| Hotline: 0983.970.780

Rau thủy canh, 'đắt xắt ra miếng'

Thứ Ba 27/09/2022 , 02:01 (GMT+7)

TP.HCM Giá bán rau thủy canh dao động từ 22.000 - 25.000 đồng/kg, cao hơn so với rau truyền thống khoảng 5.000 đồng/kg nhưng luôn không đủ cung cấp cho nhu cầu khách hàng.

Anh Trần Văn Mạnh, Giám đốc Giám đốc HTX Rau sạch Củ Chi giới thiệu về hệ thống nhà màng. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Anh Trần Văn Mạnh (ngoài cùng bên phải), Giám đốc HTX Rau sạch Củ Chi giới thiệu về hệ thống nhà màng. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Từ những kinh nghiệm và thành công bước đầu trong sản xuất rau thủy canh của mình, anh Trần Văn Mạnh đã mạnh dạn vận động anh em, bạn bè trồng rau an toàn trên địa bàn liên kết thành lập Hợp tác xã (HTX) Rau sạch Củ Chi với mục đích kết nối tiêu thụ, bao tiêu sản phẩm rau của hội viên cho thị trường TP.HCM.

HTX Rau sạch Củ Chi (xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM) chính thức được thành lập với 8 thành viên từ nguồn vốn khoảng 100 triệu đồng hỗ trợ của UBND TP.HCM để mua trang thiết bị ban đầu. Đây là tiền đề để HTX có động lực vươn lên. Đến nay, HTX đã có 12 thành viên, chuyên cung cấp các loại rau ăn lá, cải xanh, cải ngọt, cải nhún với tổng diện tích 6.000m2.

Hiện HTX cũng đã có thêm 2 thành viên áp dụng mô hình trồng rau thủy canh công nghệ cao. Mỗi ngày, HTX Rau sạch Củ Chi cung cấp hơn 1 tấn rau ăn lá các loại cho các chợ truyền thống, siêu thị Bách Hóa Xanh, Sendo Farm…, trong đó khoảng 300 - 400kg rau thủy canh gồm các loại cải, xà lách, tần ô… cho siêu thị.

Khi bà con vào HTX, sẽ phải cam kết sản xuất đạt chuẩn VietGAP, thực hiện truy xuất nguồn gốc... Đổi lại, HTX sẽ bao tiêu sản phẩm, thực hiện sơ chế và đóng gói rau củ đúng cách, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Xã viên có thể mua phân, giống, vật tư... với giá rẻ hơn so với mua lẻ trên thị trường.

Hàng ngày, ngoài việc chăm sóc, thu hoạch tại trang trại của mình, anh Mạnh sẽ thu rau của bà con thành viên trong HTX để sơ chế, đóng gói và cung cấp cho thị trường với giá bán rau thủy canh dao động từ 22.000 - 25.000 đồng/kg, cao hơn so với rau truyền thống khoảng 5.000 đồng/kg.

Nhờ áp dụng kỹ thuật; phân bón, vật tư được mua với giá hợp lý; đầu ra ổn định đã giúp nhiều thành viên HTX có thu nhập khá, trung bình từ 10 - 15 triệu đồng/người. Có thể nói, mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng rau thuỷ canh của HTX Rau sạch Củ Chi là một trong những mô hình điển hình phát triển kinh tế HTX của xã Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi), góp phần nâng cao kinh tế nông nghiệp của địa phương theo đúng định hướng nông nghiệp an toàn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong đối cảnh đất nông nghiệp tại Củ Chi nói riêng và TP.HCM nói chung ngày càng thu hẹp.

Nhân viên thực hiện thu hoạch, sơ chế, đóng gói rau trước khi xuất ra thị trường. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Nhân viên HTX thực hiện thu hoạch, sơ chế, đóng gói rau trước khi xuất ra thị trường. Ảnh: Nguyễn Thủy.

“Hiện nhu cầu rau sạch của người dân rất cao, đặc biệt sau thời gian dịch bệnh Covid-19, người dân có ý thức quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn. Sản lượng rau thủy canh của HTX mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu của khách hàng. Họ muốn lấy thêm chúng tôi cũng không có để cung cấp.

Thời gian tới, tôi sẽ đầu tư mở rộng thêm 2.000m2, đồng thời mong muốn được kết nối tiêu thụ với các trang trại trồng rau thủy canh có cùng chủng loại để đáp ứng nhu cầu cho thị trường.

Ai muốn trồng rau thủy canh, tôi sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật, HTX cũng nhận lắp đặt luôn hệ thống nhà màng. Ngày xưa mình làm không được ai chỉ dẫn, vốn không có nên tôi thấu hiểu được khó khăn của người muốn làm nông nghiệp sạch và luôn sẵn sàng hướng dẫn nếu ai có nhu cầu”, anh Trần Văn Mạnh, Giám đốc HTX Rau sạch Củ Chi vui vẻ nói.

Bà Nguyễn Giang Thuận, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi, TP.HCM) cho biết, truyền thống của xã là sản xuất bánh tráng. Từ 10 - 15 năm trở lại đây, bà con phát triển thêm sản xuất rau, tuy nhiên chủ yếu trồng theo phương pháp truyền thống.

“Mô hình trồng rau thủy canh của HTX Rau sạch Củ Chi khá tốt và là mô hình mới đang được nhân rộng, giúp bà con áp dụng khoa học kỹ thuật để sản xuất rau sạch, tăng năng suất, hạn chế sâu bệnh, đảm bảo chất lượng có thể cung cấp cho các hệ thống siêu thị.

Thời gian qua, Hội Nông dân xã cũng đã hỗ trợ bà con nông dân học các lớp ứng dụng khoa học công nghệ, giới thiệu sản phẩm trên zalo, fanpage, hoặc tại các hội chợ, đặc biệt là hội chợ nông sản mà Hội Nông dân xã tổ chức.

Hội Nông dân xã cũng mong muốn bà con quan tâm đến việc trồng rau sạch ứng dụng công nghệ cao, bởi hiệu quả mang lại cao. Nếu bà con thiếu vốn, Hội sẽ hỗ trợ bà con tiếp cận nguồn vốn”, bà Thuận nói.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.