| Hotline: 0983.970.780

'Trí Huệ để lại cho đời'

Thứ Năm 23/07/2015 , 09:36 (GMT+7)

“Trí Huệ để lại cho đời” được tái bản vào 24/7/2015 - đúng sinh nhật 95 tuổi của GS Trần Văn Khê và cũng là một tháng sau ngày ông mất.

14-16-05_tvk-trihuedeli1

Sách là sự tưởng nhớ cũng như tri ân đặc biệt dành cho con người đầy tài hoa và đức độ Trần Văn Khê.

Một nhà văn hóa phi thường

95 năm một cuộc đời, GS Trần Văn Khê để lại kho tư liệu đồ sộ, không chỉ về âm nhạc truyền thống Việt Nam mà còn là văn hóa Việt Nam mà suốt một đời ông đã miệt mài nghiên cứu.

Trong những tư liệu quý giá đó, cuộc đời của ông với những bài học, kinh nghiệm sống vắt qua hai thế kỷ, cũng quan trọng không kém. Tất cả được gửi gắm trong cuốn sách Tự truyện Trần Văn Khê “Trí Huệ để lại cho đời”.

Sách ra đời từ tâm nguyện của GS Trần Văn Khê muốn sẻ chia đến người trẻ những thông điệp tu thân, thích nghi và vượt lên hoàn cảnh khó khăn, xác định mục tiêu cuộc đời, sống hết mình với những ước mơ đẹp, làm chủ bản thân trước những cám dỗ.

Trong lần tái bản đặc biệt này, quyển sách được mang tên “Trí Huệ để lại cho đời”, bởi tầm vóc và sức ảnh hưởng của GS Trần Văn Khê vô cùng to lớn, khó ai thay thế được. GS không chỉ để lại TRÍ với số lượng kiến thức, tài liệu khổng lồ về âm nhạc và văn hóa Việt Nam, mà còn là HUỆ bởi một nhân cách lớn, một trái tim rộng mở mà ông để lại cho thế hệ sau.

Sách gồm 12 câu chuyện: Vượt khỏi bóng mây buồn tuổi thơ mồ côi, Những bài ca cho bịnh tật, Học như thể đời chẳng dài lâu, Tự lực cánh sinh, Làm chủ bản thân, Tùy cơ ứng biến, Yêu đờn như yêu người, Việt Nam luôn trong tim, Dạy con bằng trái tim tỉnh táo, Yêu chiếc áo dài để thêm hiểu mình là ai, Hạt ngọc tâm hồn mang tên khiêm tốn, Cố gắng ứng đối trọn vẹn với người.

“Trong đời sống, mỗi một con người đều có hoàn cảnh sinh hoạt khác nhau, công việc khác nhau và tính cách khác nhau, do đó đường đời của mỗi người không phải ai cũng như ai. Người có ý chí hoặc can đảm thì có thể tự quyết định lấy cuộc đời mình, đi theo đam mê và vun trồng cho tương lai, cho đời sống của mình theo như những gì mình mong muốn. Người rụt rè buông xuôi thì phó mặc cho số phận hoặc trò may rủi. Quan trọng nhất là phải biết chọn lựa cho bản thân những gì cần thiết để đi tới mục đích cuối cùng mà mình đang hướng đến” (GS Trần Văn Khê).

Đây là những trải nghiệm sinh động của GS Trần Văn Khê, trải dài từ thuở ấu thơ ở làng Vĩnh Kim (tỉnh Tiền Giang), sớm mồ côi cha mẹ, đến tuổi thanh niên ấp ủ bao hoài bão, từ chuyến đi rời xa đất nước vào năm 1949 đến hành trình khắp năm châu để giới thiệu âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Đó còn là hình ảnh GS Trần Văn Khê với những nghĩ suy “rất đời” về “hỷ, nộ, ái, ố”, một người cha với phương pháp dạy con đáng để các phụ huynh suy ngẫm; một tinh thần lạc quan, say mê làm việc dẫu đang chống chọi với nhiều căn bệnh… Ở mỗi một câu chuyện, bạn đọc sẽ dễ dàng nhận thấy những thông điệp sống giản dị được đúc kết từ một cuộc đời được bao người trân quý, ngưỡng mộ.

Một nguyện ước lớn lao chưa thực hiện được

Với riêng Báo NNVN, GS Trần Văn Khê là cộng tác viên thân thiết. Đầu xuân 2015, dù tuổi cao nhưng ông vẫn dành tình cảm để gửi tới số Tết Ất Mùi bài viết “Mưu sinh đất khách”.

Ở Trần Văn Khê, tâm hồn nghệ sĩ đã hòa vào tâm hồn dân tộc. Điều ấy, đúng như NSND Bạch Tuyết chia sẻ: Một trong những đóng góp không nhỏ của GS.TS Trần Văn Khê đối với nền văn hóa nghệ thuật nước nhà là trong những thời điểm ít nhiều còn “bế quan, thông qua ông (và bây giờ là sự tiếp nối của con trai ông cùng các thế hệ cộng sự - học trò của ông), văn hóa - nghệ thuật Việt Nam đã đến với năm châu, để từ đó họ yêu hơn, cảm mến hơn và hiểu hơn một xứ sở Việt Nam, một tâm hồn và sức mạnh nội sinh của Việt Nam.

Văn hóa - nghệ thuật là một dòng chảy bất tận. Mưu sinh nơi đất khách nhưng ông vẫn đau đáu nỗi nhớ quê nhà. Bởi thế, ca nhạc tài tử Nam bộ của Việt Nam được UNESCO trao tặng danh hiệu di sản phi vật thể của nhân có công lao rất lớn của ông.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên cho biết, sau khi UNESCO công nhận đờn ca tài tử, GS đã bắt tay ngay vào soạn một bộ hồ sơ chuẩn bị trình cho UNESCO về nghệ thuật cải lương, để họ công nhận đó là tài sản phi vật thể cần bảo tồn của nhân loại. Tiếc thay, công trình này vẫn còn dang dở và cũng không biết ai có thể có khả năng kế thừa để soạn xong một bộ hồ sơ hoàn chỉnh.

Ngoài ra: “Nỗi đau đáu của ông từ khi ông về nước. Đó là làm sao đưa âm nhạc dân tộc vào giảng dạy ở nhà trường, từ cấp 1 trở lên, để cho các thế hệ mai sau này, dù có đi theo các trào lưu âm nhạc thời thượng trên thế giới thì cũng biết nghe, biết cảm, biết trình tấu âm nhạc dân tộc. Đó là nguyện ước lớn lao của ông mà ông chưa thực hiện được, dù đã bỏ biết bao tâm sức”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên tiếc nuối.

Xem thêm
Đàm Vĩnh Hưng xác lập kỷ lục

Đàm Vĩnh Hưng nhận bằng kỷ lục 'Ca sĩ trình diễn nhiều tiết mục mashup nhất trong một chương trình ca nhạc' tại liveshow 'Ngày em thắp sao trời'.

Real Madrid vô địch La Liga sớm 4 vòng đấu

Real Madrid đã chính thức giành chức vô địch La Liga mùa giải 2023-24 sau khi chứng kiến đối thủ cạnh tranh Barcelona gục ngã trước Girona.

Quảng Trị Marathon 2024: Chốt phương án bảo đảm an toàn cho vận động viên

Sau khi thực địa đường chạy, Ban tổ chức Quảng Trị Marathon 2024 - Hành trình về Đất lửa đã thống nhất các phương án đảm bảo an toàn cho vận động viên.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.