Thời gian này, bà con nông dân ở nhiều địa phương trong tỉnh Nghệ An đang vào mùa thu hoạch và chế biến tinh bột nghệ. Từ chỗ trồng nghệ để làm gia vị, làm dược liệu trong đông y với số lượng không nhiều, ngày nay, củ nghệ được chế biến thành tinh bột nghệ, được rất nhiều người ưa chuộng và sử dụng, tốt cho sức khoẻ, nhất là những người bị bệnh dạ dày, tốt cho hệ tiêu hoá, làm đẹp da… Vì vậy, cây nghệ ngày càng có điều kiện mở rộng diện tích, nghề chế biến tinh bột nghệ cũng ngày càng nhiều.
Cây dễ tính, dễ trồng, cho hiệu quả cao
Xã Nghi Kiều thuộc vùng trung du của huyện Nghi Lộc (Nghệ An). Đất đai phần lớn là đồi núi thấp, trồng cây gì cũng cằn cỗi vì đất vừa kém màu mỡ, vừa khô hạn quanh năm.
Ông Nguyễn Công Anh ở xóm 17, xã Nghi Kiều cho biết: Cách đây 5 năm, lúc đầu ông đưa cây nghệ về trồng trong vườn nhà, thấy cây phát triển tốt, củ nhiều, ông thầm nghĩ có lẽ cây nghệ phù hợp với đất đai ở đây. Từ đó, các năm sau, mỗi năm ông mở rộng diện tích và 2 năm nay, gia đình ông mỗi năm trồng trên dưới 6 sào nghệ (3.000m2), trung bình mỗi sào cho năng suất 1 tấn củ (20 tấn/ha). Nếu bán củ nghệ tươi sau khi thu hoạch với giá từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, với 6 sào trồng nghệ sẽ cho thu nhập từ 60 - 70 triệu đồng, trừ chi phí tiền mua giống, phân, công chăm sóc và thu hoạch, gia đình còn thu lãi được từ 50 - 60 triệu đồng.
Không dừng lại ở việc bán củ nghệ tươi sau khi thu hoạch, rất nhiều hộ dân trong xã còn thu mua thêm nghệ của nhiều gia đình khác để chế biến tinh bột nghệ, nâng cao giá trị.
Hiện cả xã Nghi Kiều có 24 hộ gia đình trồng nghệ với tổng diện tích hơn 120ha và là địa phương có diện tích trồng nghệ tập trung nhiều nhất tỉnh Nghệ An.
Ngược lên huyện miền núi cao Anh Sơn, những ngày này nhộn nhịp cảnh bà con nông dân ở các xã Đỉnh Sơn, Thọ Sơn, Cẩm Sơn, Tường Sơn, Tào Sơn… đang vào mùa thu hoạch nghệ. Ông Nguyễn Văn Tính ở xã Đỉnh Sơn có 3 sào đất dưới chân đồi, đất cằn cỗi, bạc màu, đã trồng nhiều loại cây như ngô, đậu đỗ, bầu bí… đều cho thu hoạch không đáng kể, nhất là những năm nắng nóng và gặp gió Lào đến sớm thì không có thu hoạch.
Qua tìm hiểu ở một số địa phương, nhất là ở xã Nghi Kiều (huyện Nghi Lộc), trên diện tích 3 sào đất của gia đình, ông Tính đã mạnh dạn chuyển đất đồi kém hiệu quả sang trồng nghệ. Để đạt được năng suất cao, ông Tính đã tìm đến Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện để được hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng và thâm canh cây nghệ.
Trong các biện pháp kỹ thuật, ông Tính tập trung thực hiện tốt các biện pháp như làm tơi đất, dọn sạch cỏ dại, trồng giống nghệ đỏ, luống rộng 1m, trồng hàng cách hàng 50cm, cây cách cây 25 - 30cm. "Trước khi trồng dùng cuốc đào hố sâu khoảng 10cm, bón phân hữu cơ vào khoả trộn đất với phân, gieo củ nghệ giống xuống rồi lấp đất lại, sau đó phủ lên một lớp rơm rạ để vừa giữ ẩm, vừa chống cỏ dại mọc, làm được như vậy chắc chắn nghệ sẽ cho năng suất cao...", ông Tính chia sẻ.
Quả đúng như ông Tính nói, năng suất nghệ gia đình ông vụ này đạt bình quân từ 1,2 - 1,3 tấn/sào (24 - 26 tấn/ha), bán với giá 12.000 - 13.000 đồng/kg, trừ chi phí sản xuất, gia đình còn thu về hơn 35 triệu đồng/3 sào đất (1.500 m2).
Ông Nguyễn Ngọc Giang, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Anh Sơn cho biết, mô hình chuyển đổi trồng nghệ trên đất kém hiệu quả bước đầu mở ra hướng phát triển sản xuất mới cho bà con nông dân huyện Anh Sơn. Hiện nay, không chỉ có xã Đỉnh Sơn, mà cả huyện đã có nhiều xã như Thọ Sơn, Cẩm Sơn, Tường Sơn, Tào Sơn… cây nghệ đã và đang trở thành cây trồng hấp dẫn, đem lại hiệu quả không dưới 200 triệu đồng/ha.
Dễ chế biến và tiêu thụ
Trước đây, sau mỗi vụ thu hoạch, củ nghệ tươi được các thương lái trong và ngoài tỉnh đến tận các cơ sở sản xuất nghệ thu mua rồi vận chuyển đi tiêu thụ ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Do không chủ động được đầu ra nên người trồng thu nhập không ổn định.
Những năm gần đây, số lượng người sử dụng tinh bột nghệ ngày càng nhiều để phục vụ chữa trị các bệnh dạ dày, đường ruột, làm đẹp da, làm lành vết thương, giảm béo phì, tốt cho tim mạch, giảm mỡ máu, giải độc, hạn chế tế bào ung thư, chống oxy hoá, làm chậm quá trình lão hoá… Vì vậy, nhu cầu sử dụng tinh bột nghệ rất lớn, dễ tiêu thụ, giá lại khá cao và việc chế biến tinh bột nghệ rất đơn giản. Nắm bắt nhu cầu trên, nhiều vùng trồng nghệ đã hình thành một số cơ sở chế biến tinh bột nghệ ngay tại địa phương.
Tại huyện Anh Sơn, những ngày này, không khí thật nhộn nhịp, vừa là mùa thu hoạch nghệ, vừa là mùa chế biến tinh bột nghệ. Tất cả những máy như máy rửa sạch củ nghề, máy nghiền, đến máy vắt lọc tinh bột nghề sau khi nghiền đều hoạt động hết công suất.
Gia đình bà Nguyễn Thị Nga ở xã Khai Sơn đã hơn 3 năm nay chuyên sản xuất tinh bột nghệ cho biết, do nhu cầu người sử dụng tinh bột nghệ nhiều, thị trường tiêu thụ dễ dàng, nếu bảo quản tốt thì có thể bán được quanh năm nên đây là mặt hàng rất có tiềm năng. Vì vậy, bà Nga quyết định tìm tòi, học tập kinh nghiệm và mua sắm đầy đủ các loại máy móc phục vụ chế biến tinh bột nghệ đạt tiêu chuẩn tốt nhất.
Bà Nga cho biết thêm: Để có được sản phẩm tinh bột nghệ chất lượng tốt, màu sắc đẹp, tất cả mọi công đoạn từ rửa sạch, đến lúc cho củ nghệ vào máy nghiền và sau đó là vắt lóng bột và phơi sấy khô phải hết sức cẩn thận, sạch sẽ, làm đúng quy trình hướng dẫn. Làm được như vậy sẽ cho ra sản phẩm bột mịn, có mùi thơm mát, không lẫn tạp chất.
Nhờ sản phẩm tốt, nên sản phẩm tinh bột nghệ làm ra của bà Nga được khách hàng gần xa mua với giá từ 300.000 đồng trở lên/kg. Trung bình mỗi năm, gia đình bà Nga chế biến được từ 350 – 400kg tinh bột nghệ, thu lãi hơn 100 triệu đồng, hiệu quả cao gấp 2,5 – 3 lần so với bán củ nghệ tươi.
Hiện nay, toàn huyện Anh Sơn có hơn 20 hộ vừa trồng, vừa làm nghề chế biến tinh bột nghệ đem lại hiệu quả kinh tế rất cao so với nhiều loại cây trồng khác.
Tại huyện Nghi Lộc cũng có trên 160ha nghệ, ước tính thu về hơn 2.000 tấn củ. Hiện đang vào mùa thu hoạch, hoạt động chế biến tinh bột nghệ ở đây cũng khá nhộn nhịp. Địa phương có diện tích trồng nghệ nhiều nhất huyện Nghi Lộc hiện nay là xã Nghi Kiều với hơn 120ha… Tại đây đã có nhiều gia đình mua sắm máy móc khá hiện đại, bao gồm máy rửa ủ nghệ, máy xay ủ nghệ có công suất xay từ 1,2 – 1,5 tấn củ/giờ.
Nghệ sau khi xay nhuyễn được chuyển vào bể ngâm trong nước sạch một thời gian, sau đó chuyển qua máy vắt lấy tinh bột. Sử dụng máy vắt tiết kiệm được rất nhiều công lao động, trung bình 1h máy vắt được 600kg nghệ xay, giảm được hơn 10 lao động cắt thủ công. Công đoạn làm khô bột trước đây phụ thuộc vào trời nắng hay mưa, nay hoàn toàn dùng máy sấy, nên chất lượng tinh bột tốt hơn, màu sắc đẹp hơn.
Gia đình chị Hoàng Thị Hằng ở xã Nghi Kiều đầu tư gần 100 triệu đồng xây dựng nhà xưởng, khoan giếng lấy nước sạch, mua máy lọc nước RO, máy ép lọc tinh bột nghệ, máy sấy khô tinh bột. Nhờ có máy làm thay cho lao động thủ công nên trung bình mỗi ngày chị nhận gia công hơn 1 tấn củ nghệ cho bà con nông dân trong vùng, mỗi vụ gia đình chị chế biến khoảng 300 tấn nghệ củ tươi thành sản phẩm hoàn chỉnh.
Sản phẩm tinh bột nghệ hiện nay đang là mặt hàng dễ tiêu thụ. Ông Lê Văn Thương ở xã Nghi Kiều cho biết, gia đình ông mỗi ngày chế biến khoảng 5 tấn nghệ củ, cho ra 3 tạ sản phẩm tinh bột đã sấy khô được đóng gói cẩn thận. Hiện đã có nhiều khách hàng ở Hà Nội và nhiều tỉnh thành phía nam đặt mua với khối lượng lớn.
Về hiệu quả, ông Thương cho biết trung bình trồng 1 sào nghệ cho năng suất ít nhất 1 tấn củ, nếu bán củ tươi thì thu được 10 - 11 triệu đồng, nếu chế biến sẽ được 70kg tinh bột, thu về khoảng 18 - 19 triệu đồng là chắc chắn.
Ngày xưa có mấy ai quan tâm đến phát triển cây nghệ, ngày nay nghệ đúng là cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao, lại là cây dễ trồng, phù hợp với nhiều loại đất, gia đình nào cũng trồng được, tạo ra nhiều công ăn việc làm, góp phần xoá đói giảm nghèo cho rất nhiều gia đình nông dân, nhất là khu vực miền núi.
Chính vì vậy, vừa qua, UBND tỉnh, Sở NN-PTNT và Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đã có chủ trương khuyến khích bà con nông dân trong tỉnh mạnh dạn chuyển đổi cây trồng trên đất kém hiệu quả sang trồng nghệ, vừa cho thu nhập cao, vừa phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay.