| Hotline: 0983.970.780

Trồng na Thái, hái ra tiền

Thứ Ba 06/09/2022 , 09:15 (GMT+7)

NGHỆ AN Giống na Thái ngọt thanh, dai, ít hạt, thịt nhiều, ăn đến đâu mát đến đó. Na dai Thái giá bán rất cao, lên tới 80 nghìn đồng/kg, cao hơn gấp đôi giống truyền thống.

Tìm về hiểu về điển hình trồng cây ăn quả ở địa phương, ông Nguyễn Viết Trung, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) chia sẻ: Mấy năm nay, huyện Nghĩa Đàn đã hình thành nhiều vùng cây ăn quả tập trung, mang lại hiệu quả kinh tế cao, sản phẩm đã được các thị trường tiềm năng ưa chuộng, bao gồm chuối Nghĩa Khánh, ổi Nghĩa Sơn, bơ Nghĩa Phú. Nay cây na ở xã Nghĩa Hiếu đang là một điển hình.

Vườn na ông Vinh đạt 4,5 tấn quả/ha. Ảnh: Hồ Quang.

Vườn na của ông Vinh đạt 4,5 tấn quả/ha. Ảnh: Hồ Quang.

Chúng tôi tìm đến trang trại của ông Cao Thanh Vinh ở xóm Sơn Mộng, xã Nghĩa Hiếu, đã gần 12 giờ trưa nhưng ông vẫn đang say sưa bấm ngọn, tỉa cành để tạo cho na ra quả trái vụ. Ông Vinh bảo: Trước đây đất canh tác của các hộ đa phần trồng cam, quýt, chanh và mía, nhiều năm rồi nên cây quả già cỗi, sinh bệnh, thu hoạch chẳng được bao nhiêu, thế nên đến nay họ đã chuyển đổi sang trồng cây khác.

Trước đó, lãnh đạo xã đã cho bà con đi tham quan các mô hình sản xuất các giống cây ăn quả trong và ngoài tỉnh. Trở về, dân trang trại trong xã đã chuyển đổi mỗi hộ một mô hình. Riêng ông Cao Thanh Vinh quyết định phá bỏ 1ha cam già cỗi để chuyển sang trồng cây na. Trong 1ha, ông Vinh trồng một nửa là giống na dai truyền thống, một nửa trồng giống na dai Thái Lan. Giống na mua ở Trung tâm Nghiên cứu Cây ăn quả và Cây công nghiệp Phủ Qùy.

Hình thức trồng và chế độ chăm sóc cả hai giống na này đều như nhau. Kết quả sau gần 3 năm trồng, vườn na đã cho thu hoạch được 2 tấn quả. Năm ngoái do dịch Covid-19 nên na chỉ bán được cho dân trong vùng với giá na dai ta 25 nghìn đồng/kg, còn na dai Thái cao giá gấp đôi. Ông Vinh tính toán, chi phí trồng 1ha na (650 cây) bao gồm tiền giống, công làm đất, phân hữu cơ, vô cơ, tưới tiêu và thuốc BVTV hết 45 triệu đồng. Trong khi đó, giá bình quân 2 loại na là 37,5 nghìn đồng/kg. Năm đầu thu hoạch na, ông Vinh đã bán được 75 triệu đồng, trừ mọi chi phí, còn lãi 30 triệu đồng.

Na Thái mẫu mã đẹp, chất lượng cao, thị trường rất ưa chuộng.

Na Thái mẫu mã đẹp, chất lượng cao, được thị trường rất ưa chuộng. Ảnh: Hồ Quang.

Năm nay, 1ha na của ông Vinh cho thu hoạch 4,5 tấn quả. Giá na dai truyền thống 35 nghìn đồng/kg, còn na dai Thái 80 nghìn đồng/kg. Hàng ngày, hoặc 2 - 3 ngày một lượt, thương lái đến vườn na chọn lựa thu hái, rồi cân lên và trả tiền cho chủ. Tính ra 1ha na (cả 2 loại) ông Vinh bán được hơn 250 triệu đồng. Ông Vinh bảo, na Thái có mẫu mã đẹp, mắt na trên mỗi quả rất đều, trọng lượng nhỏ thì 3 quả/kg, còn đa phần lên tới 0,5 đến 0,8kg/quả.

"Chất lượng na Thái ngọt thanh và dai, ít hạt, thịt nhiều, ăn đến đâu mát đến đó. Na dai Thái cũng đạt năng suất 4,5 tấn/ha, đặc biệt giá bán rất cao, lên tới 80 nghìn đồng/kg, cao hơn gấp đôi so với na dai truyền thống. Thế nên người ta ví trồng na Thái, hái ra tiền là phải", ông Vinh bộc bạch.

Hỏi về kinh nghiệm, kỹ thuật trồng na, ông Vinh chia sẻ: Cây na thích hợp trên loại đất đồi hình bát úp, bộ rễ thích độ ẩm, nhưng yêu cầu thoát nước nhanh. Còn các công đoạn kỹ thuật canh tác như đào hố, bón phân, tưới và chăm sóc, bảo vệ cây trồng thì đã có tài liệu khoa học hướng dẫn rất cụ thể.

Hàng ngày từ 8- 10 giờ sáng, khi hoa na nở bung thì lấy phấn cho vào dụng cụ chuyên dụng, chiều tối từ 18 - 20 giờ thì mang ra vườn bơm ra thụ phấn cho hoa khác. Ảnh: Hồ Quang.

Hàng ngày từ 8 - 10 giờ sáng, khi hoa na nở bung, ông Vinh lấy phấn cho vào dụng cụ chuyên dụng, chiều tối từ 18 - 20 giờ mang ra vườn bơm thụ phấn cho hoa khác. Ảnh: Hồ Quang.

Qúa trình chăm sóc, người trồng na phải thường xuyên kiểm tra sâu bệnh hại, nhất là rệp sáp, tập trung chích hút trên lá và quả, làm cho lá bị quăn, quả bị chai không phát triển. Sâu đục quả, triệu chứng dễ nhìn thấy là ngoài vỏ quả có phân sâu đùn ra. Bọ vòi voi tấn công hoa mới nở làm cho hoa đen và khô. Bệnh thán thư làm cho quả non khô, đen rồi rụng, quả lớn bị khô đen một phần. Bên cạnh đó, bệnh thối rễ nhiễm nhẹ làm cho cây kém phát triển, lá vàng rồi rụng, nhiễm nặng khiến cây chết dần.

"Nói chung theo tài liệu khoa học thì sâu bệnh hại trên cây na có nhiều, nhưng đã có thuốc đặc trị cho từng loại. Hơn nữa, sâu bệnh hại phát triển cũng tùy theo từng loại đất. Na trồng ở đất đồi thoai thoải dốc, không đọng nước, vườn cây thông thoáng, luôn đủ ánh sáng mặt trời sẽ hạn chế được các nguồn bệnh", ông Vinh chia sẻ.

Hiện xã Nghĩa Hiếu đã thành lập Tổ hợp tác xã trồng na có 35 xã viên, do ông Cao Thanh Vinh làm Tổ trưởng. “Để na đạt năng suất, chất lượng cao, việc các xã viên trong HTX thường xuyên trao đổi kinh nghiệm là rất quan trọng. Ví như cách đánh cành tạo tán, thụ phấn nhân tạo, bón phân cân đối, theo dõi sâu bệnh hại. Về bấm cành để cho na ra quả trái vụ thì mỗi cây chỉ nên làm một nửa ở tầng dưới, tầng trên giữ nguyên để cho cây phát triển.” ông Vinh nói.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.