Tại Hội nghị tập huấn “Kỹ năng phân tích, phản biện, tham gia ý kiến về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính và sử dụng Cổng tham vấn, tra cứu quy định kinh doanh”, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính nhấn mạnh vai trò của Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh.
Theo ông Phan, cổng đã cập nhật 17.687 quy định hiện hành và phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.029 quy định kinh doanh; giúp Chính phủ đánh giá quá trình cải cách của từng Bộ, ngành dựa trên dữ liệu theo thời gian thực.
Việc triển khai cổng điện tử nhằm nối tiếp thành công của công tác cải cách hành chính, đặc biệt là việc cắt giảm, đơn giản hóa 1.758/17.687 quy định kinh doanh (đạt tỷ lệ 10%) tại 143 văn bản quy phạm pháp luật trong năm 2021 và 8 tháng đầu năm 2022.
"Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh sẽ giúp các cơ quan chức năng cũng như cộng đồng doanh nghiệp tự bảo vệ; đồng thời đề xuất những sáng kiến để các cơ quan chức năng xem xét. Nếu thấy cần thiết, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính sẽ báo cáo Thủ tướng", ông Phan nói.
Cổng thông tin là công cụ kỹ thuật số tương tác hai chiều, giúp những ý kiến của cơ quan, tổ chức, hiệp hội sẽ nhanh chóng được các bộ, ngành nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, phản hồi. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường công khai, minh bạch.
Vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.107 quy định kinh doanh và phương án phân cấp thẩm quyền giải quyết 699/5187 thủ tục hành chính trên 100 lĩnh vực (chiếm 13,47%), giúp giảm tầng nấc, khâu trung gian, rút ngắn thời gian cho người dân, doanh nghiệp.
Để hoạt động cải cách hành chính đi vào thực chất và hiệu quả, Văn phòng Chính phủ tiếp tục xin ý kiến về Dự thảo Nghị quyết về “Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp”. Nếu được phê duyệt, đây sẽ là cơ sở để các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng loạt.
Việc đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng số hóa, không phụ thuộc địa giới hành chính ngày càng được chú trọng.
Cả nước hiện có 11.700 bộ phận một cửa các cấp, trong đó 56 trung tâm phục vụ hành chính công; 53/63 địa phương đã hợp nhất cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử thành hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính.
Hơn 3.800 dịch vụ công được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, với hơn 130 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái và hơn 2.7 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến, đạt tổng số tiền hơn 2,8 nghìn tỷ đồng.