Hiện nay, khô hạn và xâm nhập mặn tại ĐBSCL đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của người dân.
Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp nắng nóng, nước mặn xậm nhập đã gây thiệt hại đáng kể trên cây trồng.
Tuy vậy, tại những nơi đang bị ảnh hưởng xâm nhập mặn của tỉnh Tiền Giang, vẫn có những mô hình nông nghiệp công nghệ cao thích nghi với điều kiện thiếu nước ngọt tỏ ra rất hiệu quả.
Chẳng hạn như các mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng áp dụng phương thức canh tác thuỷ canh, cung cấp nước tiết kiệm giúp cây sinh trưởng ổn định.
Tiền Giang cũng như nhiều tỉnh ven biển khác tại ĐBSCL đã bị nước mặn xâm nhập gần 4 tháng qua. Để có nước ngọt, nhà nông đã đầu tư mua máy lọc nước mặn, xử lý nước đạt tiêu chuẩn để cung cấp cho cây trồng. Vì thế hầu hết các trang trại dưa lưới đều tưới tốt và đạt năng suất từ 2 tấn/công.
Thời điểm này, dưa lưới được thu mua ở mức giá 40.000-50.000 đồng/kg. Mỗi ha, trừ hết chi phí nông dân thu lãi ở 300 triệu đồng/vụ (từ 2- 2,5 tháng).
Tỉnh có hàng chục trang trại dưa lưới được đầu tư theo mô hình áp dụng công nghệ cao, canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhiều nhất là ở TP Mỹ Tho, huyện Chợ Gạo, huyện Châu Thành,…
Nông dân Nguyễn Minh Hùng có trang trại trồng dưa lưới bằng phương pháp thuỷ canh tại thị trấn Chợ Gạo, huyện Chợ Gạo cho biết trồng dưa lưới tuy vốn đầu tư cao, kỹ thuật tương đối khó nhưng rất hiệu quả.
Ông Hùng chia sẻ: “Dưa lưới hiệu quả, nhưng cái khó là đầu tư cao, nhất là xây nhà màng. Kỹ thuật chính là vệ sinh kỹ lưỡng, diệt mầm bệnh trước khi trồng. Khi trồng rồi phải thường xuyên kiểm tra, chăm sóc cây dưa cẩn thận, không để xảy ra dịch bệnh. Nước mặn thì mình có máy lọc nước xài, thành ra không ảnh hưởng gì”.
Trước nguy cơ hạn mặn lâu dài, nông dân tại ĐBSCL đã chủ động tìm hiểu các mô hình, kỹ thuật canh tác mới nhằm sống chung với hạn mặn.
Mô hình trồng dưa lưới thuỷ canh nói riêng và mô hình canh tác bằng phương pháp thuỷ canh nói chung là một trong các giải pháp canh tác dài lâu thích nghi dần với điều kiện khan hiếm nước ngọt và sử dụng hiệu quả nguồn nước ngọt trong tương lai.