Cam kết và trách nhiệm
Với quy mô chăn nuôi 5.600 lợn nái và 54.000 lợn thịt, Dự án sản xuất chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện Thanh Hóa 1 (Tập đoàn Xuân Thiện) cam kết không thải bất cứ 1 giọt nước nào ra môi trường.
Đặc biệt, doanh nghiệp áp dụng công nghệ lọc khí khử mùi, cùng với đó là áp dụng chế độ dinh dưỡng khoa học cho lợn, giúp giảm mùi trong chất thải.
Chất thải được xử lý triệt để qua hệ thống cào phân liên tục, không để chất thải lưu trữ trong chuồng. Chất thải rắn sau khi được tách ra sẽ chuyển qua nhà máy chế biến phân vi sinh, nước thải được xử lý qua hệ thống biogas, bể lắng, bể vi sinh vật và được xử lý đạt tiêu chuẩn sẽ tái sử dụng trong trang trại chăn nuôi, giúp tiết kiệm nước và bảo vệ môi trường sống.
Ngoài ra, khu vực chăn nuôi nằm trong thung lũng có đồi núi cao bao quanh tự nhiên và được trồng thêm cây cối làm vùng đệm. Bên cạnh đó, khu sản xuất áp dụng các biện pháp cách ly phòng bệnh, đảm bảo môi trường nuôi nhốt luôn trong trạng thái an toàn, sạch sẽ.
Tại khu vực sản xuất chăn nuôi, Xuân Thiện đã xây dựng và lắp đặt trang thiết bị, công nghệ hiện đại nhất Việt Nam.
Toàn bộ khung lồng, chuồng nuôi và trần bằng inox, có hệ thống quạt thông gió, thoáng mát, tự động, đảm bảo cho lợn có không gian thoáng mát, không bị nhiễm bệnh. Lợn được cho ăn bằng thức ăn lỏng, đảm bảo hấp thụ tốt nhất.
Ông Nguyễn Huy Hoàng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Xuân Thiện cho biết: “Doanh nghiệp xác định là “công dân” của huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa. Bởi vậy, việc bảo vệ môi trường không chỉ là sứ mệnh, trách nhiệm mà còn là thành bại của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Toàn bộ dự án không xả một giọt nước ra môi trường. Nước thải trong trang trại được xử lý tuần hoàn để tái sử dụng.
Mọi hoạt động của Xuân Thiện hướng tới vấn đề bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, đưa doanh nghiệp hoạt động sản xuất theo hướng chiều sâu và bền vững".
Nông nghiệp tuần hoàn là xu hướng phát triển
Theo Đại diện Tập đoàn Xuân Thiện, việc lựa chọn Thanh Hóa là điểm đến của doanh nghiệp xuất phát từ tiềm năng, lợi thế của địa phương, cũng như cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong giải quyết các thủ tục hành chính tạo thuận lợi để tập đoàn sớm triển khai dự án và đi vào hoạt động.
Điều đặc biệt, không chỉ riêng tại Thanh Hóa, tất cả các mô hình nông nghiệp công nghệ cao của Xuân Thiện đang đầu tư ở các tỉnh thành đều là nông nghiệp công nghệ cao, tuần hoàn khép kín từ cây, con giống cho tới bàn ăn.
Theo đó, sản phẩm đầu ra của công đoạn này trở thành nguồn nguyên liệu đầu vào của dây chuyền sản xuất khác.
"Xuân Thiện có đầy đủ cơ sở sản xuất gồm khu chăn nuôi, trang trại trồng cây nguyên liệu, các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, nhà máy chế biến... Các phế phẩm của các nhà máy sẽ được dùng sản xuất phân bón cho vùng nguyên liệu...".
Đánh giá về mô hình sản xuất tuần hoàn, giảm phát thải của dự án khu liên hợp chăn nuôi công nghệ cao của Tập đoàn Xuân Thiện, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, đây là xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp nói chung, chăn nuôi nói riêng.
Thứ trưởng mong muốn có nhiều doanh nghiệp đầu tư chất lượng cao theo mô hình chuỗi tuần hoàn như Tập đoàn Xuân Thiện.
“Sản xuất xanh, sản xuất hữu cơ giảm phát thải trong trồng trọt, chăn nuôi đang là xu thế phát triển, trong bối cảnh sự cạnh tranh giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ, giữa các sản phẩm nông nghiệp rất lớn.
Do đó, việc chú trọng đầu tư phát triển kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp tuần hoàn, chăn nuôi tuần hoàn sẽ tăng sức cạnh tranh, giảm chi phí giá thành sản phẩm góp phần phát triển nền nông nghiệp bền vững”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.
Cũng theo Thứ trưởng Tiến, hiện nay ngành nông nghiệp có nguồn phế phụ phẩm vô cùng lớn với khoảng 156 triệu tấn. Nếu tận dụng được, đây sẽ là “mỏ vàng” và nguyên liệu đầu vào để phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn.
Đánh giá chung về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trong đó có chăn nuôi, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thẳng thắn chỉ rõ, hiện nay cơ chế chính sách mời gọi đầu tư để lấp đầy các khu nông nghiệp công nghệ cao còn hạn chế.
Thu hút đầu tư trong nông nghiệp công nghệ cao chưa bài bản. Do đó, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp với các tỉnh thành phố rà soát, đánh giá việc đáp ứng tiêu chí của mô hình nông nghiệp công nghệ cao.
Lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực, thực sự có tâm huyết và tầm nhìn về nông nghiệp công nghệ cao để hướng tới xây dựng và phát triển bền vững ngành nông nghiệp.
Theo đánh giá của Sở NN-PTNT Thanh Hóa, chỉ sau thời gian ngắn, dự án XH1 của Tập đoàn Xuân Thiện đã đi vào hoạt động, doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng trại chăn nuôi công nghệ cao quy mô lớn, thiết bị hiện đại.
Hiện, trang trại có hơn 50.000 con lợn và nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi. Dự án cung cấp bình quân hơn 2.000 con lợn giống/tháng và đã xuất bán 4.000 lợn thịt, góp phần phát triển chăn nuôi và cung cấp thực phẩm sạch cho địa phương.
Ngoài ra, doanh nghiệp đã hỗ trợ tỉnh Thanh Hóa 6 tỷ đồng để thực hiện phòng chống Covid-19, hỗ trợ kinh phí xây dựng nông thôn mới và đầu tư hạ tầng nông thôn trên địa bàn huyện Ngọc Lặc.