| Hotline: 0983.970.780

Trồng đậu phộng 'né' hạn, hiệu quả gấp 5 lần lúa

Chủ Nhật 26/07/2020 , 08:51 (GMT+7)

Cây đậu phộng trồng trên đất lúa trong vụ hè thu năm nay để “né” hạn ở huyện Phù Cát (Bình Định) cho hiệu quả cao gần gấp 5 lần so với trồng lúa.

Theo ông Lương Văn Khoa, Phó phòng NN – PTNT huyện Phù Cát, thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng trên đất lúa để “né” hạn của UBND tỉnh, trong vụ hè thu năm 2020, huyện Phù Cát đã chuyển đổi 676ha đất trồng lúa sang trồng các loại cây trồng cạn. Trong đó, có 337ha đậu phộng (lạc), 136ha mè (vừng), 31ha bắp (ngô), 36ha hành, 58ha dưa hấu và 78ha rau dưa các loại.

Đậu phộng là cây trồng chủ lực trong công cuộc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa để 'né' hạn ở Bình Định. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Đậu phộng là cây trồng chủ lực trong công cuộc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa để “né” hạn ở Bình Định. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Địa phương đi đầu trong công tác chuyển đổi ở huyện Phù Cát là xã Cát Tài với cây trồng chủ lực là cây đậu phộng. Theo ông Nguyễn Bá Quang, Chủ tịch UBND xã Cát Tài, trong thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa thiếu nước tưới sang sản xuất cây trồng cạn trong những vụ hè thu đối với xã Cát Tài có nhiều thuận lợi. Bởi, bà con nông dân ở đây đã có nhiều kinh nghiệm trong công tác chuyển đổi.

“Nông dân biết lựa chọn loại cây trồng có lợi thế nhất trong từng mùa vụ để sản xuất. Ví như vụ hè thu năm nay, sở dĩ cây đậu phộng được người dân Cát Tài chọn làm cây trồng chủ lực là vì cây đậu phộng cần ít nước tưới so với cây lúa rất nhiều, chi phí sản xuất thấp, nhưng hiệu quả kinh tế đem lại gấp nhiều lần so với cây lúa canh tác trên cùng diện tích”, ông Quang khẳng định.

Nông dân xã Cát Tài (huyện Phù Cát, Bình Định) thu hoạch đậu phộng vụ hè thu năm 2020. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nông dân xã Cát Tài (huyện Phù Cát, Bình Định) thu hoạch đậu phộng vụ hè thu năm 2020. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Đến thời điểm này, đậu phộng vụ hè thu trồng trên đất lúa ở Phù Cát đã cho thu hoạch hết diện tích. Riêng ở xã Cát Tài, năng suất đậu phộng vụ này đạt bình quân 400kg tươi/sào (500m2). “Đậu phộng ở Cát Tài vụ này hầu hết bà con đều nhổ để bán tươi. Đầu vụ giá còn thấp, 12.000đ/kg tươi; giữa vụ tăng lên 14.000đ/kg, cuối vụ tăng thêm được 16.000đ/kg. Với giá tính bình quân 14.000đ/kg, 1 sào đậu phộng thu được 400kg, vị chi nông dân có thu nhập 5,6 triệu đồng/sào. Chi phí đầu vào trong canh tác đậu phộng, tính cả tiền công chiếm 50% trong tổng thu, như vậy nông dân còn lãi ròng 2,8 triệu đồng/sào. Trong khi đó, 1 sào lúa vụ này tốt lắm cũng chỉ đạt năng suất 350kg/sào, với giá 6.000đ/kg nông dân chỉ thu nhập được 2,1 triệu đồng/sào lúa. Làm lúa thì mức lãi chỉ chiếm từ 30 – 40% trong tổng mức thu, đối với 1 sào lúa nông dân chỉ còn lãi ròng từ 600.000đ – 800.000đ/sào. Như vậy, cây đậu phộng vụ này đạt hiệu quả cao gần gấp 5 lần so với trồng lúa”, nông dân Lê Cảnh Trung ở thôn Chánh Danh (xã Cát Tài), tính toán.

Đậu phộng vụ hè thu ở xã Cát Tài (huyện Phù Cát, Bình Định) chủ yếu bán tươi. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Đậu phộng vụ hè thu ở xã Cát Tài (huyện Phù Cát, Bình Định) chủ yếu bán tươi. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Làm đậu phộng trong vụ hè thu tuy có vất vả hơn vụ đông xuân, bởi do nắng nóng nên đậu phộng dễ sinh bệnh, thế nhưng nếu nông dân tập trung chăm sóc ngay từ đầu vụ thì ruộng đậu sẽ an toàn. Nông dân Nguyễn Phú ở thôn Thái Phú (xã Cát Tài), cho hay: “Vụ hè thu cây đậu phộng thường bị bọ trĩ và nhện đỏ, đó là 2 “khắc tinh” của cây đậu phộng. Mình chỉ cần thường xuyên kiểm tra đồng, nếu phát hiện dưới lá đậu phộng xuất hiện đốm đen thì lập tức phun thuốc xử lý là an toàn”.

Thu hoạch xong đậu phộng vụ hè thu năm 2020, bà con nông dân xã Cát Tài đã lập tức làm đất, xuống giống đậu vụ mùa. Đậu trồng vụ mùa chủ yếu để làm giống cho vụ đậu đông xuân năm sau. “Trước đây, nông dân trồng đậu phộng ở Bình Định chủ yếu lấy giống ở Gia Lai. Đến vụ sản xuất, thương lái mua đậu giống về bán, tùy thời điểm giá đậu giống đắt nông dân phải mua đắt, có giống nào mua giống ấy. Có nhiều người thích trồng giống Mỏ Két nhưng thương lái không đưa về thì chịu, cứ phải trồng loại giống không theo ý mình. Bây giờ, để chủ động nguồn giống, nông dân Phù Cát trồng đậu vụ mùa với những loại giống phổ biến để làm giống cung ứng 4.000ha đậu phộng trồng trên đất màu trong vụ đông xuân năm sau”, ông Lương Văn Khoa, Phó phòng NN – PTNT huyện Phù Cát, cho biết.

Thu hoạch xong đậu phộng vụ hè thu nông dân xã Cát Tài (huyện Phù Cát, Bình Định) lập tức làm đậu vụ mùa để làm giống cho vụ đậu phộng đông xuân năm sau. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Thu hoạch xong đậu phộng vụ hè thu nông dân xã Cát Tài (huyện Phù Cát, Bình Định) lập tức làm đậu vụ mùa để làm giống cho vụ đậu phộng đông xuân năm sau. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Vụ ĐX ở Phù Cát chủ yếu trồng các giống đậu phộng Mỏ Két, L14 và HL25; riêng giống HL25 trong vụ đông xuân bà con trồng rất nhiều để bán cho các cơ sở ép dầu phộng. Giống đậu chủ lực trong vụ hè thu là L14, bởi giống đậu này to trái, bán đậu tươi được giá. Vụ mùa thì nông dân trồng nhiều các giống HL25 và L14”, ông Lương Văn Khoa, Phó phòng NN – PTNT huyện Phù Cát.

Xem thêm
Ngành chăn nuôi vẫn canh cánh nỗi lo 'xuất khẩu'

HÀ NỘI Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn đang canh cánh việc chưa thể xuất khẩu được nhiều sản phẩm.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Báo động thoái hóa đất Tây Nguyên: [Bài 2] Giải pháp nâng cao sức khỏe đất

Phục hồi đất thoái hóa là quá trình lâu dài, bền bỉ và cần phải có giải pháp về cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng, quản lý, khoa học công nghệ, khuyến nông...