| Hotline: 0983.970.780

Trồng na Thái bền vững trên đất dốc, thắng ngay vụ quả bói

Thứ Ba 12/11/2024 , 08:49 (GMT+7)

SƠN LA Ngay từ đầu, anh Thương đã áp dụng quy trình canh tác cây na Thái theo hướng hữu cơ, bền vững trên đất dốc và thắng lợi ngay từ vụ thu hoạch quả bói.

Ngay từ đầu, HTX nông nghiệp Minh Thương đã chăm sóc cây na Thái theo hướng hữu cơ, áp dụng các quy trình canh tác bền vững trên đất dốc. Ảnh: Đức Bình.

Ngay từ đầu, HTX nông nghiệp Minh Thương đã chăm sóc cây na Thái theo hướng hữu cơ, áp dụng các quy trình canh tác bền vững trên đất dốc. Ảnh: Đức Bình.

Khi nhắc đến cây na Thái tại Sơn La, nhiều người nghĩ ngay đến vùng đất Mai Sơn với hơn 1.000ha trồng na. Nhờ giá trị kinh tế cao, cây na đã đem lại thu nhập đáng kể cho nhiều hộ dân. Nhiều mô hình trồng na ở huyện Mai Sơn không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao, làm giàu cho bà con mà còn truyền cảm hứng cho nhiều nông dân trong tỉnh tìm đến học tập, mở rộng sản xuất.

Tại xã Mường Bú (huyện Mường La), anh Lò Văn Thương – Giám đốc HTX nông nghiệp Minh Thương là người tiên phong đưa giống na Thái về trồng với diện tích gần 5ha. Anh chia sẻ, trước đó gia đình chủ yếu trồng xoài và nhãn nhưng câu cửa miệng luôn là “được mua, mất giá”, năm nào cũng được mùa nhưng lợi nhuận không lớn.

Sau khi đến tham quan và học hỏi mô hình trồng na Thái ở Mai Sơn, anh Thương cùng vài thành viên HTX đã quyết tâm vay mượn đề đầu tư vùng trồng na bài bản, riêng gia đình anh vay gần 200 triệu đồng để thiết kế lại vùng trồng và nhập giống mới.

Khí hậu tại xã Mường Bú có đặc điểm nóng hơn các vùng khác từ 1 - 2 độ C và chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm chủ yếu diễn ra vào mùa hè khi ban ngày đạt trung bình 36 độ C, về đêm có thể xuống 22 độ C. Na Thái tuy thích nghi tốt với khí hậu, đất đai tại địa phương khi có đặc điểm ưa sáng và có khả năng chịu nhiệt độ cao, song yêu cầu gắt gao về môi trường đất trồng. Đất phải thoát nước tốt, không được xốp hay quá ẩm, độ pH từ 5,5 đến 6,5.

Trồng na theo hướng hữu cơ là điều kiện kiên quyết mà HTX nông nghiệp Minh Thương đề ra. "Dù vất vả và tốn nhiều chi phí hơn nhưng chúng tôi vẫn luôn tin tường canh tác na theo hướng hữu cơ, bởi hiệu quả mà nó đem lại sẽ xứng đáng, bền vững” anh Thương chia sẻ.

Theo đó, phân bón chủ yếu sử dụng cho cây na là phân hữu cơ mua từ nhà máy, phân gà kết hợp với phân trâu, bò ủ hoai. Cỏ được giữ lại kết hợp quản lý khoa học chứ không tiêu diệt, chỉ sử dụng máy phát chứ không sử dụng thuốc trừ cỏ, bởi HTX quan điểm trong canh tác phải giữ được bộ rễ khỏe, sạch bệnh mới đảm bảo được cho cây trồng phát triển khỏe, bền, tăng sức đề kháng.

Nhờ canh tác theo hướng hữu cơ, bền vững, cây na Thái của anh Thương trồng trên đất dốc ở huyện Mường La không hề thua kém na Thái trồng tại huyện Mai Sơn. Ảnh: Đức Bình

Nhờ canh tác theo hướng hữu cơ, bền vững, cây na Thái của anh Thương trồng trên đất dốc ở huyện Mường La không hề thua kém na Thái trồng tại huyện Mai Sơn. Ảnh: Đức Bình

Để cây na Thái phát triển tốt, HTX quy định mật độ trồng thích hợp là 4x4m hoặc 4x5m. Hố trồng phải sâu khoảng 50cm, bón lót phân chuồng, kali và lân trước khi trồng từ 7 - 10 ngày. Thời vụ trồng bắt đầu từ đầu mùa xuân đến tháng 10, công tác tưới tiêu được chú trọng nghiêm ngặt, đặc biệt trong giai đoạn cây mới trồng phải đảm bảo tưới với tần suất ngày 1 - 2 lần tùy thuộc vào thời tiết.

Theo anh Thương, cây na Thái có thể sống từ 10 - 12 năm nếu được chăm sóc đúng cách. Sau khi thu hoạch, người trồng cần bón phân chuồng, tỉa cành để cây ra hoa, quả non vào mùa xuân năm sau.

Trong quá trình canh tác, cây na dễ mắc bệnh thối rễ với dấu hiệu vàng lá. Tuy nhiên khi nhận biết thì thường đã quá muộn và hiện chưa có cách chữa trị hiệu quả, để phòng tránh cần lưu ý không được sử dụng thuốc hóa học và để đất quá ẩm.

Đối với rệp sáp và bọ trĩ, anh Thương áp dụng phun thuốc định kỳ hàng tháng. Mỗi công đoạn đều được ghi chép tỉ mỉ, từ ngày phun thuốc, loại thuốc cho đến ngày bón phân để quản lý và phòng chống sâu bệnh hiệu quả.

Năm nay, khó khăn lại ập đến khi bão số 2 gây sạt lở, làm mất đi 2ha đất trồng na của HTX nông nghiệp Minh Thương. Bên cạnh đó, mưa kéo dài khiến bộ rễ của nhiều cây na bị ảnh hưởng, phải chặt bỏ gốc, thay cây mới.

Đây cũng là năm đầu cây na của HTX cho thu bói, sản lượng chỉ thu được khoảng 5 tấn trên diện tích 3ha, với giá bán trung bình 50.000 đồng/kg, dự kiến mang lại giá trị khoảng 250 triệu đồng. Dù chưa đạt kỳ vọng, nhưng những thành công bước đầu của anh Thương đã khích lệ nhiều gia đình khác trong xã học hỏi và phát triển mô hình trồng na Thái.

Sang năm, anh sẽ đầu tư khoảng 300 tấn phân hữu cơ cho toàn bộ các cây trồng của HTX, dự kiến mở rộng thêm 10ha với chi phí thuê khoảng 7 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, HTX cũng có kế hoạch tuyển thêm nhân công chất lượng cao với mức lương từ 8 - 9 triệu đồng/người/tháng nhằm duy trì sản xuất ổn định và đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng tăng.

Cây na Thái đang khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp của Sơn La. Với sự kiên trì, nỗ lực của anh Lò Văn Thương và các thành viên HTX nông nghiệp Minh Thương, mô hình trồng na Thái theo hướng hữu cơ không chỉ tạo thu nhập bền vững mà còn lan tỏa đến nhiều vùng trong huyện.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.