| Hotline: 0983.970.780

Đồng Nai căng mình phòng bệnh dại:

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Thứ Ba 05/11/2024 , 08:00 (GMT+7)

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Chó được thả rông khắp các tuyến đường, công viên tại Đồng Nai làm càng tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Ảnh: Lê Bình.

Chó được thả rông khắp các tuyến đường, công viên tại Đồng Nai làm càng tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Ảnh: Lê Bình.

Ngay từ sáng sớm đầu tuần, anh L.H.T. (phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa) đã đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai để tiêm vacxin ngừa dại. Cách đó 2 ngày, trên đường đi về nhà, anh T. bị chó nhà hàng xóm đuổi, cắn vào chân. Vết cắn khiến chân anh T. chảy máu, được sơ cấp cứu kịp thời.

Anh T. có góp ý với chủ nuôi chó là hàng xóm của mình nhưng cũng chỉ nhận lại sự thờ ơ, đổ thừa trách nhiệm. Lời qua tiếng lại, nếu không có người ngăn cản hai bên khó tránh khỏi cuộc ẩu đả.

“Mình muốn góp ý để chủ nuôi kiểm soát chó hơn. Nếu là con nít và người lớn tuổi sẽ như thế nào. Không thể chấp nhận kiểu bào chữa như vì mình trêu nên chó mới cắn của chủ nuôi. Vô trách nhiệm đến thế là cùng”, anh T. bức xúc.

Không khó để bắt gặp những chú chó thả rông, không mang rọ mõm, chạy khắp các tuyến đường ở Đồng Nai. Đã có những quy định về việc rọ mõm cho chó khi ra đường, nhưng sẽ là vô nghĩa nếu người nuôi chó không ý thức được việc này.

Điều đáng nói, những chú chó này thường bất ngờ chạy ra đường khiến những người điều khiển giao thông không xử lý kịp, dẫn đến việc tai nạn giao thông là hoàn toàn có thể xảy ra.

Trước vấn nạn này, nhiều biện pháp đã được Sở NN-PTNT và UBND các huyện, thành phố đồng loạt triển khai. Trong đó, bắt chó thả rông được các địa phương ưu tiên hàng đầu. Riêng tại Biên Hòa, dự kiến sẽ triển khai các đội bắt chó thả rông tại 30 xã, phường.

Thời gian này, các đội bắt chó thả rông của Biên Hòa liên tục ra quân. Bắt gặp bất cứ con chó thả rông thì đội bắt chó vây bắt và bỏ lên xe chuyên dụng. Chủ vật nuôi sẽ phải đóng phạt theo quy định mới được chuộc chó, mèo về. Nếu vật nuôi vô chủ sẽ bị tiêu hủy hoặc phục vụ cho nghiên cứu, giảng dạy, học tập.

Đa số người dân đồng lòng ủng hộ nhưng cũng có nhiều người đã tỏ ra giận dữ, phản đối việc làm này. Thậm chí có nhân viên đội bắt chó bị hăm dọa hành hung khi bắt chó thả rông. Họ cho rằng, đây là hành động thiếu nhân văn, bởi vật nuôi của mình đã cắn ai đâu mà phải bị đuổi bắt, nhốt....

Trong chuyến tham gia cùng đội bắt chó tại các phường Trảng Dài và Long Bình Tân, phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam cũng ghi nhận nhiều cá nhân phản kháng, thậm chí xúc phạm, quay phim chụp ảnh đội bắt chó để đăng lên mạng xã hội với mục đích vu khống. Chứng kiến cảnh này, nhiều người dân đi đường đã bức xúc giùm: “Đợi chó cắn chết người mới biết sợ à, lúc đó có gánh được hậu quả không?”.

Đoàn bắt chó thả rông tại phường Long Bình Tân đã phải nhờ đến lực lượng công an để can thiệp, tuyên truyền cho những người có hành vi quấy rối, hăm dọa.Ảnh: Lê Bình.

Đoàn bắt chó thả rông tại phường Long Bình Tân đã phải nhờ đến lực lượng công an để can thiệp, tuyên truyền cho những người có hành vi quấy rối, hăm dọa.Ảnh: Lê Bình.

Ông Nguyễn Ái Vương, Phụ trách mảng Thú y, Phường Long Bình Tân đã phải nhờ đến Công an khu vực để tuyên truyền, giải quyết những hiểu lầm không đáng có này. Nhờ đó, chủ nuôi chó ý thức được hành động của mình, cam kết không tái phạm và sẽ xích chó, không thả rông ra đường.

“Mục đích là đội là nhằm tuyên truyền để người dân ý thức được thói quen tưởng chừng như vô hại của mình. Bởi chó có thể không cắn người đi lại nhưng chắc chắn sẽ phóng uế ra ra môi trường, gây mất an toàn giao thông cho người đi đường”, ông Ái Vương cho hay.

Từ đầu năm 2024 đến nay, Đồng Nai đã tiêm khoảng 14.000 mũi vacxin phòng bệnh dại hoặc huyết thanh kháng dại cho người dân. Không chỉ tổn thương về tâm lý mà người bị chó, mèo cắn cũng phải mất số tiền khá lớn để tiêm ngừa, điều trị. Nếu vật nuôi bị dại thì người bị cắn, cào có nguy cơ tử vong hoặc nhẹ hơn là biến chứng viêm não.

Theo quy định, nếu vật nuôi thả rông không có người quản lý, gây tai nạn cho người khác, chủ sở hữu vật nuôi đó sẽ bị xử phạt hành chính, bồi thường thiệt hại, thậm chí có thể bị xử lý hình sự, tùy theo mức độ. Cụ thể, nếu chủ nuôi thả rông chó, mèo sẽ bị phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng. Nếu chó không đeo rọ mõm hoặc không xích giữ, mức phạt từ 1 - 2 triệu đồng. Nếu chó cắn chết người, chủ vật nuôi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người.

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.

Cú hích cho nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu

SƠN LA Chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá cao sự cầu tiến của các hộ trong dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’.