong nhà đi ra, giải thích cặn kẽ hơn: “Ngày lễ này, nếu có người lạ vào, Giàng sẽ nổi giận, sẽ trừng phạt dân làng, sẽ mang điều xui xẻo đến cho dân làng như ốm đau, mất mùa, nặng hơn thì đưa lũ về cuốn trôi nhà cửa, trâu bò, lợn gà đi, nên phải cúng để thần linh hết giận. Tùy mức độ và tính chất của lễ mà hình phạt nặng hay nhẹ.

Nặng có thể bị phạt cả con trâu, nhẹ thì heo, gà. Tôi là người thường tiếp xúc với khách du lịch, cán bộ nhà nước về làm việc, họ chưa biết về các luật tục địa phương, nên cũng dễ thông cảm. Còn dân làng thì cứ theo luật tục họ làm thôi. Lúc nãy tôi biết các anh vô tình phạm luật tục, nên im lặng để các anh đi. Còn để dân làng biết rồi thì phải chịu phạt thôi”.

Theo ông Thao Lợi thì chúng tôi đã vô tình phạm phải một trong những luật tục thiêng nhất của người B’râu. Vì chưa hiểu rõ về các luật tục của họ nên chúng tôi không để ý, trước cổng nhà ông Thao Lợi, có đặt một nhánh cây. Đây là dấu hiệu cho thấy, người lạ cấm không được bước vào.

Đến đây tôi mới sực nhớ, không chỉ người Brâu, người Ca Dong, người Xơ-đăng, hay J’rai… ở các tỉnh như Kon Tum, Gia Lai đều có tín hiệu cấm người lạ vào nhà mình bằng cách đặt cành cây, nhánh cây trước cửa nhà, hay sân nhà như thế.

Trở lại với chuyện bị dân làng Brâu phạt heo, nghĩ rằng con heo dài 3 gang tay chắc khoảng 15-20 ký, tính ra chừng vài trăm ngàn, đây cũng là dịp gần gũi, tiếp xúc để hiểu thêm về văn hóa tâm linh hay những luật tục của tộc người B’râu. Nghĩ thế nên chúng tôi quyết định đóng phạt.

Nhưng ngay sau đó, chúng tôi “té ngửa” khi ông Thao Lợi giải thích rằng 3 gang tay là chỉ đo ngang phần bụng (không tính lưng) thôi chứ không phải đo dọc. thân heo từ đầu đến đuôi! Nếu thế thì con heo này phải nặng cỡ 1 tạ chứ không ít.

Đến nước này, chúng tôi lại năn nỉ tiếp. Ông Thao Lợi cũng xin giúp chúng tôi bằng cách nói với dân làng rằng khách là những cán bộ ngành nông nghiệp, lên đây tìm hiểu giúp bà con trồng lúa tốt hơn. Nếu phạt, cán bộ buồn sẽ không lên giúp bà con nữa…

Cuối cùng, dân làng cũng đồng ý “giảm nhẹ hình phạt” cho chúng tôi. Từ con heo 3 gang xuống còn 200 ngàn tiền mặt, để làng mua gà, rượu cúng Giàng.

Bà và cháu nơi ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia.

Bà và cháu nơi ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia.

So với các tộc người thiểu số khác ở Tây Nguyên, dân tộc B’râu có số lượng thành viên ít nhất, nhưng lại là tộc người “bí ẩn” nhất, nhiều tập tục lạ như cà răng, căng tai, vẽ mặt, đeo còng ở chân, tay.

Trưởng làng Thao Lợi cho biết, 4 tục này người nghèo không được làm, chỉ những phụ nữ nhà giàu mới căng tai.

Trong đó, căng tai bằng ngà voi thì chỉ những phụ nữ quyền quý nhất mới được làm. Hiện nay, tục cà răng, căng tai hay vẽ mặt đang dần mai một, chỉ một số ít những người lớn tuổi còn căng tai, cà răng. Một trong những tập tục giống các bộ lạc thổ dân da đỏ ở Nam Mỹ, đó là xăm mặt, nay cũng không còn.

Tộc người biết nhiều ngôn ngữ nhất Tây Nguyên

Ánh mắt B'râu.

Ánh mắt B'râu.

Đây có lẽ là khám phá bất ngờ nhất của chúng tôi khi tìm hiểu về đồng bào B’râu. Phần lớn họ biết cả chục ngôn ngữ, trong đó, tiếng Kinh, Lào, Campuchia, Thái Lan… là những ngôn ngữ mà họ nói lưu loát như tiếng mẹ đẻ.

Ngoài ra, nhiều người thông thạo tiếng Anh, Pháp. Với vốn ngoại ngữ phong phú như vậy nên khi gặp gỡ, tiếp xúc với dân tộc nào, họ linh hoạt sử dụng được phương ngữ của chính tộc người đó. Điều đặc biệt là, trong khi người B’râu dễ dàng tiếp cận được ngôn ngữ của nhiều dân tộc khác thì ngược lại, ngôn ngữ của người B'râu không nhiều người hiểu.

Trưởng làng Đắk Mế Thao Lợi là người thông thạo 10 ngôn ngữ, cho biết, như thế chưa là gì so với vợ ông, bà Nàng Sai.

Theo Thao Lợi, ngoài ba ngoại ngữ “cơ bản” là Thái, Khmer và Lào, bà Nàng Sai mà còn nghe, hiểu và nói được 18 thứ tiếng khác nhau, bao gồm hầu hết ngôn ngữ các đồng bào thiểu số ở Tây Nguyên như J’rai, Ê Đê, Ca Dong, Rơ Mâm, Banar, Xê Đăng…

“Đàn ông B’râu ở Đắk Mế người nào cũng thông thạo phần lớn ngôn ngữ các tộc khác, vì họ thường xuyên ra ngoài làm ăn, giao tiếp nhiều. Những tiền bối như già Thao Kim, Thao Ất, Thao Mưu, Thao Phi, Thao Lang… từng đi khắp nơi, tiếp xúc nhiều với cộng đồng các dân tộc khác nên biết hết ngôn ngữ của họ. Biết nhiều thứ tiếng là nét văn hóa truyền đời của người B'râu.

Tuy nhiên, đây không phải "món quà" từ trên trời rơi xuống mà bắt nguồn từ tính cộng đồng cao của người B’râu, những cái hay có từ cha ông, luôn được truyền lại cho con cháu học hỏi”, ông Thao Lợi nói.

Thông thạo ngoại ngữ, đồng thời am hiểu nhiều thứ tiếng của các dân tộc khác đã đem lại nhiều điều lợi thế trong công việc lẫn cuộc sống của người B'râu.

“Mỗi lần đến bản làng của các đồng bào khác, mình dùng ngôn ngữ của họ để giao tiếp nên họ rất thích, coi như người nhà. Họ cho rằng, chúng tôi biết tôn trọng văn hóa của họ. Nhiều lúc họ thấy mình nói tiếng họ như người cùng tộc, họ ngạc nhiên lắm, hỏi: “Sao mày nói tiếng dân tộc tao giỏi được?”. Tôi cười, bảo: "Vì tao thích cái tiếng của mày nó hay nên học theo”.

Theo trưởng làng Thao Lợi, tổ tiên người B'râu có nguồn gốc từ vùng hạ Lào và một phần Bắc Campuchia, Thái Lan. Trong quá trình di cư tìm vùng đất phù hợp, họ đã chọn Ngọc Hồi, Kon Tum trụ lại. Người B'râu hiện vẫn còn người thân, họ hàng ở Lào, Campuchia, Thái Lan.

Họ vẫn thường xuyên thăm hỏi, làm ăn buôn bán với nhau, nên thường sử dụng ngoại ngữ. Nhờ yếu tố lịch sử này mà tiếng nói và chữ viết của người B'râu rất đặc biệt so với các dân tộc khác, đó là sự pha trộn giữa Khmer, Thái, và Lào.

Tuy có sự giao thoa nhưng về mặt hình thức ký tự và ý nghĩa, lại chỉ giống rất ít. Vì thế, ngôn ngữ của người B'râu không dễ đối với các tộc người khác.

Ngoài ra, yếu tố địa lý, nơi người B’râu sinh sống là khu vực biên giới giữa 3 nước cũng là một yếu tố góp phần giúp họ có điều kiện tiếp xúc và học hỏi được nhiều loại ngôn ngữ khác nhau.

(Kiến thức gia đình số 49)

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm