Những năm qua, Tổ hợp tác cà phê bền vững Nam Trưng (xã Nam Hà, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) đã được Dự án VnSAT hỗ trợ nhiều hạng mục trong phát triển mô hình. Trong đó phải kể đến như 200 m2 nhà kho, 2,6 km đường giao thông và các mô hình về cà phê bền vững tưới tiết kiệm. Ông Tạ Quang Việt, Tổ trưởng Tổ hợp tác cà phê bền vững Nam Trưng cho biết, các hoạt động của Dự án đã giúp người dân có điều kiện chủ động trong sản xuất, giúp tổ hợp tác tổ chức liên kết sản xuất.
Theo ông Tạ Quang Việt, bên cạnh những điều đạt được thì một số hạng mục đến nay vẫn chưa được hỗ trợ khiến việc sản xuất của tổ hợp tác không như kế hoạch. "Chúng tôi chưa nhận được hỗ trợ về mua sắm máy sấy để sản xuất. Đây là khâu rất quan trọng nhưng không có máy nên việc sơ chế, chế biến sau thu hoạch gặp trở ngại", ông Tạ Quang Việt nói và cho biết thêm, hiện nay, giá cà phê xuống thấp nên các mô hình tưới tiết kiệm theo công nghệ Israel rất khó nhân rộng. Ngoài các mô hình đầu tư của Dự án VnSAT thì nông dân không có vốn để đầu tư.
Trong khi đó, ông Đỗ Đình Tiến, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp bền vững (xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng) cho hay, tổ hợp tác hiện gặp rất nhiều khó khăn về đường điện sản xuất, đường giao thông vào khu sản xuất. Ông cho biết, tổ hợp tác đã nhiều lần kiến nghị lên đơn vị quản lý, thực hiện dự án ở địa phương nhưng đến nay vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ này.
"Đến nay, Dự án VnSAT đã tổ chức đào tạo, tập huấn cho nông dân về phương thức canh tác. Đây là hoạt động rất thiết thực. Tuy nhiên, chúng tôi cũng cần sự hỗ trợ về đường điện, đường giao thông để việc sản xuất được ổn định. Những năm gần đây giá cà phê xuống thấp nên người trồng cà phê như chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, rất cần sự hỗ trợ", ông Đỗ Đình Tiến chia sẻ. Tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp bền vững ở xã Lộc Ngãi hiện có khoảng 45 thành viên với tổng diện tích sản xuất khoảng 113ha.
Theo ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, Dự án VnSAT với các hoạt động hỗ trợ đã giúp nông dân địa phương ổn định sản xuất, thay đổi tư duy về nông nghiệp và thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị. Tuy nhiên, do những năm gần đây giá cà phê giảm sâu nên người dân khó có điều kiện mở rộng mô hình. Về phần vốn vay trong hỗ trợ của dự án, nhiều nông dân vẫn chưa tiếp cận được hoặc khó tiếp cận nguồn vốn vay do thiếu tài sản thế chấp theo quy định của ngân hàng cho vay.
Mức lãi suất cho vay 7%/năm chưa thật sự ưu đãi và thu hút người nông dân trong bối cảnh giá cà phê xuống thấp. Nguồn vốn IDA thuộc dự án VnSAT bố trí cho hợp phần cà phê là 50 triệu USD (tương đương 1.100 tỷ đồng) cho 5 tỉnh Tây Nguyên cũng là khá ít, chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn của nông dân trồng cà phê tại Lâm Đồng.
Ông Nguyễn Phùng Hạnh, Phó giám đốc Ban quản lý Dự án VnSAT Lâm Đồng cho hay, thời gian qua, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nên nhiều hạng mục chậm triển khai hoặc chưa được triển khai. Công tác trình và thẩm định, phê duyệt các hạng mục đầu tư bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Cũng do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên việc đấu thầu, đầu tư, mua sắm thiết bị bị chậm tiến độ. "Giá vật tư tăng cũng ảnh hưởng đến việc lập và phê duyệt dự toán các công trình, các nội dung triển khai tại hiện trường như thực hiện mô hình, tập huấn… cũng ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nên không đạt kế hoạch", ông Nguyễn Phùng Hạnh nêu.
Trước những khó khăn, trở ngại trên, Ban quản lý Dự án VnSAT Lâm Đồng tập trung khắc phục, đẩy mạnh công tác tác đào tạo, tập huấn đến người dân. Đối với các công trình xây lắp chậm triển khai hoặc chưa triển khai, Dự án VnSAT Lâm Đồng sẽ tiếp tục kiểm tra, đôn đốc nhà thầu thi công để hoàn thành công trình.
"Chúng tôi tập trung nghiệm thu, bàn giao và thanh quyết toán vốn IDA trước ngày 30/6/2022. Đồng thời thực hiện thủ tục quyết toán dự án hoàn thành (5 tiểu dự án đầu tư công) với Sở Tài chính Lâm Đồng, trình UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt", ông Nguyễn Phùng Hạnh cho hay.
Ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng: “Thời gian thực hiện Dự án VnSAT khoảng 5 năm là quá ngắn. Trong 5 năm này thì mất hơn 1 năm đầu để hoàn thiện các cơ chế, chính sách và bắt đầu hỗ trợ từ năm thứ 2 đến năm thứ 5. Người nông dân hay bảo thủ theo cách làm cũ của gia đình nên khi cái mới vừa định hình xong thì dự án kết thúc. Điều này dẫn đến nguy cơ người nông dân quay trở lại với cách làm cũ là rất lớn. Nếu dự án kéo dài 7 - 8 năm đối với cây công nghiệp và cây ăn quả thì sẽ có đủ thời gian thay đổi và duy trì tập quán canh tác của người nông dân và cũng đủ thời gian để theo dõi và đánh giá hiệu quả đầu tư từ dự án”.
Trang thông tin có sự đồng hành của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam - VnSAT