Giám đốc Ban quản lý kênh đào Suez, ông Osama Rabia trả lời kênh truyền hình nhà nước Ai Cập Sada el -Balad TV nói: "Đó là một khoản tiền đáng kể, ước tính có thể lên tới 1 tỷ đô la hoặc hơn. Chúng tôi sẽ tiếp tục tính toán, kiểm đếm tất cả các khoản kinh phí mà chúng tôi đã chi ra thuê mướn các bên tham gia giải cứu suốt sáu ngày đêm xảy ra sự cố".
Ngoài ra ông Rabia trước đó cũng cho hay, sự cố tắc nghẽn tuyến giao thông đường thủy huyết mạch xuyên lục địa qua Ai Cập đã khiến chính phủ nước này phải chịu tổn thất khoảng 14 triệu USD mỗi ngày.
Theo các tính toán, đã có khoảng 30.000 mét khối cát đã được di chuyển, hút để đưa con tàu nổi trở lại. Tổng cộng đã có 13 chiếc tàu kéo của các nước được huy động để trục kéo con tàu trở về trạng thái nổi bình thường.
Sau khi được giải cứu thành công, hiện con tàu container Ever Given mang cờ Panama của Nhật Bản do tập đoàn hàng hải Evergreen của Đài Loan vận hành đã được kéo đến hồ Great Bitter nằm ở khoảng giữa kênh đào Suez nối giữa Địa Trung Hải và Biển Đỏ.
Dự kiến tàu Ever Given sẽ còn phải nằm tại đây chờ cho đến khi hoàn tất cuộc điều tra về nguyên nhân xảy ra sự cố khi bắt đầu hành trình từ Trung Quốc đến Hà Lan, bao gồm cả quy trình kiểm tra độ an toàn của thân tàu, phần mũi trước cũng như các tác động ngoại cảnh khác như gió, bão cát hay do con người.
Ông Rabia cho biết, hiện thủy thủ đoàn vẫn chưa chuyển hộp đen của con tàu container Ever Given và các tài liệu liên quan cho giới chức Cairo như một phần của cuộc điều tra.
Siêu tàu container Ever Given tải trọng 220.000 tấn và dài hơn 400 mét đã bị mắc cạn, chắn ngang kênh đào Suez vào hôm 23 tháng 3 khiến hàng trăm tàu bè bị dồn ứ ở hai đầu kênh. Mặc dù sự cố đã được giải quyết để thông tuyến sớm hơn dự tính, tuy nhiên giới chuyên gia cho rằng, hoạt động vận chuyển toàn cầu có thể sẽ mất sáu tháng để trở lại bình thường.
Trong sáu ngày kênh đào Suez bị phong tỏa, nhiều thuyền trưởng đã phải chuyển hướng sang các tuyến đường khác xa hơn về phía nam xung quanh Mũi Hảo Vọng, như hồi trước khi con kênh này được hoàn thành vào năm 1869. Trong khi đó, các tuyến đường bộ xuyên châu Á cũng đã chứng kiến sự gia tăng rõ rệt về lưu lượng vận tải hàng hóa do không thể giao thương bằng đường thủy.
Kênh đào Suez trên lãnh thổ Ai Cập được xây dựng từ năm 1859 đến năm 1869 dưới sự tài trợ của chính phủ Pháp. Trong tổng số 1,5 triệu lao động người Ai Cập được huy động để đào kênh, ước tính đã có khoảng 120.000 người đã bỏ mạng vì các tai nạn lao động hay kiệt sức.