Phương pháp trồng trọt này được gọi là khí canh, vừa tốn ít thời gian hơn và gia tăng lợi nhuận lên tới 20%.
Theo các chuyên gia, những kỹ thuật sản xuất hiện đại này đang được nông dân trồng khoai tây ở Ấn Độ ứng dụng trên quy mô lớn và cho hiệu quả năng suất cao hơn. Nhờ những kỹ thuật này, việc sản xuất khoai tây giờ đây không còn phụ thuộc vào đất nữa, khi chỉ cần tới hai nguồn tài nguyên kết hợp giữa không khí và nước. Một minh họa rõ hơn cho phương pháp này chính là thủy canh, theo đó việc sản xuất trái cây, hoa và rau được trồng trong nước mà không cần đất.
Viện Công nghệ Khoai tây Karnal và Cục Trồng trọt Ấn Độ đã và đang tiếp tục quảng bá kỹ thuật này trên quy mô lớn. Trong phương pháp này, cây khoai tây được chuẩn bị sẵn trong vườn ươm và được cấy vào hệ thống khí canh. Nó được tạo ra từ lớp trên cùng của đất, nơi khoai tây được trồng với sự hỗ trợ của nước và các chất dinh dưỡng.
Vườn ươm thí nghiệm được các chuyên gia nông nghiệp Ấn Độ chuẩn bị nhiều giống cây khoai tây khác nhau để trồng thử nghiệm. Trước đó, hệ thống rễ của cây đều được xử lý thanh trùng để loại bỏ hoàn toàn các nguy cơ bị nấm bệnh. Sau đó, cây khoai tây được trồng cấy trên một hệ thống giá đỡ lớn là hệ thống thiết bị khí canh khi chúng đã đủ 10 đến 15 ngày tuổi, và sau đó sẽ cho thu hoạch sản lượng củ nhiều hơn chỉ trong thời gian ngắn.
Kỹ thuật khí canh hiện đã khá phổ biến ở nhiều quốc gia khác nhau, và ở Ấn Độ nó đã được phê duyệt như là một phương thức sản xuất mới.
Khí canh là gì?
Khí canh (Aeroponics technology hay Aeroponic farming) là một phương thức canh tác mới trong nông nghiệp. Theo đó cây trồng không sử dụng đất (địa canh), hoặc nước (thủy canh) mà được trồng trong môi trường không khí có chứa các thể bụi dinh dưỡng. Các bụi thể dinh dưỡng này sẽ có nhiệm vụ cung cấp cho bộ rễ để cây sinh trưởng và phát triển bình thường.
So với các phương pháp canh tác khác, khí canh giúp tiết kiệm 95% lượng phân bón, đồng thời giảm lượng tiêu thụ nguồn nước tưới đến 98%, mà không cần dùng thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt là trong bối cảnh khan hiếm đất sản xuất nông nghiệp và nguy cơ mất an ninh lương thực do biến đổi khí hậu và suy thoái các nguồn tài nguyên môi trường, thì phương pháp khí canh chiếm ít không gian canh tác do có thể thâm canh nhiều tầng, lại vừa có thể tăng mùa vụ quanh năm và cho năng suất cây trồng tăng lên từ 45% đến 75%.
Đối với khâu giống cây trồng, khí canh được xem như là bước đột phá trong lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất giống vô tính vì môi trường sống của cây trồng hoàn toàn sạch bệnh, không cần dùng thuốc trừ sâu bệnh.
Theo các nhà khoa học, đây sẽ là phương pháp nhân giống vô tính cây trồng quan trọng của thế kỷ 21, vì có thể thay thế phương pháp nhân giống bằng kỹ thuật nuôi cấy mô tế bào do có lắp đặt hệ thống lọc khử trùng dung dịch và không khí buồng trồng, đồng thời là công nghệ hiện đại có sự tích hợp công nghệ sinh học, tin học, vật liệu mới và công nghệ tự động hóa.
Khí canh cho phép nhân nuôi được nhiều loại cây trồng, chu kỳ nhân giống nhanh hơn nhiều, công suất tăng 30 lần so với kỹ thuật truyền thống, loại bỏ khâu khử trùng (môi trường, mẫu vật) rất phức tạp trong nuôi cấy mô, tiết kiệm lao động, vật liệu, giảm giá thành.
Nhờ chu trình khép kín từ trồng đến thu hoạch nên tiết kiệm nước và dinh dưỡng cho cây, đồng thời có thể điều khiển tự động hóa được thời gian phun dinh dưỡng, cây sinh trưởng nhanh và cho năng suất cao, điều khiển được môi trường nuôi trồng.
So với phương pháp địa canh, ứng dụng khí canh cho năng suất tăng ít nhất gấp 2 lần, cây trồng tăng trưởng nhanh gấp 1,5 lần nhờ được sống trong môi trường nhân tạo (cây sinh trưởng theo thời gian ảo với 1 ngày 24h chiếu sáng của cây tương đương với 3 ngày với 8h chiếu sáng tự nhiên) do không phụ thuộc vào các điều kiện tự nhiên, nhất là các hình thái thời tiết khô, hạn hán…
Nhờ phương pháp khí canh, năng suất khoai tây giống tại Trung Quốc tăng lên đến 1.800 - 2.000 củ/m² và 3.000 – 3.500 củ/m² tại Hàn Quốc, trong khi đó các phương pháp khác chỉ đạt tối đã từ 300 - 500 củ/m².