| Hotline: 0983.970.780

Tranh cãi xung quanh việc thương mại hóa hổ cốt ở Trung Quốc

Thứ Sáu 11/01/2019 , 10:15 (GMT+7)

Tại công viên Hổ Siberia, thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, du khách có thể học hỏi về chương trình nhân giống thành công tại cơ sở, mua gà để ném cho 20 con hổ đang đi lại trong chuồng.

Ngoài cổng vào công viên là một cửa hàng bán rượu hổ cốt với giá lên đến 1.000 USD/chai.

Trung Quốc những năm qua đã có nhiều bước tiến đáng kể trong việc bảo tồn động vật hoang dã, bao gồm lệnh cấm hoàn toàn với ngà voi và dự kiến mở một trong những khu bảo tồn lớn nhất thế giới dành cho loài hổ ở đông bắc Trung Quốc vào năm 2020. Nhưng Trung Quốc cũng có tình trạng kinh doanh động vật hoang dã vì lợi nhuận, dấy lên nguy cơ làm xói mòn tiến triển trong bảo vệ những loài mèo lớn đang có nguy cơ tuyệt chủng, theo nhiều nhà bảo tồn học. “Hoạt động này có vị thế chiến lược tại những khu vực kém phát triển ở Trung Quốc, nơi mà giảm đói nghèo được coi là ưu tiên hàng đầu của chính quyền địa phương”, Peter Li, chuyên gia chính sách Trung Quốc tại tổ chức Nhân đạo Quốc tế (HSI), nói với Reuters.

09-03-53_1
Du khách ngồi trong xe buýt xem hổ ở Công viên Hổ Siberia đang tìm cách bắt một con gà (Ảnh: Reuters)

Những đơn vị quản lý các trang trại nhân giống hổ cho biết nếu không được bán xương, da và thịt hổ, họ sẽ không thể trang trải chi phí hoạt động và triển khai các kế hoạch bảo tồn then chốt được chính phủ Trung Quốc khuyến khích. Trước áp lực từ một số đơn vị nhân giống, Quốc vụ viện Trung Quốc hồi tháng 10 thông báo sẽ thay thế lệnh cấm buôn bán xương hổ và sừng tê giác năm 1993, cho phép ngoại lệ với “những trường hợp đặc biệt”, bao gồm nghiên cứu y học. Tuy nhiên, tháng 11, Bắc Kinh đã tạm hoãn động thái trên bởi sự phản đối mạnh mẽ từ các nhóm bảo tồn. Họ lo ngại tái cho phép buôn bán các bộ phận của hổ sẽ là hồi chuông báo tử với loài động vật này do chúng được chuyển sang mục đích thương mại.

Các nhà bảo tồn học cho rằng chưa có con hổ nuôi nhốt nào ở Trung Quốc được thả về tự nhiên và không có nhu cầu khoa học hay y học nào liên quan dùng sừng tê giác cùng xương hổ trong y học cổ truyền Trung Quốc. Dù vậy, Cơ quan Lâm nghiệp và Đồng cỏ Quốc gia Trung Quốc dường như lại ủng hộ dỡ lệnh cấm. “Nếu sừng tê giác và xương hổ có thể được sử dụng cho mục đích y tế trong khi không gây tổn thương gì cho hai loài có nguy cơ tuyệt chủng này trong tự nhiên, tại sao chúng tôi phải phản đối?”, Tang Xiaoping, một quan chức điều hành tại Cơ quan Lâm nghiệp và Đồng cỏ Quốc gia Trung Quốc, nói với China Daily.
 

Kinh doanh vì lợi nhuận

Tại công viên Hổ Siberia, rượu hổ cốt được bày bán công khai và được Cục Lâm nghiệp cùng Bộ Thương mại công nhận, theo một nhân viên bán hàng tại cửa hàng. Tuy nhiên, công viên không được phép công khai khuyến khích sản phẩm do tính nhạy cảm của tình hình hiện tại. Rượu hổ cốt, giá bán 280 – 6.888 nhân dân tệ (40 – 1.003 USD) mỗi chai, được trưng trong các tủ kính lớn. Chúng còn xuất hiện trên WeChat, nền tảng mạng xã hội giống Twitter tại Trung Quốc.

Những công viên hổ được cho là đang tích trữ ngày càng nhiều da và xương loài này trong kho lạnh để bán phục vụ mục đích y học trong tương lai. Các nhóm bảo tồn ước tính có hơn 6.500 con hổ nuôi thương mại tại khoảng 200 cơ sở ở Trung Quốc và khoảng 40 tê giác trong tình trạng tương tự. Truyền thông Trung Quốc ước tính xương hổ có giá 5.000 – 9.000 nhân dân tệ (727 – 1.308 USD)/kg, tức mỗi con hổ trị giá hàng chục nghìn USD.

Quỹ Động vật hoang dã Thế giới tin chỉ còn khoảng 40 – 50 con hổ hoang dã tại Trung Quốc trong tổng số khoảng 3.900 con trên thế giới. Tranh cãi liên quan việc dỡ bỏ lệnh cấm thương mại hóa hổ xuất hiện vào thời điểm Trung Quốc đang tìm cách phát triển ngành công nghiệp y học cổ truyền, trị giá khoảng 50 tỷ USD mỗi năm, và coi đây là một trục chính trong chiến lược “Vành đai, Con đường”.
 

Nguồn thu chủ lực

Công viên Hổ Siberia có hơn 1.300 con hổ sinh sống tại ba địa điểm. Bán rượu hổ cốt là một cách để hỗ trợ trang trải chi phí hàng ngày ở đây, hướng dẫn viên của công viên nói.

Nguồn thu chính của công viên là từ bán vé cho khách tham quan cùng sự trợ giá từ chính phủ Trung Quốc. Giá vé vào cửa là 100 nhân dân tệ. Du khách có thể trả thêm tiền để cho hổ ăn theo “thực đơn thịt”, từ gà sống (120 nhân dân tệ) đến sườn tươi (10 nhân dân tệ). Trong phim tài liệu do CCTV thực hiện chiếu tháng 11, Liu Dan, kỹ sư trưởng tại công viên Rừng hổ Đông Bắc, gần biên giới với Nga, nói đàn hổ hơn 1.000 con mà ông phụ trách ăn lượng gà trị giá khoảng 3.000 nhân dân tệ mỗi tháng.

Liu đã nuôi hổ hơn 30 năm và nhiều lần kêu gọi dỡ bỏ lệnh cấm mua bán các bộ phận của hổ. Ông trả lời truyền thông địa phương rằng riêng việc chính phủ trợ thuế là chưa đủ cho công viên trang trải tài chính. Nguồn thu chính của công viên hiện là từ khách tham quan. Tuy nhiên, công viên Rừng hổ Đông Bắc từ chối bình luận về thông tin này.

Giới chuyên gia y học Trung Quốc nói không có nhu cầu sử dụng xương hổ và sừng tê giác trong điều trị bởi đã có các phương pháp thay thế. Xương hổ thường được dùng trong điều trị đau xương, đau khớp nhưng hiện có hàng chục loài thảo mộc có cùng thành phần, theo Eric Karchmer, giám đốc y khoa tại Dao Labs.

Lixin Huang, chủ tịch Cao đẳng y học cổ truyền Mỹ, nói đảo ngược lệnh cấm sẽ tạo ra thách thức lớn tới cộng đồng y học cổ truyền Trung Quốc.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.