| Hotline: 0983.970.780

Điểm nhấn du lịch từ mô hình cà phê cảnh quan

Thứ Sáu 21/01/2022 , 07:00 (GMT+7)

GIA LAI Cà phê cảnh xã quan Đăk Krong (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) không chỉ là hướng đi bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái mà còn gắn với phát triển du lịch.

Xã Đak Krong là một trong 5 địa điểm ở Tây Nguyên được chọn thực hiện dự án thí điểm phát triển cà phê bền vững theo phương pháp tiếp cận cảnh quan. Đây là sáng kiến của Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và cải thiện các vấn đề tồn tại trong phương pháp canh tác cà phê hiện nay ở nhiều địa phương.

Dọc con đường dẫn đến làng Đak Mong (xã Đăk Krong) là hàng muồng chắn gió cao lớn, bên dưới bạt ngàn cà phê, bơ, sầu riêng xanh mướt. Dưới lòng hồ Đăk Krong quanh năm đầy ắp nước, nơi đây HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Đăk Krong đang thả 18 lồng bè cá các loại. Khung cảnh thiên nhiên trù phú, thanh bình của nơi này thực sự là địa điểm lý tưởng để thực hiện dự án.

Xã Đăk Krong có khung cảnh thiên nhiên trù phú, rất phù hợp với mô hình cà phê cảnh quan. Ảnh: Tuấn Anh.

Xã Đăk Krong có khung cảnh thiên nhiên trù phú, rất phù hợp với mô hình cà phê cảnh quan. Ảnh: Tuấn Anh.

Không chỉ hội tụ các điều kiện thuận lợi, Đak Mong còn là ngôi làng dân tộc thiểu số còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống, có giá trị cho phát triển du lịch.

Đang tỉa lại cành cho vườn cà phê 7 sào vừa thu hoạch xong, chị Hmơ (làng Đăk Mong, xã Đăk Krong) bảy tỏ niềm vui mừng khi biết được nơi đây sẽ trở thành mô hình thí điểm phát triển cà phê cảnh quan gắn với du lịch. Chị Hmơ cho biết, cuộc sống của người dân nơi đây phụ thuộc chủ yếu vào cây cà phê. Những năm gần đây, nhiều gia đình đã biết cách trồng xem canh các loại cây ăn quả để tăng thêm thu nhập. 

Ông Lê Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án VnSAT tỉnh Gia Lai cho biết, với mô hình cà phê cảnh quan, dự án VnSAT đã thiết kế rất nhiều hạng mục đi kèm để tạo ra một khu du lịch để du khách tham quan.

Từ thiết kế ban đầu, tỉnh Gia Lai và huyện Đăk Đoa sẽ căn cứ vào đó để đầu tư, khai thác những tiềm năng du lịch từ mô hình cà phê cảnh quan.

Mới đây, dự án VnSAT đã đầu tư xây dựng đường giao thông nội đồng, giúp việc thu hoạch, vận chuyển cà phê của người dân thuận tiện hơn rất nhiều. “Việc xây dựng con đường đã giúp cho vườn cà phê của gia đình có vị trí rất đẹp, mặt trước nhìn thẳng xuống lòng hồ thủy điện Đăk Đoa. Sau này khi phát triển du lịch, gia đình dự định sẽ mở cửa hàng tạp hóa và bán thêm các sản phẩm đặc trưng của người địa phương để tăng thêm thu nhập”, chị Hmơ chia sẻ.

Không chỉ riêng chị Hmơ, hàng trăm hộ dân làng Đăk Mong cũng đang ngày đêm trông ngóng khi tuyến đường giao thông nội đồng sớm được hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Được biết, tuyến đường có chiều dài 5 km với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng. Khi tuyến đường hoàn thành sẽ phục vụ việc sản xuất và vận chuyển cho khoảng hơn 1.000 ha cà phê của người dân trong khu vực hưởng lợi.

Ông Trịnh Khắc Dương, Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Đăk Krong cho biết, dự án cà phê cảnh quan xung quanh lòng hồ Thủy điện Đăk Đoa đã được Bộ NN-PTNT phê duyệt đầu tư xây dựng nhằm hướng đến mô hình sản xuất bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái gắn với phát triển du lịch.

Những tuyến đường giao thông nội đồng do dự án VnSAT đầu tư sẽ tạo ra cú hích cho khu vực cà phê cảnh quan. Ảnh: Tuấn Anh.

Những tuyến đường giao thông nội đồng do dự án VnSAT đầu tư sẽ tạo ra cú hích cho khu vực cà phê cảnh quan. Ảnh: Tuấn Anh.

Để hiện thực hóa mô hình cà phê cảnh quan, trước mắt, dự án VnSAT đã đầu tư các tuyến đường giao thông nội đồng để tạo nên vùng cảnh quan cho khu vực sản xuất cà phê. 

Sau khi thực hiện xong các tuyến đường, sẽ tiến tới thực hiện các hạng du lịch cũng như khôi phục lại những bản sắc văn hóa của địa phương, qua đó tạo công ăn việc làm cho người dân trong vùng.

Theo ông Dương, để đạt chuẩn theo tiêu chí cảnh quan, cà phê phải đảm bảo chất lượng, sản xuất theo hướng bền vững. Thực tế, hiện nay người dân đã liên kết với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp để sản xuất hơn 40 ha cà phê theo tiêu chuẩn 4C và sẽ tăng lên hơn 100 ha trong năm 2022.

Trong thời gian tới, HTX sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn hữu cơ. Về cơ bản, 2 năm qua, người dân cũng rất ý thức khi sử dụng bón phân hữu cơ bằng vỏ trấu và rất hạn chế dùng phân hóa học.

“Thông qua dự án VnSAT đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông, sẽ hỗ trợ tập huấn chăm sóc, xây dựng mô hình cà phê cảnh quan, kỳ vọng sẽ phát triển bền vững hơn”, ông Dương cho biết.

Theo thiết kế mô hình cà phê cảnh quan tại xã Đăk Krong của dự án VnSAT, khu vực phía đông (từ ven suối Đăk Tong lên các khu dân cư ở trung tâm xã) hiện đang trồng thuần cả phê với mật độ khoảng 1.330 cây/ha, tỷ lệ diện tích có cây trồng xen khoảng 15%, dự kiến sẽ tái canh (khoảng 25%) và cải tạo (khoảng 75%), cây trồng xen canh chủ lực là bơ, sầu riêng, bởi lời...

Trong khi đó, phía đỉnh đồi hiện tại là khu dân cư và các công trình xây dựng cơ bản. Dự kiến sẽ tiếp tục bố trí khu dân cư, trụ sở các cơ quan, trụ sở HTX, các công trình văn hóa, chợ và các công trình xây dựng cơ bản khác.

Phía tây sườn đồi dự kiến sẽ tái canh (khoảng 22%) và cải tạo (khoảng 78%) và trồng xen canh các loại cây ăn quả đặc sản để thu hút khách du lịch. Khu vực giáp bờ hồ thủy điện Đăk Đoa, bố trí các điểm cắm trại cho khách du lịch dã ngoại.

Khu vực lòng hồ thủy điện Đăk Đoa, bên cạnh vùng nuôi thủy sản hiện hữu của HTX Đăk Krong, sẽ bố trí 1 khu vực nhà hàng nổi, 1 bến du thuyền và các điểm câu cá giải trí.

Ông Trịnh Khắc Dương đang ấp ủ nhiều dự án gắn với du lịch. Ảnh Tuấn Anh.

Ông Trịnh Khắc Dương đang ấp ủ nhiều dự án gắn với du lịch. Ảnh Tuấn Anh.

Ông Hà Văn Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Krong cho biết, việc xã Đăk Krong được chọn làm mô hình phát triển cà phê cảnh quan bởi nơi đây tập trung được diện tích cà phê lớn nằm trong vùng cảnh quan. Ngoài ra, địa phương còn có sông, núi và đặc biệt nằm trong khu vực làng đồng bào để phát triển du lịch thông qua việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyển thống của người dân địa phương.

Trược mắt, khu vực cà phê cảnh quan đã được dự án VnSAT đầu tư hệ thống các con đường nội đồng đi vào khu sản xuất. Sắp tới, xã sẽ chú trọng xây dựng sản phẩm cà phê đặc sản mang tính đặc trưng, hương vị riêng của địa phương. Đồng thời khuyến khích người dân trồng cà phê xen canh với các loại cây ăn trái để vừa làm cây che bóng vừa tăng thêm thu nhập.

“Hiện nay, HTX Đăk Krong đã xây dựng 18 lồng cá bè trên lòng hồ thủy điện Đăk Đoa. Thời gian tới, chúng tôi sẽ kêu gọi các nhà đầu tư vào xây dựng các khu du lịch sinh thái, homestay... để từng bước đẩy mạnh phát triển du lịch bên cạnh mô hình cà phê cảnh quan”, ông Kiên cho biết.

Theo thiết kế, có 8 tiêu chí lựa chọn địa điểm triển khai dự án cà phê cảnh quan kết hợp với khai thác hoạt động du lịch gồm: Vùng dự án có tỷ lệ diện tích đang trồng cà phê chiếm trên 30% so với quỹ đất sản xuất nông nghiệp; phải là vùng có truyền thống trồng cà phê (vườn cây ít nhất hơn 10 năm tuổi, tỷ lệ già cỗi hơn 30%). Vùng dự án phải đang thực hiện ít nhất 1 chương trình, dự án, đề án hoặc chủ trương phát triển cà phê.

Đặc biệt, vùng dự án phải hoàn thành hoặc đạt hơn 15 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, có sự giao thoa giữa người dân tộc thiểu số và người kinh để có thể nhân rộng mô hình. Cùng với đó, địa điểm được chọn phải có tiềm năng phát triển du lịch để cây cà phê vừa là sản phẩm vừa là hậu cần cho ngành du lịch.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.