| Hotline: 0983.970.780

Trồng ngô ngọt, không bỏ đi thứ gì

Thứ Sáu 24/06/2022 , 13:04 (GMT+7)

CAO BẰNG So với trồng ngô lấy hạt truyền thống, ngô ngọt cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều. Thân, lá, vỏ bắp sau khi thu hoạch vẫn còn xanh tươi, làm thức ăn chăn nuôi.

Hợp tác xã Nông nghiệp Ba sạch Hưng Đạo thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan xuống kiểm tra ruộng ngô ngọt của người dân. Ảnh: Công Hải.

Hợp tác xã Nông nghiệp Ba sạch Hưng Đạo thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan xuống kiểm tra ruộng ngô ngọt của người dân. Ảnh: Công Hải.

Về xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa (Cao Bằng) đúng dịp bà con nông dân đang bắt đầu thu hoạch những lứa ngô đầu tiên. Trên các cánh đồng, nhà nhà đi bẻ ngô; xe máy, xe thồ, bao to bao nhỏ xếp hàng chờ hợp tác xã (HTX) đến thu mua. Không khí nhộn nhịp như một ngày hội, nắng nóng, mệt nhọc nhưng nét mặt ai cũng phấn khởi.

Ông Mông Văn Hiếu, xóm Quốc Dân, xã Phúc Sen chia sẻ: Những năm trước đây, gia đình ông chỉ trồng giống ngô địa phương để phục vụ chăn nuôi và một phần ít đem bán ngô hạt, hiệu quả kinh tế thấp. Năm nay, được HTX Nông nghiệp Ba sạch Hưng Đạo ứng trước giống, gia đình ông trồng thử 2.000 m2 ngô ngọt, dự kiến thu được khoảng 2 tấn ngô.

"Giống ngô này cây khỏe, chất lượng bắp tốt, nếu đất tốt sẽ cho vị ngọt cao. Đặc biệt, sản phẩm sau khi thu hoạch được HTX thu mua ngay tại ruộng, nông dân chẳng phải tốn công phơi khô, tách hạt. Cứ liên kết làm ăn như thế này thì thu nhập của nông dân chúng tôi chắc chắn sẽ khấm khá lên nhiều", ông Hiếu phấn khởi.

Người dân xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa thu hoạch ngô ngọt. Ảnh: Công Hải.

Người dân xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa thu hoạch ngô ngọt. Ảnh: Công Hải.

Ông Đàm Đình Đạo, Bí thư Đảng ủy xã Phúc Sen thông tin: Thực hiện liên kết sản xuất với HTX Nông nghiệp Ba sạch Hưng Đạo, vụ ngô xuân hè 2022, toàn xã trồng hơn 70 ha ngô ngọt ở tất cả các xóm. Hộ ít trồng 2.000 - 3.000 m2, hộ nhiều trồng 5.000 - 7.000 m2, mỗi ha cho thu hoạch gần 10 tấn. So với trồng ngô truyền thống đem lại hiệu quả gấp đôi. Ngoài thu mua bắp ngô, thân cây ngô cũng được thu hoạch hết để làm thức ăn chăn nuôi nên người dân không phải bỏ phí phần nào.

Tham gia mô hình trồng ngô ngọt, các hộ dân được hỗ trợ giống và vật tư đối ứng do người dân tự mua hoặc HTX cung cấp đảm bảo thực hiện theo quy trình kỹ thuật. Trước khi gieo trồng, các hộ dân tham gia mô hình đều được phổ biến quy trình sản xuất thâm canh ngô ngọt giống Thái Lan và được HTX Nông nghiệp Ba sạch Hưng Đạo ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với giá 3.700 đồng/kg ngô tươi sau thu hoạch.

Qua triển khai trồng thực tế cho thấy, giống ngô ngọt Thái Lan có khả năng sinh trưởng phát triển tốt, bộ rễ khỏe, ít sâu bệnh. Thời gian sinh trưởng từ 75 - 80 ngày, cho bắp to, hạt màu vàng đẹp, thẳng hàng, vị trí đóng bắp thấp, lá bi xanh, vỏ hạt mỏng, chất lượng ăn ngon mềm và ngọt, rất thích hợp cho chế biến, năng suất trung bình của mô hình đạt hơn 3 tạ/sào (360m2). Đặc biệt, sau khi thu hoạch, thân lá vẫn còn xanh có thể tận dụng làm thức ăn cho gia súc.

Người dân huyện Quảng Hòa tập kết ngô ngọt chờ Hợp tác xã Nông nghiệp Ba sạch Hưng Đạo đến thu mua. Ảnh: Công Hải.

Người dân huyện Quảng Hòa tập kết ngô ngọt chờ Hợp tác xã Nông nghiệp Ba sạch Hưng Đạo đến thu mua. Ảnh: Công Hải.

Ông Lại Đức Thứ, Giám đốc HTX Nông nghiệp Ba sạch Hưng Đạo cho biết: Mô hình trồng ngô ngọt Thái Lan được HTX triển khai từ năm 2020 tại Thành phố Cao Bằng. Thấy hiệu quả, năm nay, đơn vị triển khai 100 ha tại các xã Phúc Sen, Quảng Hưng, Phi Hải (huyện Quảng Hòa). "Mục tiêu tới đây, chúng tôi sẽ liên kết trồng khoảng 300 ha ngô ngọt để đảm bảo 2.000 tấn nguyên cho đối tác sản xuất bán trong nước và xuất khẩu", ông Thứ nói.

Thời gian tới, HTX cũng sẽ phối hợp với các địa phương khuyến khích nông dân có kế hoạch mở rộng diện tích gieo trồng ngô ngọt trên các chân đất màu kém hiệu quả nhằm tăng vụ, tăng năng suất và thu nhập. HTX sẽ tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan cử cán bộ kỹ thuật về tập huấn, trực tiếp "cầm tay chỉ việc" để bà con thực hiện đúng kỹ thuật.

Xem thêm
Ngành chăn nuôi vẫn canh cánh nỗi lo 'xuất khẩu'

HÀ NỘI Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn đang canh cánh việc chưa thể xuất khẩu được nhiều sản phẩm.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Báo động thoái hóa đất Tây Nguyên: [Bài 2] Giải pháp nâng cao sức khỏe đất

Phục hồi đất thoái hóa là quá trình lâu dài, bền bỉ và cần phải có giải pháp về cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng, quản lý, khoa học công nghệ, khuyến nông...