| Hotline: 0983.970.780

Trăn trở sự lãng phí tiềm năng ngành gỗ xứ Nghệ

Thứ Năm 16/09/2021 , 18:14 (GMT+7)

Có diện tích đất rừng lớn nhất nước, nhưng Nghệ An gần như bỏ ngỏ 'sân nhà', khi mà các doanh nghiệp đầu tư vào ngành gỗ lại tới từ các tỉnh phía Bắc.

Những dòng xe rùng rùng chở gỗ ra Bắc

Từ khi tham gia vào hoạt động xuất khẩu sản phẩm gỗ ép được làm ra từ cây keo do các nhà máy phía Bắc sản xuất, tôi có cơ hội đi thăm nhiều cơ sở sản xuất từ Yên Bái tới Phú Thọ, Lạng Sơn, Bắc Giang…

Các sản phẩm gỗ ép từ cây gỗ keo như gỗ bao bì, gỗ copha, gỗ nội thất … được ứng dụng vào việc xây dựng và sản xuất ra sản phẩm gỗ như thùng, pallet, giường tủ, bàn ghế... Các sản phẩm này hiện nay đang được tiêu thụ rất tốt ở thị trường thế giới như Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Đông, Mỹ… và ngay tại nội địa cũng đang được các nhà máy sản xuất đồ gỗ nội thất tìm mua.

Mỗi mùa thu hoạch keo, những chuyến xe từ Nghệ An lại rùng rùng chở gỗ ra Bắc. Ảnh: VK.

Mỗi mùa thu hoạch keo, những chuyến xe từ Nghệ An lại rùng rùng chở gỗ ra Bắc. Ảnh: VK.

Bài liên quan

Cùng đồng hành với các nhà sản xuất, chứng kiến sự phát triển và thay đổi về kinh tế của các hộ gia đình, các nhà xưởng sản xuất của bà con phía Bắc, tôi nhận thấy rằng tiềm năng của ngành lâm nghiệp tỉnh nhà Nghệ An còn rất nhiều dư địa để phát triển cho cây keo.

Chỉ cần một chuyến đi thực tế lên các huyện như Thanh Chương, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp... (Nghệ An), chúng ta đều rất dễ nhìn ra hàng chục xưởng bóc gỗ mà phần lớn do bà con phía Bắc vào đầu tư bóc gỗ để vận chuyển ván bóc ra Bắc sản xuất.

Vào mùa khai thác gỗ keo, không khó để bắt gặp hàng đoàn xe chở gỗ keo đã được cắt theo kích thước 1,3 m/cây ra Bắc phục vụ làm nguyên liệu sản xuất gỗ. Nhìn các xưởng bóc nhỏ vậy thôi, nhưng mỗi xưởng sẽ sử dụng tối thiểu khoảng 14 - 15 công nhân/dây chuyền sản xuất. Các chủ xưởng đa phần sẽ thuê lao động tại địa phương để tổ chức sản xuất và cho thu nhập trung bình 4 - 5 triệu đồng/tháng.

Mức lương này dành cho lao động phổ thông, không yêu cầu nhiều về kỹ năng cũng không phải là cao, nhưng ít ra cũng sẽ đều công và cao hơn nhiều so với làm nông nghiệp. Nguồn gỗ bóc này chính là nguyên liệu chính làm đầu vào cho các nhà máy gỗ ép phía Bắc.

Thiếu những nhà máy chế biến, gỗ nguyên liệu của Nghệ An hầu hết được chuyển đi chế biến sâu ở ngoài tỉnh, trong khi nguồn lao động có thể phục vụ cho công nghiệp gỗ tại Nghệ An lại rất dồi dào. Ảnh: VK.

Thiếu những nhà máy chế biến, gỗ nguyên liệu của Nghệ An hầu hết được chuyển đi chế biến sâu ở ngoài tỉnh, trong khi nguồn lao động có thể phục vụ cho công nghiệp gỗ tại Nghệ An lại rất dồi dào. Ảnh: VK.

Tôi cũng đã hỏi thăm các chủ xưởng ở đây về lý do tại sao lại chọn Nghệ An làm nơi tổ chức sản xuất thì được trả lời: Nghệ An có nguồn gỗ keo rất đẹp, phù hợp để bóc làm nguyên liệu cho nhà máy gỗ ép và rất được yêu thích ở phía Bắc.

"Anh biết bọn em mang cả gia đình vào đây dựng xưởng, nếu không làm ăn được thì bọn em xa nhà làm gì?", một chủ doanh nghiệp gỗ ở phía Bắc vào Nghệ An đầu tư xưởng gỗ không dấu diếm khi được hỏi đến hiệu quả kinh tế khi đầu tư vào chế biến gỗ ở Nghệ An.

Mới đây, Nghệ An nhận được Quyết định số 509/QĐ-TTg ngày 31/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ thành lập Khu Lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ.

Với vị trí địa lý nằm ở trung tâm Bắc Trung Bộ, và là tỉnh có diện tích đất rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước, toàn tỉnh Nghệ An có tới 965.057 ha đất có rừng, trữ lượng gỗ trên 91 triệu m3, trong đó trên 9,6 triệu m3 gỗ rừng trồng, sản lượng khai thác bình quân hàng năm đạt từ 1,2 - 1,4 triệu m3.

Nghệ An cũng có rất nhiều lý do nữa như tiềm năng lao động cũng như định hướng phát triển ngành lâm nghiệp nên việc tỉnh được chọn là làm Khu Lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tiên của cả nước là điều dễ hiểu.

Với tiềm năng tăng trưởng ngành lâm nghiệp hàng năm trên 10% như hiện nay, cơ hội về mặt vĩ mô là điều chắc không cần bàn đến đối với ngành lâm nghiệp nói chung và của tỉnh Nghệ An nói riêng.

'Trông người lại ngẫm đến ta...'

Ngành gỗ hiện nay của chúng ta đã có rất nhiều doanh nghiệp “khủng”, Ở đây, xin không dám "múa rìu qua mắt thợ", nhưng cũng xin mạo muội đưa ra ý kiến cá nhân để xem như là một hướng mở cho những ai có ý định khởi nghiệp tại quê nhà Nghệ An từ ngành lâm nghiệp.

Trong khi rất nhiều địa phương khác liên tục bứt phá về ngành gỗ, thì Nghệ An gần như đang lùi lại phía sau khi mà tiềm năng vô cùng lớn. Ảnh: Hải Nam.

Trong khi rất nhiều địa phương khác liên tục bứt phá về ngành gỗ, thì Nghệ An gần như đang lùi lại phía sau khi mà tiềm năng vô cùng lớn. Ảnh: Hải Nam.

Trong khi chờ đợi các nhà đầu tư lớn với các dự án kỳ vọng làm ra các sản phẩm gỗ ứng dụng công nghệ cao, Nghệ An có thể nghĩ đến việc nhỏ là sản xuất ra nguyên liệu để phục vụ cho các nhà máy gỗ ép phía Bắc như các xưởng gỗ bóc, các nhà máy sản xuất gỗ ép làm bao bì… để sau này đóng pallet hay đóng thùng hàng làm vệ tinh cho các nhà máy trong khu công nghệ cao.

Tuy nhiên trước khi chờ đến ngày đó, Nghệ An đang có một thị trường đầu ra hết sức dồi dào đối với ngành gỗ, đó chính là các nhà máy gỗ ép phía Bắc và chủ động xuất khẩu.

Ví dụ như: Việc tổ chức một cơ sở bóc gỗ hay xẻ gỗ thanh sẽ không đòi hỏi quá nhiều về quy mô vốn đầu tư cũng như yêu cầu cao về tay nghề của người lao động. Hơn nữa, tôi cũng được biết có rất nhiều lao động người Nghệ An đang làm việc tại các nhà máy gỗ ép phía Bắc.

Họ là những người lao động được các nhà máy rất thích sử dụng nhờ sự chịu khó, cần cù, biết chắt chiu, không để lãnh phí nguyên liệu trong các công đoạn sản xuất gỗ nên mang lại nhiều giá trị cho người sử dụng lao động. Họ chính là những lực lượng lao động có tay nghề, kinh nghiệm có thể quay trở lại làm giàu ngay trên chính quê hương xứ Nghệ của mình.

Dĩ nhiên, để bắt đầu một mô hình khởi nghiệp trong sản xuất kinh doanh, sẽ có rất nhiều vấn đề đặt ra như: Quy mô đầu tư, đầu ra cho sản phẩm, sản xuất như thế nào để có giá thành cạnh tranh và có lợi nhuận…

Sở hữu 'thiên thời, địa lợi, nhân hòa' để phát triển ngành gỗ, nhưng Nghệ An lại chưa thể tạo ra sự hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Ảnh: Hải Nam.

Sở hữu "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" để phát triển ngành gỗ, nhưng Nghệ An lại chưa thể tạo ra sự hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Ảnh: Hải Nam.

Rất nhiều câu hỏi khác cần được giải đáp và lên phương án cụ thể trước khi bắt đầu. Tuy nhiên, cứ nhìn vào các làng nghề như ở Hạ Hòa (Phú Thọ) với hằng trăm hộ gia đình bóc gỗ, hàng chục nhà máy gỗ ép đang ngày đêm hoạt động, tạo ra công ăn việc làm và thu nhập khá cao, ổn định cho lao động tại địa phương thì cũng rất đáng để Nghệ An suy ngẫm và tìm cách làm.

Chỉ cần làm phép tính đơn giản, mỗi huyện ở Nghệ An chỉ cần khoảng 30 cơ sở bóc gỗ hoạt động hiệu quả, đã có thể tạo công ăn việc làm cho khoảng 500 người, mà lao động ở đây khá đa dạng về tuổi tác.

Và một vài năm sau khi đã quen tay nghề, những lao động này hoàn toàn có thể tổ chức thành các nhà máy gỗ ép thì lúc đó lực lượng lao động và giá trị kinh tế cho người dân cũng như đóng góp cho ngân sách là một con số cũng đáng để chính quyền cùng quan tâm hỗ trợ tối đa cho bà con.

Bản thân tôi, rất mong các anh chị đi trước chia sẻ thêm cho các bạn trẻ có định hướng khởi nghiệp với ngành gỗ để mong sao chúng ta có thể hình thành nên làng nghề gỗ ngay tại Thanh Chương, Đô Lương hay Nghĩa Đàn để cùng nhau tương hỗ cùng phát triển.

Khi đã thành làng nghề gỗ, hiệu quả sản xuất sẽ tăng lên nhờ sự bổ trợ về kinh nghiệm sản xuất, máy móc, thiết bị, thị trường đầu ra, kiến thức quản trị… Thiết nghĩ rằng “buôn có bạn, bán có phường”, và “muốn đi xa thì ta đi cùng nhau”. Hi vọng một ngày không xa, ngành gỗ của Nghệ An sẽ xây dựng được tên tuổi, khẳng định được vị thế xứng tầm với tiềm năng vốn có của tỉnh.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.