Ngày 10/8, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM Lê Minh Tấn cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, TP.HCM đã triển khai gói hỗ trợ thứ nhất để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Trong gói hỗ trợ đợt 1, đến nay, nhóm lao động bị hoãn việc, nghỉ việc không hưởng lương đã nhận được hỗ trợ của TP.HCM là 52.000 trường hợp trong tổng số 56.000 công nhân lao động (đạt 92%); 5.800 hộ kinh doanh cá thể dừng hoạt động theo Chỉ thị 16 (đạt 100%); hỗ trợ 15.000 hộ trong tổng 16.500 hộ thương nhân ở chợ truyền thống trên địa bàn quận huyên (đạt 90%).
Lao động tự do không ký kết hợp đồng lao động đã hỗ trợ 365.394 người (100%) với kinh phí 576 tỷ đồng. Bên cạnh đó, TP.HCM cũng thực hiện chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp đối với 101.000 đơn vị tương ứng với 2.300.000 lao động với kinh phí là 1 tỷ 60 triệu đồng, với chính sách tạm dừng đóng vào phí thu phí tử tuất có 102 doanh nghiệp với tổng kinh phí là 215 tỷ đồng cho 22.300 công nhân.
Ngoài ra, TP hỗ trợ 44 doanh nghiệp vay trả lương cho 9.600 công nhân lao động phục vụ sản xuất với tổng số tiền 75 tỷ đồng. Hỗ trợ chính sách cho hơn 6.000 hướng dẫn viên ngành du lịch với kinh phí trên 23 tỷ đồng; hỗ trợ 139 người là đạo diễn, diễn viên với kinh phí hơn 500 triệu đồng.
Theo ông Lê Minh Tấn, đến nay, người dân, chính quyền TP.HCM đã trải qua gần 70 ngày giãn cách để chiến đấu với dịch Covid-19. Nhiều người lao động tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn. Do đó, TP.HCM tiếp tục triển khai gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 09 HĐND TP.HCM cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn với kinh phí trên 900 tỷ đồng cho ba nhóm đối tượng: lao động thất nghiệp, lao động tự do (không kí kết hợp đồng lao động) và hộ nghèo - hộ cận nghèo.
Trong đó, TP.HCM tiếp tục hỗ trợ 365.000 lao động tự do như những người buôn gánh bán bưng, bảo vệ, khuân vác, thu gom giấy vụn, môi trường… (không ký kết hợp đồng lao động) với mức 1,5 triệu đồng/người đợt 2, những người này phải có đăng ký tạm trú (như gói hỗ trợ 1).
“TP.HCM phấn đấu đến ngày 15/8, sẽ hoàn thành việc gói hỗ trợ tới tận tay người dân lao động tự do”, ông Lê Minh Tấn khẳng định.
Cũng theo ông Tấn, hiện một số quận triển khai tốt việc hỗ trợ gói thứ 2 như quận Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú, quận 1, TP Thủ Đức. Trong ba ngày qua, đã giải ngân cho nhóm đối tượng là lao động tư do này gần 40 tỷ đồng trên tổng số 501 tỷ đồng.
Ngoài ra, TP.HCM mở rộng diện hỗ trợ trong đợt 2 đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo với tổng số 90.600 hộ nghèo, với mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/hộ (trong đó 1,2 triệu đồng tiền mặt và phần quà trị giá 300.000 đồng).
Đặc biệt, TP sẽ hỗ trợ khoảng 174.000 hộ lao động trong các khu nhà trọ, khu lưu trú, xóm nghèo, khu vực bị phong tỏa gặp khó khăn thực sự với mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/hộ (trong đó 1,2 triệu đồng tiền mặt và phần quà trị giá 300.000 đồng).
“Ai thực sự nghèo, thực sự khó khăn trong các khu nhà trọ, khu lưu trú, xóm nghèo, khu vực bị phong tỏa, không phân biệt thường trú, tạm trú trong lúc này sẽ được TP hỗ trợ, chứ không phải bất cứ người nào trong khu nhà trọ cũng được hỗ trợ. Kinh phí này sẽ chuyển trực tiếp qua tài khoản cá nhân hoặc gửi đến trực tiếp từng nhà, từng hộ chi trực tiếp cho bà con. Đảm bảo không bỏ sót bất cứ trường hợp nào trong ba nhóm đối tượng đối tượng này. Đặc biệt, ưu tiên hộ nghèo, hộ lao động có từ 3 nhân khẩu trở lên", Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM Lê Minh Tấn thông tin.
Đối với trường hợp người không may tử vong do dịch Covid-19, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết, TP.HCM sẽ căn cứ theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP hỗ trợ bằng 50 lần so với mức hỗ trợ hàng tháng của người bảo trợ xã hội (360.000 đồng) tương đương 17,4 triệu đồng cho một trường hợp không may qua đời do dịch Covid-19.
Trưởng ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê nhấn mạnh, ngân sách TP.HCM sẽ chi toàn bộ 17,4 triệu đồng chăm lo, hậu sự cho người qua đời vì Covid-19. Còn đối với việc hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, ông Khuê yêu cầu Sở LĐ-TB-XH TP.HCM phối hợp các quận huyện, đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ để kịp thời tới tận tay người dân gặp khó khăn.
"TP vận dụng tất cả điều kiện có thể có để làm sao chăm lo cho người dân vượt qua khó khăn. Làm sao không để sót, không trùng lắp, làm sao sự trợ sức đến kịp thời", ông Khuê nhấn mạnh.