| Hotline: 0983.970.780

Những triệu phú chăn nuôi vùng Đông Bắc

Trang trại bò, vịt lớn nhất đất mỏ

Thứ Sáu 13/10/2023 , 06:47 (GMT+7)

Mạnh dạn đầu tư hoa học công nghệ vào chăn nuôi gia súc, gia cầm giúp nhiều trang trại bò, vịt tại Quảng Ninh thắng lớn.

Ông Đồng Quang Cường giới thiệu về hệ thống chuồng trại hiện đại bậc nhất hiện nay. Ảnh: Nguyễn Thành.

Ông Đồng Quang Cường giới thiệu về hệ thống chuồng trại hiện đại bậc nhất hiện nay. Ảnh: Nguyễn Thành.

Triệu phú vịt chuồng lạnh

Là người có nhiều năm chăn nuôi vịt, ông Đồng Quang Cường (xã Cẩm La, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) cho biết, thời gian trước, ông nuôi vịt trên ao, đầm nên thường gặp nhiều dịch bệnh, tốn chi phí, chất lượng vịt thương phẩm không cao.

Nhận thấy phương thức nuôi thả truyền thống không còn thích hợp, ông Cường đã tìm tòi, học hỏi, ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất để giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận, hạn chế rủi ro trong quá trình chăn nuôi.

"Nếu như chăn ở ngoài, nông dân mất từ 2,7 - 2,9kg thức ăn mới thu được 1kg vịt hơi. Còn chăn trong chuồng lạnh chỉ mất từ 2,1 - 2,2kg FCR. Đặc biệt, khi nuôi 1 vạn con vịt ở ngoài phải dùng đến 8 nhân công, nhưng hiện gia đình tôi chỉ cần 1 nhân công", ông Cường chia sẻ.

Ông Cường cho biết thêm, thả nuôi số lượng vịt lớn ngoài tự nhiên sẽ gặp khó khăn trong quản lý và nhiều rủi ro như dễ lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. Năm 2022, ông Cường đã mạnh dạn dốc vốn liếng và vay mượn thêm để đầu tư gần 5 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp 2 hệ thống chuồng khép kín (diện tích khoảng 3,5ha) để nuôi vịt.

Được biết, chuồng thiết kế thoáng khí, sàn chuồng có mặt lưới cao cách nền bê tông khoảng 50cm, trần lợp tôn cách nhiệt và lắp hệ thống quạt làm mát, hệ thống cho ăn tự động, máng uống tự động...

Cũng theo ông Cường, quy trình nuôi vịt trong chuồng lạnh ứng dụng công nghệ cao mang lại nhiều lợi ích. Đầu tiên, đàn vịt thích ứng tốt với khí hậu, sinh trưởng đồng đều, cho chất lượng thịt cao. Thứ hai, người nuôi hoàn toàn chủ động trong việc quản lý, theo dõi các chỉ số phát triển của đàn vịt để có kế hoạch cung cấp thức ăn, nước uống và cả thuốc chữa bệnh cho vịt từ xa.

Hiện trang trại của ông Cường có gần 15.000 con vịt, bao gồm 7.000 con vịt siêu trứng và 7.500 con vịt siêu thịt. Quy trình chăn nuôi khép kín, tiêm vacxin đầy đủ nên đàn vịt khỏe mạnh, trọng lượng trung bình đạt khoảng 3,6kg sau khoảng 1 tháng rưỡi.

Mỗi tháng, trang trại bán xuất bán hơn 15 tấn vịt với giá từ 42.000 - 45.000 đồng/kg, tùy từng thời điểm. Trang trại của ông Cường cũng được đầu tư 4 máy ấp trứng tự động để sản xuất trứng vịt lộn (từ 18 - 19 ngày ấp) và con giống (28 ngày ấp), mỗi máy có công suất ấp gần 20.000 quả trứng.

Chất thải từ chăn nuôi được tận dụng tối đa nhờ mô hình vườn - ao - chuồng (VAC) với 4 ao nuôi các loại cá nước ngọt và khu vườn trồng 100 cây bưởi da xanh, 100 cây vải chín sớm... Ngoài ra, ông Cường còn là đại lý chuyên phân phối và cung cấp thức ăn chăn nuôi ở địa phương. Trung bình, doanh thu từ mô hình VAC của gia đình cho thu nhập từ 800 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng mỗi tháng.

Chăn nuôi vịt trong nhà lạnh giúp vịt lớn nhanh, khỏe mạnh. Ảnh: Nguyễn Thành.

Chăn nuôi vịt trong nhà lạnh giúp vịt lớn nhanh, khỏe mạnh. Ảnh: Nguyễn Thành.

"Khi địa phương khác mua vịt về sơ chế qua và chuyển lại Quảng Ninh giá tăng lên từ 65.000 đến 70.000 đồng/kg thịt vịt. Tôi thấy khâu trung gian quá lớn và không bền vững nên muốn đẩy mạnh vào xu hướng sơ chế, tìm đầu ra cho sản phẩm vịt để làm sao phát triển bền vững, hiệu quả", ông Cường chia sẻ về dự định trong thời gian tới.

"Ngoài việc đi đầu áp dụng công nghệ chuyển đổi số vào quy trình sản xuất, chăn nuôi, tạo thu nhập cao, ông Cường còn là Chi hội trưởng Chi hội Nghề nghiệp về chăn nuôi của xã Cẩm La, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Ông Cường đã hỗ trợ cho các hộ dân trên địa bàn cùng lĩnh vực chăn nuôi đó để tham gia vào chuỗi sản xuất các sản phẩm từ con vịt, nâng cao hàm lượng giá trị sản phẩm cho bà con", bà Nguyễn Thị Vịnh, Chủ tịch Hội nông dân xã Cẩm La, cho biết.

Vịt thương phẩm với chất lượng tốt, được nuôi theo mô hình ứng dụng khoa học công nghệ cao giúp không chỉ được tiêu thụ tại Quảng Ninh cùng các tỉnh, thành phố lân cận như Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội mà còn xuất ra thị trường miền Trung và miền Nam.

Công ty TNHH Phú Lâm (xã Quảng Nghĩa, TP Móng Cái) là một trong những đơn vị chăn nuôi bò lớn nhất ở Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Thành.

Công ty TNHH Phú Lâm (xã Quảng Nghĩa, TP Móng Cái) là một trong những đơn vị chăn nuôi bò lớn nhất ở Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Thành.

Trang trại chăn nuôi bò lớn nhất đất mỏ

Thời gian gần đây, Công ty TNHH Phú Lâm (xã Quảng Nghĩa, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) đã đẩy mạnh lai tạo, nhân đàn, chăn nuôi đàn bò sinh sản để lấy giống cung ứng cho chính đơn vị và người dân. Từ đó, mở ra hướng phát triển mới cho công ty cũng như có tác động tích cực đến việc phát triển tổng đàn bò nuôi của tỉnh.

Được biết, Công ty TNHH Phú Lâm là đơn vị chăn nuôi bò quy mô lớn nhất tỉnh và đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Để đạt được tiêu chuẩn này, doanh nghiệp này đã đầu tư hạ tầng đồng bộ với các khu xử lý chất thải, khu nuôi nhốt, khu chế biến và kho trữ thức ăn tách biệt. Riêng khu thức ăn đảm bảo không gần hóa chất độc hại.

Bên cạnh đó, công ty cũng thực hiện giám sát lâm sàng động vật, lấy mẫu xét nghiệm các vật nuôi có dấu hiệu mắc bệnh, theo dõi, ghi chép tình trạng sức khỏe vật nuôi, lưu thông tin quá trình vật nuôi bị bệnh và điều trị bệnh; đảm bảo trong thời gian 12 tháng trước đó không xảy ra dịch bệnh lớn, không có ca bệnh lâm sàng và ca mắc của bệnh được cấp chứng chỉ an toàn.

Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 30.000 con bò, trong đó Công ty TNHH Phú Lâm đang nuôi trên 6.000 con. Là doanh nghiệp nhập giống bò Úc về nuôi dưỡng và xuất bán ra thị trường trong và ngoài nước, đàn bò của Công ty được chứng nhận nguồn gốc nhập ngoại, được bảo chứng về tốc độ sinh trưởng, phát triển, vóc dáng của mỗi con bò.

Nhận thấy đây là ưu thế so với đàn bò người dân đang nuôi, Công ty Phú Lâm sau quá trình nghiên cứu đã tiến hành chọn lọc bò cái, áp dụng biện pháp thụ tinh nhân tạo để tạo ra những con bò giống có nguồn gen mẹ là giống bò Úc. Việc thụ tinh nhân tạo trên đàn bò giúp loại bỏ nguy cơ cận huyết, thoái hoá giống ở phương thức phối giống trực tiếp trong cùng đàn.

Đến thời điểm này, công ty sở hữu đàn bò cái sinh sản với gần 500 con, từ đó đã cho ra đời những chú bò con khỏe mạnh, thích ứng với môi trường, đặc thù dinh dưỡng tại đây. Ưu thế của đàn bò giống này còn là có nguồn gốc, rõ thông số kỹ thuật.

Hiện nay, mỗi tháng, Công ty Phú Lâm xuất bán 250 con bò thịt, mỗi con nặng khoảng 500kg. Ảnh: Nguyễn Thành.

Hiện nay, mỗi tháng, Công ty Phú Lâm xuất bán 250 con bò thịt, mỗi con nặng khoảng 500kg. Ảnh: Nguyễn Thành.

Theo ông Nguyễn Minh Bạch, Giám đốc Công ty TNHH Phú Lâm, việc công ty có thể cho sinh sản bò giống Úc ngay tại đơn vị giúp chủ động đáp ứng nguồn cung bò giống chất lượng cao để chăn nuôi, thay vì phải nhập từ Úc với giá thành rất cao, giảm chi phí sản xuất.

Theo bà Chu Thị Thu Thủy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y, tỉnh Quảng Ninh có cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng trang trại sản xuất theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa tập trung, tạo ra sản phẩm chất lượng an toàn, có sản lượng sản phẩm lớn làm hàng hóa, đặc biệt là áp dụng đồng bộ các biện pháp đảm bảo môi trường, an toàn trong chăn nuôi.

Đặc biệt, chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng, sự đồng nhất về sản phẩm của các giống vật nuôi trong sản xuất phù hợp với từng vùng, từng phương thức chăn nuôi và phân khúc thị trường. Đồng thời, hỗ trợ tích cực cho chương trình xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, sản phẩm chăn nuôi sản xuất theo chuỗi và truy xuất được nguồn gốc để nâng cao giá trị sản phẩm.

Những năm gần đây, các địa phương ở Quảng Ninh đã tích cực chuyển dịch chăn nuôi từ nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung theo trang trại, gia trại. Duy trì chăn nuôi nông hộ theo hình thức công nghiệp và ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến. Hiện toàn tỉnh có trên 240 trang trại chăn nuôi, trong đó có nhiều mô hình chăn nuôi áp dụng VietGAP được cấp giấy chứng nhận.

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Giống ngô TBM189 chinh phục đồng đất Lâm Thao

PHÚ THỌ Giống ngô TBM189 của ThaiBinh Seed với ưu điểm ngắn ngày, năng suất cao, chịu hạn tốt, ít sâu bệnh… đã giúp nông dân Lâm Thao gia tăng lợi nhuận trong vụ đông 2024.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.