| Hotline: 0983.970.780

Trắng đêm vét nước, cứu lúa

Thứ Tư 26/06/2019 , 06:45 (GMT+7)

Gần đây, trên cánh đồng từ đập Cây Mưng đến Mõm Lang, nhiều hộ dân thôn Xuân Lộc và Xuân Điền Lộc của xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế đến hơn 21h mà vẫn còn rất đông người dân túc trực trên đồng để cùng lấy nước, cứu lúa.

* Thủ phạm là... nhà máy xi măng
 

Cả làng đi lấy nước

Do thời tiết nắng nóng cộng với sự sụt lún, mất nước do khai thác mỏ đá vôi của Công ty Xi măng Đồng Lâm, nhiều diện tích lúa của người dân thôn Xuân Lộc và Xuân Điền Lộc bị thiếu hụt nước.

08-35-56_trnh_thu_ly_nuoc_bn_dem
Tranh thủ lấy nước ban đêm.

Ông Trần Văn Sang (người dân thôn Xuân Điền Lộc) buồn bã nói, gia đình ông sống nhờ 6 sào lúa trên vùng đất này đã 30 năm qua. Thời gian gần đây, do hoạt động của mỏ đá vôi xi măng Đồng Lâm nên diện tích lúa nhà ông cách mỏ chưa đầy 100m bị sụt lún, mất nước. Cứ sáng ra lấy nước vào ruộng thì đến chiều đã khô.

Những năm trước, nước thủy lợi từ đập Cây Mưng đổ về nhiều nên có thể lấy nước bất kỳ lúc nào. Tuy nhiên, với vụ hè thu năm 2019 thì không có nước để lấy nữa. Ông phải túc trực cùng nhiều người dân trong thôn canh nước vào buổi đêm. Do lượng nước ít, người dân phải chia sẻ nên có khi ông phải trực từ 2 đến 3 giờ sáng, thậm chí là xuyên đêm.

Còn ông Trần Văn Khánh, người dân thôn Xuân Điền Lộc trồng 14 sào lúa, cách mỏ xi măng Đồng Lâm khoảng 100- 150m. Do ảnh hưởng sụt lún, mất nước bởi hoạt động của mỏ đá vôi nên ông phải tự mua máy bơm về bơm chung cùng gia đình ông Thái Văn Luyến.

08-35-56_dong_do_nguoi_dn_tp_trung_o_bo_ruong_de_cho_con_nuoc
Người dân túc trực chờ lấy nước.

Ông Khánh cho biết, năng suất lúa từ khi bị ảnh hưởng bởi mỏ đá vôi giảm sút đến 1/3. Trước đây 1 sào cho thu hoạch từ 2,5 đến 3 tạ lúa thì nay chỉ còn trên dưới 1 tạ.

Ông Thái Văn Tăng, người dân thôn Xuân Điền Lộc cho biết, ông được thôn bầu làm vệ nông của thôn để lấy nước từ vụ đông xuân 2018-2019 đến nay. Tuy nhiên, đến vụ hè thu 2019 mới đầu vụ đã không có nước để lấy nữa. Sở dĩ dẫn đến việc này là do nước chảy vào hố sụt lún và chảy về phía mỏ đá hết.

Hơn nữa, đập Cây Mưng đã cạn nước, trong khi đó, đập hồ Quao thì 3 ngày mới xả nước về đập Cây Mưng 1 lần. Vì vậy, người dân có ruộng ở đây nóng ruột quá nên cùng ra đây lấy nước để cứu lúa.
 

Lên phương án chống hạn

Qua tìm hiểu, tổng diện tích bị ảnh hưởng do mất nước, sụt lún, đá văng, khói bụi tại thôn Xuân Lộc, Xuân Điền Lộc nằm cách đê bao mỏ đá vôi xi măng Đồng Lâm từ 100- 300m là 25,82ha đất sản xuất lúa 2 vụ. Trong đó, diện tích bị sụt lún phải ngưng sản xuất từ năm 2014 đến nay là 3,16ha, UBND huyện Phong Điền đã báo cáo UBND tỉnh. Diện tích còn lại, UBND huyện phối hợp với Công ty CP Xi măng Đồng Lâm vận động người dân chuyển đổi cây trồng và thực hiện chính sách hỗ trợ.

08-35-56_thieu_nuoc_nen_ruong_nut_ne
Ruộng lúa nứt nẻ vì thiếu nước.

Trong vụ hè thu năm 2018, Công ty CP Xi măng Đồng Lâm đã hỗ trợ công chăm sóc và phân bón với tổng diện tích là 35.358m2 bị mất nước nhanh với số tiền là 650.000 đồng/sào và bị mất nước chậm là 29.134m2 với số tiền là 325.000 đồng/sào.

Vụ đông xuân 2018-2019, chính quyền các cấp đã vận động 49 hộ dân chuyển đổi diện tích hơn 6ha sang trồng lạc, ngô và hỗ trợ 100% giống, vật tư, phân bón và công lao động 300.000 đồng/sào. Đối với diện tích không chuyển đổi, công ty hỗ trợ kinh phí để hợp đồng vệ nông điều tiết nước với mức 250.000 đồng/ngày; đồng thời hỗ trợ một phần hao hụt phân bón với mức 100.000 đồng/sào.

Vụ hè thu năm 2019, các hộ dân tiếp tục làm đất, gieo trồng mè, các loại đậu, đỗ trên số diện tích đã chuyển đổi và gieo sạ lúa vụ hè thu trên diện tích không chuyển đổi. Thống kê của UBND xã Phong Xuân, vụ đông xuân 2018-2019, có 69 hộ trồng lúa với diện tích gần 13ha (tương đương 256 sào) và UBND xã đã đề nghị công ty xi măng hỗ trợ để người dân yên tâm sản xuất.

Ông Trần Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Xuân cho biết, ngay trong ngày 21/6 sau khi nhận tiền hỗ trợ từ Công ty CP Xi măng Đồng Lâm, UBND xã đã tiến hành chi trả tiền cho 69 hộ dân sản xuất lúa vụ đông xuân với số tiền gần 26 triệu đồng do hao hụt phân và hỗ trợ kinh phí hợp đồng vệ nông với số tiền 30 triệu đồng.

“Hiện nay, thực trạng thiếu hụt nước xảy ra trên toàn xã. Trong khi đó, đập hồ Quao chỉ xả nước theo lịch với tần suất 3 ngày/lần. Do vậy, các thôn như Xuân Điền Lộc, Xuân Lộc, Hiền An 2, Bến Củi, Cổ Xuân-Quảng Lộc đã lên phương án chống hạn bằng cách huy động 11 máy bơm nước để lấy nước từ các đập Hạ, Cây Mưng, Xóm Khoai tưới cho các cánh đồng lúa. Riêng thôn Xuân lộc, Xuân Điền Lộc, UBND xã đã làm việc với công tyxi măng hỗ trợ xăng dầu để chạy máy bơm nước chống hạn”, ông Toàn khẳng định.

Ông Trịnh Đức Hùng, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết, huyện đã làm việc với Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh để đưa nước từ đập hồ Quao về các xã Phong Xuân, Phong Sơn, Phong An nhằm chống hạn cho các cánh đồng bị thiếu hụt nước.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cho vay theo chuỗi giá trị, kênh 'bơm vốn' giảm rủi ro trong sản xuất nông nghiệp

Hội thảo 'Thực trạng cho vay theo chuỗi giá trị tại Việt Nam và một số nước Đông Nam Á' thảo luận về các kinh nghiệm tín dụng nông nghiệp hiện nay.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.