Ngày 22/2, chuyên gia từ các trường đại học uy tín trên thế giới đã có những chia sẻ trực tuyến về tình hình dịch tả lợn Châu Phi (ASF). Sự kiện trực tuyến do Hiệp hội xuất khẩu đậu nành Mỹ tại Đông Nam Á tổ chức. ASF đang là mối đe dọa lớn đối với ngành chăn nuôi lợn trong khu vực khi virus này đã lan rộng đến 17 quốc gia Châu Á, trong đó có Việt Nam tính đến ngày 5/2/2022.
Virus ASF tuy không truyền nhiễm sang người nhưng thường gây ra tỷ lệ chết cao ở lợn (kể cả lợn rừng và lợn nuôi) với tốc độ lây lan nhanh. Vì vậy, việc nghiên cứu và sản xuất vacxin là một trong những giải pháp cần thiết để đối phó lâu dài.
Theo Bác sỹ Cassandra Jones, Giáo sư Trường Đại học Bang Kansas (Mỹ), hiện trên thế giới có 3 nhóm ứng cử viên sáng giá trong cuộc đua phát triển vacxin ASF gồm nhóm vacxin giảm độc lực tự nhiên, giảm độc lực trên nuôi cấy tế bào và giảm độc lực bằng xóa gene. Trong đó, vacxin phòng bệnh bằng cách xóa đoạn gien I177L (viết tắt là ASFV-G-ΔI177L) cho thấy hiệu quả miễn dịch tốt trên giống lợn bản địa Việt Nam và giống lai Châu Âu.
Bên cạnh yếu tố phòng dịch bằng vacxin, chuyên gia người Mỹ cũng chỉ ra sự cần thiết của việc phát triển các nhà máy thức ăn an toàn sinh học để hạn chế sự lây lan của mầm bệnh ASF. Theo đó, nhóm các nhà khoa học Mỹ đã tiến hành nghiên cứu thực địa về virus ASF tại Việt Nam. Kết quả cho thấy 17 trong số 2,328 mẫu xét nghiệm PCR từ chuỗi cung ứng thức ăn chăn nuôi chứa gien virus ASF. Trong đó, có tới 7 trường hợp dương tính với virus ASF là xe chở thức ăn chăn nuôi.
Dù con số này chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, khoảng 0,7% trên tổng số mẫu xét nghiệm nhưng nó thể hiện nguy cơ tiềm tàng của lây nhiễm mầm bệnh trong quá trình sản xuất và vận chuyển thức ăn chăn nuôi từ nơi có lợn nhiễm bệnh và nơi không có dịch bệnh.
Bác sỹ Casandra cũng đề xuất một số phương án ngăn ngừa virus ASF lây lan trong chuỗi cung ứng thức ăn chăn nuôi như bảo đảm hiểu biết của người mua về nhà cung cấp thức ăn, hạn chế sử dụng các loại ngũ cốc từ vùng nhiễm bệnh, bảo đảm an toàn sinh học trên toàn hệ thống sản xuất và vận chuyển thức ăn như xây dựng các nhà máy sản xuất an toàn sinh học; vệ sinh, khử khuẩn các phương tiện vận chuyển và vật tư sản xuất thường xuyên…
Theo các chuyên gia, cuộc đua vacxin ASF vẫn chưa đi đến hồi kết, có rất nhiều công trình triển vọng đang được các nhóm nghiên cứu đầu tư, nhiều cuộc thử nghiệm trên động vật vẫn đang được tiến hành… Vì vậy, con đường tiến tới phát triển một loại vacxin ASF đang ở gần hơn bao giờ hết.
Theo Bộ NN-PTNT, dự kiến cuối quý I, đầu quý II/2022, sẽ công bố vacxin phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi sau khi hoàn tất công tác khảo nghiệm. Hiện Việt Nam có ba công ty nghiên cứu sản xuất vacxin dịch tả lợn Châu Phi gồm Navetco, RTD và Dabaco. Bên cạnh đó, Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Viện Thú y cũng triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong việc nghiên cứu loại vacxin này.
Từ đầu năm 2022 đến nay, dịch tả lợn Châu Phi đã lây lan tới 321 xã, của 36 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy hơn 19.600 con lợn.