| Hotline: 0983.970.780

Trở lại Chưmomray

Thứ Bảy 30/08/2008 , 13:00 (GMT+7)

"Người Rơ Mâm từ ngàn đời nay sống với rừng, yêu rừng như yêu máu thịt của mình".

"Người Rơ Mâm từ ngàn đời nay sống với rừng, yêu rừng như yêu máu thịt của mình. Tổ tiên chúng tôi từ ngàn xưa đã có lời nguyền độc: Người Rơ Mâm sống đời sống kiếp ở Mo Ray, máu người Rơ Mâm sẽ ngừng chảy nếu ngàn xanh này không còn nữa" - Già làng A Mlót cho hay.

Già làng Chưmomray

Cách đây 3 năm, chúng tôi có chuyến công tác về xã Mo Ray (thuộc huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum). Thung lũng Mo Ray nằm lọt thỏm giữa Vườn quốc gia Chưmomray với diện tích tự nhiên gần 57 ngàn ha. Trước khi đi, nhiều người rành về Chưmomray cảnh báo: Vào Mo Ray khó lắm, phải vượt qua nhiều ngầm, suối, đi xe U-oát nhiều đoạn phải có xe tải bên kia suối dùng tời để kéo xe U-oát vượt ngầm. Cũng may là đi vào mùa khô nên xe không phải kéo, tuy nhiên chiếc U-oát vẫn liên tục nảy lên khỏi mặt đường...

Mới đây, chúng tôi lại có dịp về lại Mo Ray. Rời trung tâm huyện lỵ Sa Thầy, chúng tôi bắt đầu đi vào con đường 14C lịch sử. Nói là lịch sử bởi đây là con đường huyết mạch (đường mòn Hồ Chí Minh) trong kháng chiến chống Mỹ. Con đường này đây, cha tôi đã đi qua, anh tôi đã đi qua - đi giữa mưa bom bão đạn, đi giữa sự sống và cái chết để có được ngày hôm nay. Còn giờ đây, chúng tôi vào Mo Ray trên một chiếc xe có gắn điều hoà nhiệt độ, đi giữa sự thanh bình của đại ngàn Tây Nguyên hùng vỹ.

Tác giả trước cửa rừng quốc gia Chưmomray

Chưmomray với hơn 50% là rừng nguyên sinh, con đường 14C như một “đường hầm”, xuyên qua bạt ngàn rừng cây cổ thụ. Giữa mùa khô mà đi trong rừng cứ mát lạnh. Những khu rừng bằng lăng tít tắp, thân thẳng đứng với râm ran tiếng ve, líu lo chim hót; thú rừng Chưmomray thân thiện với con người đến mức ngay trước mũi xe mà bầy khỉ vẫn thản nhiên đu mình trên cây, gà rừng chỉ chịu bay đi khi xe đến sát chúng…

Đến thung lũng Mo Ray (trung tâm xã), khí hậu bỗng khác hẳn. Trời nắng và hầm hập nóng. Tuy nhiên, người Mo Ray thì lại hiền hoà và vui vẻ. Từ ngàn đời nay, xã Mo Ray chỉ có hai tộc người bản địa sinh sống là Gia Rai và Rơ Mâm. Xã có 7 thôn làng là Rẻ, Rập, Tang, Kênh, Kđin, Xộp và Le Mâm. Người Rơ Mâm ở Việt Nam chỉ sống duy nhất một làng: làng Le Mâm! Có lúc, chính quyền địa phương đã lo đến sự tồn vong của tộc người này.

Năm 1994, tộc người Rơ Mâm chỉ có 260 người, sống du canh du cư nay đây mai đó, làm rẫy tận trong rừng sâu. Cũng vì lo cho sự tồn vong của người Rơ Mâm, lo cho đời sống khó khăn của họ mà chính quyền địa phương các cấp đã tạo điều kiện như cấp đất, cho tiền làm nhà, hướng dẫn chăn nuôi và trồng trọt… Đến nay, làng Le Mâm đã có hơn 100 hộ với khoảng 400 nhân khẩu (200 người trong độ tuổi lao động). Mo Ray bây giờ, ngoài người Gia Rai và Rơ Mâm, còn có người Kinh là những thầy thuốc, giáo viên, bộ đội đến để giúp đồng bào phát triển đời sống.

Người Rơ Mâm và Gia Rai ở Mo Ray giờ đã khác xưa, càng khác hơn khi có bộ đội của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 78 (Binh Đoàn 15, Bộ Quốc phòng) vào đứng chân giúp đồng bào phát triển kinh tế. Những cánh rừng hoang trước kia, giờ đã là bạt ngàn cao su xanh tốt. Dân xã Mo Ray, ngoài việc biết làm lúa nước, chăn nuôi, cải tạo vườn tạp,… nay còn biết trồng cao su. Ban đầu, vận động dân làng vào làm cao su gặp nhiều khó khăn do đây là “loại cây chưa từng có” ở Mo Ray. Nhờ sự nhiệt tình của “Bộ đội 78” và các già làng, trưởng thôn mà đã có nhiều hộ tham gia nhận khoán trồng và chăm sóc cao su.

Em bé Rơ Mâm

Thấy làm cao su cho thu nhập cao nên dần dần, nhiều hộ dân trong xã đã tình nguyên vào làm công nhân, nhận khoán vườn cây. Thượng tá Hệ - Đoàn phó Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 78 cho biết: Mục đích chính của Đoàn là cùng với chính quyền địa phương, giúp dân ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, văn hoá trên địa bàn xã. Với phương thức Đoàn kết nghĩa với xã, Đội sản xuất kết nghĩa với làng, hộ công nhân là người Kinh (hoặc bộ đội) kết nghĩa với gia đình người địa phương để hướng dẫn đồng bào sản xuất, tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đến từng hộ dân mà đến nay, bộ mặt Mo Ray đổi thay rõ rệt: Các làng đều có trường học, con em đến tuổi đều được đến trường; nhân dân đau ốm đã có Bệnh viện tương đối khang trang và tiện nghi của Đoàn 78; điện thắp sáng đã vượt rừng về đến tận đây…

Chủ tịch xã Mo Ray - anh Rơ Mah Lú hồ hởi thông báo: “Từ năm 2004, xã và bộ đội đã động viên bà con bỏ lúa rẫy làm lúa nước, phát triển chăn nuôi, tham gia làm công nhân cao su… Bây giờ, đời sống của người dân Mo Ray thay đổi nhiều lắm, hộ đói nghèo đã giảm nhiều…

Buổi tối, chúng tôi đến làng Le Mâm, làng duy nhất có tộc người Rơ Mâm sinh sống. Bí thư chi bộ A Rói, trưởng thôn A Ren cũng đang ngồi ở nhà già làng A Mlót, có cả Nguyễn Văn Tiến - Tổ trưởng Tổ công tác 1136 cùng tham gia để bàn việc làng. Trưởng thôn A Ren vui vẻ: “Người Rơ Mâm giờ khác xưa nhiều rồi, đồng bào đã biết làm lúa nước cho năng suất cao, đau ốm đã được “Bác sỹ 78” chăm sóc chứ không đi thầy cúng như trước nữa, trẻ em thì học cấp 1 ở làng, cấp 2 lên học trường xã, con em người Mo Ray đã có đứa về xuôi học đại học…”.

Già làng A Mlót thì trầm ngâm: Người Rơ Mâm từ ngàn đời nay sống với rừng, yêu rừng như yêu máu thịt của mình. Tổ tiên chúng tôi từ ngàn xưa đã có lời nguyền độc: “Người Rơ Mâm sống đời sống kiếp ở Mo Ray, máu người Rơ Mâm sẽ ngừng chảy nếu ngàn xanh này không còn nữa”. Vậy nên người Rơ Mâm không phá rừng và quyết không cho ai phá rừng. Cả làng, cả xã không nhà nào có súng săn, chỉ xuống suối bắt cua cá, lên rẫy đặt bẫy nhỏ bắt những con thú đến phá cây lúa, cây bắp mà thôi!”. Chính vì vậy mà có lần cháy rừng, cán bộ Lâm nghiệp khua kẻng báo động và chỉ mấy phút sau, cả làng từ già trẻ, trai gái đã tập trung ra dập lửa cứu rừng…

Nói về Mo Ray, về Chưmomray khó mà nói hết được. Tuy nhiên với tôi trong chuyến công tác về Mo Ray lần này, cảm nhận đầu tiên nhất và sâu sắc nhất, đó là sự thay da đổi thịt đến kỳ diệu của Mo Ray. Tuy chưa thật sự vượt qua khỏi khó khăn, song những nỗ lực của chính quyền địa phương và của “Bộ đội 78” đã đưa người Gia Rai, người Rơ Mâm ở Mo Ray đến gần hơn với đồng bào miền xuôi...

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm