| Hotline: 0983.970.780

Trao giải chung kết dự án giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa

Thứ Tư 25/08/2021 , 17:03 (GMT+7)

Tổ chức Phát triển Hà Lan, UBND tỉnh Thái Bình, Cục Trồng trọt đã tổng kết, trao giải chung kết Dự án Sản xuất lúa bền vững, giảm phát thải khí nhà kính Agresults.

Ngày 25/8, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), Tổ chức Phát triển Hà Lan, UBND tỉnh Thái Bình phối hợp tổ chức hội thảo trực tuyến tổng kết và trao giải chung kết dự án “Sản xuất lúa bền vững và giảm phát thải khí nhà kính Agresults".

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), Trưởng Ban quản lý dự án cấp Trung ương tại hội thảo tổng kết và trao giải chung kết của dự án. Ảnh: Trung Quân.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), Trưởng Ban quản lý dự án cấp Trung ương tại hội thảo tổng kết và trao giải chung kết của dự án. Ảnh: Trung Quân.

Dự án “Sản xuất lúa bền vững và giảm phát thải khí nhà kính Agresults” (AVERP) do tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) quản lý, được thực hiện trên địa bàn tỉnh Thái Bình trong giai đoạn 2016 - 2021. Mục tiêu chính của dự án là xây dựng, thử nghiệm và nhân rộng các gói công nghệ canh tác lúa tiên tiến nhằm giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình cánh tác và sản xuất lúa gạo, góp phần nâng cao sinh kế, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Dự án sử dụng cơ chế kéo, thưởng bằng tiền dựa trên kết quả, để hỗ trợ các tác nhân trong chuỗi ngành hàng lúa gạo vượt qua các rào cản thị trường và đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.

Bà Trần Thu Hà, Giám đốc dự án AVERP cho biết: Dự án AVERP được chia làm 2 giai đoạn chính: Giai đoạn 1 gồm hai vụ thử nghiệm được bắt đầu vào vụ mùa năm 2017 kéo dài đến vụ xuân 2018. Giai đoạn 2, gồm bốn vụ liên tiếp bắt đầu từ vụ xuân năm 2019, kết thúc vào vụ mùa năm 2020.

Theo kết quả của dự án, trong giai đoạn 1, với 9 gói công nghệ được trao giải, đã giúp tăng năng suất lúa trung bình ở vùng thực hiện dự án tăng 26% và giảm phát thải khí nhà kính 12,5% so với phương pháp canh tác truyền thống của nông dân tỉnh Thái Bình.

Trong giai đoạn 2, kết thúc 4 vụ, đã có hơn 47.700 lượt nông hộ từ 85 HTX với tổng diện tích hơn 4.900 ha tham gia dự án. 4 gói công nghệ sản xuất lúa bền vững đã được dự án kiểm chứng và cho phép triển khai trên quy mô lớn.

Qua quá trình triển khai, kết quả kiểm định cho thấy các gói công nghệ được thực hiện trong điều kiện thời tiết thực tế của hai vụ xuân và hè đã giảm khí nhà kính trung bình 0,5 tấn/ha và tăng năng suất lúa trung bình 0,2 tấn/ha so với canh tác lúa truyền thống. Các gói công nghệ này cũng giảm khoảng 15% chi phí vật tư đầu vào trong sản xuất lúa cho các nông hộ.

Do tình hình dịch bệnh Covid-19, hội thảo tổng kết dự án được tổ chức trực tuyến với đầu cầu Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Thái Bình. Ảnh: Trung Quân.

Do tình hình dịch bệnh Covid-19, hội thảo tổng kết dự án được tổ chức trực tuyến với đầu cầu Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Thái Bình. Ảnh: Trung Quân.

Cũng theo bà Hà, dự án đã xây dựng được ba trụ cột chính, đảm bảo tính bền vững sau khi dự án kết thúc tại Thái Bình, cụ thể: Phù hợp với định hướng chính sách và đóng góp vào quá trình tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo, chiến lược ngành trồng trọt giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2030 và các cam kết quốc gia về cắt giảm khí nhà kính.

Thử nghiệm và minh chứng vai trò cũng như sự sẵn sàng của khối kinh tế tư nhân trong phát triển các công nghệ canh tác và đưa vào sản xuất quy mô lớn. Tạo ra các cơ hội mới cho việc tiếp cận các chương trình tín dụng xanh và tài chính carbon. Các cơ hội này chính là chất xúc tác để các doanh nghiệp và nông hộ cùng hợp tác sản xuất nông nghiệp phát thải thấp trên quy mô lớn sau khi dự án kết thúc.

Về phía tỉnh Thái Bình, ông Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho hay: Thành công của dự án mang lại thành tựu mới trên phương diện sản xuất nông nghiệp nói riêng và phương diện phát triển kinh tế, an sinh xã hội nói chung. Dự án đã giúp doanh nghiệp, HTX, người dân thay đổi nhận thức, có cách nhìn rõ nét hơn về sản xuất tiên tiến, sản xuất bền vững.

Sau khi dự án kết thúc, Sở NN-PTNT tỉnh Thái Bình, các đơn vị dự thi và các địa phương đã tham gia dự án tiếp tục tăng cường chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc áp dụng các quy trình tiên tiến trên diện rộng ở các mùa vụ tiếp theo, hướng tới sản xuất lúa bền vững, tiết kiệm và thực sự hiệu quả.

Thời gian tới, Cục Trồng trọt sẽ tiếp quản kết quả của dự án, tiếp tục triển khai các mô hình canh tác tiên tiến này ở các tỉnh khác ngoài phạm vi tỉnh Thái Bình. Ảnh: TL.

Thời gian tới, Cục Trồng trọt sẽ tiếp quản kết quả của dự án, tiếp tục triển khai các mô hình canh tác tiên tiến này ở các tỉnh khác ngoài phạm vi tỉnh Thái Bình. Ảnh: TL.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: Trải qua 5 năm triển khai và thực hiện tại tỉnh Thái Bình, có thể khẳng định dự án “Sản xuất lúa bền vững và giảm phát thải khí nhà kính Agresults” đã tạo ra một sân chơi bình đẳng để tìm ra các gói công nghệ thực sự mang lại hiệu quả về tăng năng suất lúa, giảm khí nhà kính, mang lại hiệu quả sản xuất bền vững hơn.

Dự án đã tạo ra chất xúc tác đẩy mạnh sự dẫn dắt của khối kinh tế tư nhân trong việc đưa các gói công nghệ tiến bộ vào sản xuất lúa và liên kết chuỗi. Giảm thiểu sự phụ thuộc trông chờ vào nguồn vốn khuyến nông của nhà nước cũng như của các nhà tài trợ quốc tế.

Các kết quả được kiểm định của dự án cũng đã đóng góp vào các đề xuất cơ chế chính sách, lồng ghép vai trò của doanh nghiệp vào thực hiện và nhân rộng chuyển giao các công nghệ sản xuất lúa bền vững cho vùng ĐBSH nói riêng và Việt Nam nói chung.

Trong thời gian tới, Cục Trồng trọt sẽ tiếp quản kết quả của dự án và yêu cầu các đơn vị dự thi đạt giải xây dựng kế hoạch, tiếp tục triển khai các mô hình canh tác tiên tiến này ở các tỉnh khác ngoài phạm vi tỉnh Thái Bình. Qua đó, làm cơ sở cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng giảm chi phí đầu vào, giảm khí thải nhà kính, phát triển bền vững.

Tại hội thảo, ban tổ chức cũng đã tiến hành trao giải cho các đơn vị có thành tích cao trong vòng chung kết. Cụ thể, Giải nhất được trao cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Bình Seed với giá trị 750.000 USD. Giải nhì thuộc về Công ty TNHH Đầu tư và phát triển công nghệ An Đình với giá trị 400.000 USD. Giải ba được trao cho Công ty Cổ phần Giống cây lương thực và Cây thực phẩm với giá trị 200.000 USD.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.