| Hotline: 0983.970.780

Trên 86 % tàu cá được cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm

Thứ Năm 01/12/2022 , 14:05 (GMT+7)

Việc thực hiện quy định về cấp giấy chứng nhận ATVSTP vừa đảm bảo quy định của pháp luật vừa nâng cao chất lượng bảo quản sản phẩm hải sản sau khai thác.

142d1152009t58377l0

Đến thời điểm này, tỷ lệ tàu cá được cấp giấy chứng nhận ATVSTP đạt trên 86%. Ảnh: Thanh Nga.

Tỉnh Hà Tĩnh với chiều dài bờ biển 137km, hoạt động khai thác thủy sản được xác định là nghề chính của hàng chục nghìn hộ dân ven biển các huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh.

Với đặc thù nghề cá truyền thống, tàu thuyền nhỏ, ngư dân Hà Tĩnh chủ yếu khai thác vùng lộng, đội tàu xa bờ (chiều dài tàu cá từ 15m trở lên) hiện chỉ có 101 chiếc đang hoạt động. Theo ông Nguyễn Viết Hùng, Phụ trách Phòng quản lý khai thác (Chi cục Thuỷ sản Hà Tĩnh), thông tư 38/2018/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT quy định rất rõ, tất cả tàu cá trên 15m trở lên phải được cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Đây cũng là yêu cầu quan trọng để gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU).

Theo đó, các tàu cá phải đạt 10 chỉ tiêu, điều khoản đánh giá về kết cấu, bố trí ngư cụ trên tàu cá, trang thiết bị bảo quản sản phẩm, hóa chất bảo quản, hệ thống thoát nước thải, chất thải, dụng cụ làm vệ sinh, khử trùng… dưới sự kiểm tra, kiểm định của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm, thủy sản Hà Tĩnh .

Empty

Hải sản khai thác bảo quản tốt chừng nào giá bán cao chừng đó. Ảnh: Thanh Nga.

“Đến thời điểm này đã có 87/101 tàu và 2/2 cảng cá (cảng cá Xuân Hội ở huyện Nghi Xuân và cảng cá Thạch Kim ở huyện Lộc Hà) được cấp giấy chứng nhận ATVSTP, đạt 86,13%. Con số này là nỗ lực rất đáng khích lệ của ngành chuyên môn và bản thân các ngư dân, bởi so với bình quân chung cả nước (đạt trên dưới 50%) số tàu được cấp giấy chứng nhận ATVSTP của Hà Tĩnh “nhỉnh” hơn rất nhiều”, ông Hùng phấn khởi thông tin.

Đồng thời phân tích, nguyên nhân 14 chiếc còn lại chưa được cấp giấy chứng nhận ATVSTP là do các tàu cá này đánh bắt vùng khơi, ở khu vực ngoại tỉnh. Có những tàu đánh tận phía Nam, cả năm mới về Hà Tĩnh một lần nên chưa có điều kiện yêu cầu họ làm hồ sơ thủ tục xin cấp giấy.

“Hàng tháng chúng tôi có thông báo để các chủ tàu nâng cao ý thức, trách nhiệm về ATVSTP. Tuy nhiên, xác định việc cấp giấy không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nên sắp tới Chi cục sẽ theo dõi thời gian về Hà Tĩnh của các chủ tàu để vận động hoàn tất giấy tờ cấp giấy chứng nhận theo đúng quy định pháp luật”, ông Hùng nói thêm.

Trong một buổi gặp gỡ, ngư dân Nguyễn Thế Hữu, chủ tàu cá 700 CV ở huyện Nghi Xuân chia sẻ, tàu cá của anh đánh bắt cá ngừ ở tỉnh Bình Định nhiều năm nay. Hiện hầu hết quy định về kẻ vẽ, đánh dấu sơn màu tàu cá; ghi nhật ký hành trình; lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; giấy chứng nhận ATVSTP… tàu của anh đều trang bị đầy đủ.

Theo anh, việc đảm bảo các điều kiện bắt buộc đối với tàu cá trước khi ra khơi là cần thiết và anh chấp hành rất nghiêm túc. Riêng với giấy chứng nhận ATVSTP, bây giờ hải sản muốn bán giá cao phải được bảo quản tốt, đặc biệt là sản phẩm chất lượng cao như cá ngừ.

“Cùng một chủng loại cá, lô hàng nào chúng tôi bảo quản đạt tiêu chuẩn giá bán cao hơn sản phẩm thông thường đến 5 -7 giá. Ngược lại, cá để ươn hoặc để sẫm màu sẽ bị thương lái ép giá, thiệt hại rất lớn”, anh Hữu nói.

Empty

Ý thức của ngư dân Hà Tĩnh trong việc chấp hành quy định về xin cấp giấy chứng nhận ATVSTP đã được nâng lên rất nhiều. Ảnh: Thanh Nga.

Được biết, trong năm 2022, Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, tập huấn hướng dẫn các chủ tàu thực hiện theo đúng những chỉ tiêu đã đề ra, giúp ngư dân nâng cao ý thức và góp phần đảm bảo chất lượng sản phẩm sau khai thác và trước khi xuất kho; đồng thời tiến hành kiểm tra, thẩm định các tàu cá theo quy chuẩn.

Thời gian tới, Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh tiếp tục phối hợp với các địa phương vùng biển tăng cường nhắc nhở chủ tàu nâng cao ý thức, trách nhiệm về ATVSTP cũng như khuyến khích họ huy động vốn để nâng cấp, cải tiến các thiết bị công nghệ bảo quản trên tàu cá, nâng cao chất lượng cho hải sản sau khai thác; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để đảm bảo cả điều kiện cần và đủ cho nghề cá, bảo vệ người tiêu dùng.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?