| Hotline: 0983.970.780

Tráng bánh... nuôi bò vỗ béo, lợi cả đôi đường

Thứ Sáu 22/02/2019 , 07:05 (GMT+7)

Ông Nguyễn Ngọc Nhuận ở thôn Phú Nông, xã Hòa Bình 1 (huyện Tây Hòa, Phú Yên) đầu tư mua máy tráng bánh, hấp chín bằng lò hơi rồi phơi bánh khô bán ra thị trường. Những ngày nắng mưa thất thường thì tráng bánh để nuôi bò.

Trước đây, gia đình ông Nhuận tráng bánh bằng lò chụm củi, hấp bánh bằng nồi bảy (nồi đồng), mỗi lần tráng chỉ ra 1 cái. Gần đây ông thay thế phương thức tráng thủ công, đầu tư mua máy tráng, hấp chín bằng lò hơi. Việc thay thế phương thức làm bánh đã nâng năng suất bánh cao. Vào dịp tết, lò tráng bánh càng “tăng tốc”, năng suất mỗi ngày đạt 6.000 - 7.000 vỉ, tương đương 35.000 cái.

09-15-04_4
Bánh tráng trải trên vỉ đem phơi nắng

Thế nhưng thời tiết ở Phú Yên từ tháng 10 đến tháng 1 năm sau là mùa mưa, trùng với thời điểm tráng bánh tết, những ngày nắng mưa thất thường thì lãnh đủ. Các vỉ bánh thành phẩm phơi chưa khô gặp mưa thì hong trong lò hấp, song bánh hấp thường bị sượng, hôi khói. Còn mấy thau nước gạo xay thành bột để qua đêm bị chua nên đổ.

Thấy quá lãng phí, tiếc của nên ông Nhuận nghĩ ra cách nuôi bò. “Vừa rồi tôi nuôi cặp bò lai 25 triệu đồng/con, tháng đầu tiên tập cho nó ăn quen nước gạo. Có ngày tráng bánh gặp mưa thì tôi đổ ập bánh ướt vô máng bò luôn. Thời gian nuôi 4 tháng, thực chất vỗ béo 3 tháng, tôi xuất bán 40 triệu đồng/con”, ông Nhuận nói.

Bây giờ trong chuồng bò của ông Nhuận có 10 con, nuôi theo 2 lứa, lứa bò lớn và lứa bò nghé. Hằng ngày cho uống nước gạo, ăn cỏ, rau; lứa bò lớn phát (bò đực đến thời điểm xuất bán), thương lái lùa 5 con ra thì ngày trước ngày sau lùa 5 con nhỏ vô, lúc nào cũng “niêm” 10 con trong chuồng. Cách nuôi “gối đầu” như vậy, mỗi năm xuất bán 3 lứa, mỗi lứa 5 con, trừ chi phí thì thu lãi trên 200 triệu đồng. Số tiền này ở nông thôn khó kiếm được.

Cũng theo ông Nhuận, hằng ngày lấy nước gạo cho bò uống kết hợp ăn cỏ, rau muống, đối với bò nghé thì thời gian ngắn qua “đốt nghé”. “Mua con nghé ròm nuôi cỡ 1 tháng qua “đốt nghé”, nuôi tiếp 3 tháng sau, trong khoảng thời gian này cho ăn có chất bột, bò mướt lông, mau mập, nhanh đến giai đoạn phát. Thấy vậy nhiều người nói tôi có “tay” nuôi bò phát”, ông Nhuận giãi bày.

Chuồng trại của ông Nhuận thiết kế bài bản, phân bò được dẫn theo đường ống chạy qua khỏi mấy đám ruộng đổ xuống suối. Nơi đây ông lắp đặt hệ thống hầm biogas. Hầm trả ngược gas về đốt lò hơi tráng bánh.

09-15-04_2
Chuồng bò của ông Nhuận lúc nào cũng “niêm” 10 con

Ông Cao Tấn Kha, Chủ tịch UBND xã Hòa Bình 1 cho hay: Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Phú Yên tổ chức tham quan mô hình vỗ béo bò của ông Nhuận để đánh giá so sánh hiệu quả kinh tế giữa hai phương pháp chăn nuôi truyền thống và thâm canh. Từ đó làm cơ sở cho nông dân học hỏi kinh nghiệm về phương pháp làm. Hộ gia đình không có lò tráng tráng thì thay thế cám gạo, khâu quan trọng là chuồng trại sạch sẽ và cách chăm sóc vỗ béo.

Cũng theo ông Kha, xã Hòa Bình 1 có tổng đàn bò 1.850 con, trong đó bò lai chiếm tỉ lệ 90,8%. Địa phương có thuận lợi trong chăn nuôi là diện tích trồng cỏ bãi bồi ven sông Ba 47ha. Hiện toàn xã có 10 hộ nuôi bò quy mô lớn như chuồng trại ông Nhuận, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Ngô Thái Hưng, Trưởng phòng Khuyến nông (Trung tâm Khuyến nông Phú Yên) cho biết, qua tham quan mô hình của ông Nhuận, bà con đã nắm bắt được kỹ thuật nuôi bò vỗ béo. Ngoài gánh cỏ đầy ắp luôn được xếp trong chuồng để bò ăn cả ngày, ông Nhuận còn cho bò ăn thêm bột ngô, bột đậu tương, bột cá, rau muống. Chuồng trại luôn được cọ rửa sạch sẽ, đảm bảo môi trường thoáng mát nhằm tránh dịch bệnh. Địa phương cũng vận động nông dân chuyển diện tích sản xuất lúa năng suất thấp sang trồng cỏ chăn nuôi bò...

 

Xem thêm
Cục trưởng Cục Thú y: ‘Không có lợi ích nhóm trong hoạt động kiểm dịch động vật’

Trước thông tin có lợi ích nhóm trong hoạt động kiểm dịch động vật, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long đã đối thoại với các doanh nghiệp để làm rõ tin đồn này.

Sầu riêng rụng quả non hàng loạt do sốc nhiệt

KHÁNH HÒA Nhiều diện tích sầu riêng ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa đang thời kỳ quả non bị rụng hàng loạt do sốc nhiệt.

Quảng Ngãi xây dựng mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa

Các đơn vị đã phối hợp tổ chức gieo sạ bằng máy sạ cụm 12 hàng trên diện tích 5.000m2 tại mô hình ở cánh đồng lúa xã Đức Chánh (Mộ Đức, Quảng Ngãi).