| Hotline: 0983.970.780

Triệu Sơn phát triển chăn nuôi bền vững

Thứ Năm 19/12/2013 , 10:28 (GMT+7)

Để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế đất đai, huyện Triệu Sơn (Thanh Hoá) đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ kích cầu phát triển SX.

Để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế đất đai, huyện Triệu Sơn (Thanh Hoá) đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ kích cầu phát triển SX. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ xây dựng, nhân rộng các mô hình chăn nuôi trang trại, gia trại, nông hộ theo hướng bền vững, góp phần nâng cao thu nhập...

Chiều cuối năm se lạnh, ông Lã Văn Lâm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Triệu Sơn nhiệt tình dẫn chúng tôi tham quan một số mô hình chăn nuôi trang trại tập trung, quy mô lớn trên địa bàn. Mô hình đầu tiên do anh Lê Bá Đức, xứ Đồng Vặng, xã Thái Hoà làm chủ.

Nhìn dãy nhà đầu tư khép kín theo công nghệ chăn nuôi của Cty CP với hệ thống quạt làm mát, nhà khử trùng, kho chứa thức ăn, hệ thống xử lý chất thải với 4 công nhân làm việc suốt ngày đêm cũng đủ khẳng định độ “hoành tráng” của mô hình nuôi 1.500 con lợn thương phẩm/lứa.


Trang trại chăn nuôi lợn quy mô 1.500 con của hộ anh Lê Bá Đức

Anh Đức cho hay, sau khi được UBND huyện, xã tạo điều kiện cho thuê 3 ha đất và hỗ trợ từ chính sách phát triển chăn nuôi của tỉnh với số tiền 800 triệu đồng, cùng với nguồn vốn tự có, vay mượn thêm 1,2 tỷ đồng, vợ chồng anh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, ký hợp đồng với Cty C.P thả lứa lợn đầu tiên vào đầu tháng 8/2013. Sau hơn 3 tháng chăm sóc, vừa qua xuất bán được hơn 100 tấn thịt hơi, doanh thu đạt gần 5 tỷ đồng, tiền công thu về hơn 280 triệu.

“Mơ ước xây dựng trang trại tôi đã ấp ủ từ lâu, nhưng vì không thể xoay sở đủ tiền nên mãi đến khi tỉnh, huyện có chính sách hỗ trợ tôi mới làm được trang trại này. Tôi không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn chính quyền các cấp đã luôn quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ những người có “máu” chăn nuôi như tôi”, anh Đức cảm động nói.

Khác với hộ anh Đức, trang trại hơn 30 ha của hộ ông Lê Bật Bính, thôn 8, xã Tân Ninh lại được xây dựng theo mô hình tổng hợp với hệ thống ao cá, nuôi vịt, lợn nái và trồng cây ăn quả… Mỗi năm doanh thu đạt hàng tỷ đồng.

Ông Bính chia sẻ: “Từ ngày làm trang trại cuộc sống của gia đình tôi khấm khá lên nhiều. Tôi có điều kiện đóng góp cùng thôn xóm làm đường giao thông xây dựng NTM và cũng chia sẻ được kinh nghiệm giúp các hộ trong và ngoài xã xung quanh phát triển kinh tế”.

Ngoài mô hình chăn nuôi cho thu nhập bạc tỷ của hộ anh Đức, ông Bính, trên địa bàn huyện Triệu Sơn còn có hàng chục trang trại mang lại hiệu quả kinh tế cao, điển hình là mô hình của ông Lê Đình Sơn, xã Thái Hoà; ông Phạm Văn Toàn, xã Thọ Sơn; ông Ngô Văn Vụ, xã Thọ Ngọc; ông Lê Đình Sinh, xã Triệu Thành...

Ông Lê Xuân Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện tâm sự: Từ trước đến nay chăn nuôi được xác định là một trong những nghề mũi nhọn ở Triệu Sơn, bình quân mỗi năm có đến hàng chục trang trại, gia trại được hình thành. Để giúp nông dân tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng, năm 2012 UBND huyện đã ban hành một số cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi, giai đoạn 2013-2016.

Theo đó, hộ chăn nuôi bò quy mô từ 20 đến dưới 50 con được hỗ trợ xây dựng chuồng trại và mua giống (1 triệu đồng/con); hộ chăn nuôi lợn quy mô từ 20 con đến dưới 50 con, hỗ trợ xây dựng chuồng trại và mua giống (2 triệu đồng/con ngoại và 1 triệu đ/con nái nội và nái lai).

Đối với trang trại tổng hợp đạt tiêu chí theo quy định tại Thông tư 27/2011/TT-BNN&PTNT ngày 13/4/2011 của Bộ NN-PTNT (có diện tích 2,1 ha trở lên; giá trị sản lượng hàng hoá đạt 700 triệu đ/năm), hỗ trợ 50 triệu đ/trang trại. Hộ chăn nuôi gà thả vườn, đồi có quy mô 1.000 đến dưới 2.000 con, hỗ trợ 30 triệu/hộ.

Ngoài chính sách hỗ trợ cho hộ chăn nuôi, huyện Triệu Sơn còn khen thưởng 20 triệu đồng cho xã nào chỉ đạo tốt công tác phát triển chăn nuôi, tổng đàn trâu, bò hàng năm giữ ổn định, đàn gia súc các loại khác tăng 5%; đàn gia cầm tăng 10% so với cùng kỳ năm trước và không có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn. Đồng thời, hỗ trợ toàn bộ tiền công tiêm phòng các loại vacxin bắt buộc cho người chăn nuôi.

“Chúng tôi cho rằng việc ban hành kịp thời chính sách hỗ trợ cộng với tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục thuê đất, vay vốn ưu đãi sẽ là “bà đỡ” đắc lực, góp phần giúp nông dân làm giàu, đẩy nhanh tiến trình xây dựng NTM trên địa bàn toàn huyện”, ông Dương nói thêm.

Minh chứng hiệu quả của các chính sách trên được thể hiện qua con số thống kê của Phòng NN-PTNT huyện: Trước năm 2012, toàn huyện có 114 trang trại nhưng trong 2 năm 2012-2013, mỗi năm đã có hàng trăm trang trại đạt tiêu chí của tỉnh, huyện được hình thành.

Theo chiến lược của huyện, để tiếp tục thúc đẩy phát triển chăn nuôi trong những năm tới, ngoài ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ, Triệu Sơn đang tập trung chỉ đạo các xã quy hoạch đất đai, tuyên truyền để bà con tiếp cận được chính sách và mở rộng đầu tư. Khuyến khích hộ dân các xã vùng núi như Thọ Bình, Thọ Sơn, Bình Sơn, Triệu Thành, Hợp Tiến, Thọ Tân… phát triển chăn nuôi gà thả vườn, đồi.

Với những xã vùng đồng bằng như Thái Hoà, Đồng Tiến, Vân Sơn, Đồng Thắng, Đồng Lợi… thì đầu tư chăn nuôi lợn. Đối với chăn nuôi nông hộ, huyện chỉ đạo mở rộng mô hình GAHP của xã Nông Trường, đang tham gia dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm sang các xã khác.

Xem thêm
Chăn nuôi nhỏ lẻ chật vật xoay sở trong nắng nóng

Nắng nóng kéo dài, diện tích đồng cỏ tự nhiên thu hẹp cùng với giá bán giảm khiến cho nhiều hộ chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ tại Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn.

Quảng Trị chưa có địa phương nào thành lập được đội bắt chó thả rông

Bệnh dại đã xuất hiện nhưng tỷ lệ tiêm phòng tại Quảng Trị vẫn đạt thấp, các đội bắt chó thả rông cũng chưa được thành lập theo kế hoạch.

Gia Lai có thêm 5 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói

Gia Lai vừa có thêm 2 mã số vùng trồng và 3 mã số cơ sở đóng gói, nâng tổng số lên 227 mã số vùng trồng và 38 mã số cơ sở đóng gói.

Trồng sắn phủ bạt kết hợp tưới nhỏ giọt, năng suất tăng gấp đôi

PHÚ YÊN Ngay vụ đầu thử nghiệm, mô hình trồng sắn phủ bạt kết hợp tưới nhỏ giọt đã cho năng suất 50 tấn/ha, trong khi cách trồng truyền thống chỉ đạt từ 15 - 18 tấn/ha.