Hôm qua 17/10, Reuters dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ John Sullivan phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Nhật Bản, Shinsuke Sugiyama tại Tokyo cho biết, Mỹ hiện đang tập trung vào các giải pháp ngoại giao để giải quyết căng thẳng với Triều Tiên.
Ông Sullivan khẳng định, Washington không loại trừ cả khả năng đàm phán trực tiếp với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, ông Sullivan cũng cho biết, Mỹ và các đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước khác “sẽ chuẩn bị cho khả năng xấu nhất xảy ra, khi giải pháp ngoại giao thất bại”.
Dù ông Sullivan không đề cập cụ thể “khả năng xấu nhất” ở đây là gì nhưng theo Reuters, cái vị Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ ám chỉ là một cuộc chiến tranh. Trên thực tế, điều này đã được chính Tổng thống Donald Trump đề cập tới. Tờ DW hôm qua dẫn lời phát biểu của ông Trump trên Twitter hồi đầu tháng, với nội dung “khuyên” Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson giữ năng lượng, thay vì phí thời gian đàm phán với “người tên lửa nhỏ bé”. Đây là cụm từ ông Trump dùng để gọi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Sau khi rời Nhật Bản, điểm tới tiếp theo của ông Sullivan sẽ là Hàn Quốc, một đồng minh khác của Mỹ trong khu vực, cũng đang đầy lo lắng trước chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên gần đây. Reuters cho biết chuyến đi diễn ra trong bối cảnh, Tổng thống Trump sắp có chuyến công du châu Á vào tháng 11 tới. Ông Trump theo kế hoạch, sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh. Vấn đề hạt nhân sẽ là một trong những nội dung chính trong chương trình nghị sự của 2 nhà lãnh đạo, như hé lộ của Reuters hôm qua.
Ít giờ trước phát biểu của ông Sullivan, Triều Tiên cũng đưa ra những tuyên bố hết sức cứng rắn. Phó Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc, Kim In Ryong cho biết, Triều Tiên đã sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh hạt nhân với Mỹ. “Toàn bộ lục địa của Mỹ nằm trong tầm bắn của chúng tôi và nếu Mỹ dám xâm lược Triều Tiên dù chỉ là một tấc đất, họ sẽ khó tránh được một sự trừng phạt nghiêm khắc, ở mọi nơi trên toàn cầu”, ông Kim In Ryong cho hay. Theo ông Kim In Ryong, chưa nước nào trên thế giới chịu sự đe doạ toàn diện và trực tiếp từ vũ khí hạt nhân của Mỹ trong thời gian dài như Triều Tiên. Do đó, Bình Nhưỡng hoàn toàn ủng hộ xoá bỏ vũ khí hạt nhân trên thế giới, nhưng với điều kiện chỉ mối đe doạ từ Mỹ được triệt tiêu. Trong khi đó, nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên tiếng cảnh báo các quốc gia châu Á, không nên tham gia vào hoạt động quân sự của Mỹ chống nước này, nếu không muốn bị liên đới.
Động thái cứng rắn của Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh áp lực từ cộng đồng quốc tế đang tăng lên. Sau Trung Quốc, mới đây Nga đã ban hành sắc lệnh do Tổng thống Vladimir Putin ký, áp đặt các biện pháp hạn chế bổ sung đối với các lĩnh vực thương mại, tài chính, kinh tế, khoa học và hợp tác kỹ thuật với Triều Tiên. Moscow cho biết quyết định nhằm tuân thủ lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm vào Triều Tiên do chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này.
Theo Reuters, các lệnh trừng phạt mới ước tính có thể làm giảm 1/3 tổng trị giá xuất khẩu hàng năm của Triều Tiên, cỡ 3 tỉ USD/năm. Giới chuyên gia cho biết để bù đắp, Triều Tiên đang phải đưa ra một loạt phương sách mới. Trong số này, truyền thông Hàn Quốc đưa tin chính quyền ông Kim Jong-un hiện mở cả hoạt động cá cược đua ngựa, mở resort có casino cùng những tổ hợp giải trí khác để tăng thu. Trước đây, hành vi đánh bạc có thể dẫn tới án phạt 3 năm lao động khổ sai nhưng hiện, quy định mới cho phép thiếu niên Triều Tiên từ 12 tuổi trở lên được phép đặt cược.