Dự án Trồng và phục hồi rừng đầu nguồn sông Gianh tại tỉnh Quảng Bình do Công ty TNHH Xã hội Trồng và Phục hồi rừng Việt Nam (VARS) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Quản trị tài nguyên vùng cao (CEGORN) triển khai. Đến nay, dự án đã khởi động năm thứ hai và người dân trên địa bàn đã hồ hởi đón nhận và tham gia tích cực. Giá trị của dự án mang lại rất lớn cho những năm sau.
Bước vào năm thứ hai, lễ khởi động bằng việc trực tiếp trồng cây tại đất lâm nghiệp của hộ gia đình trên địa bàn thôn Xuân Phú, xã Sơn Hóa (huyện Tuyên Hóa - Quảng Bình). Ông Ngô Văn Hồng, Phó Giám đốc Công ty Trồng và Phục hồi rừng Việt Nam cho hay: “Chúng tôi tiếp tục chọn ngày 21/3 để khơỉ động vì đó là ngày tổ chức FAO kêu gọi thế giới trồng rừng”.
Trong năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, song dự án đã được chính quyền địa phương và người dân ghi nhận. Từ đó, dự án tiếp tục đặt mục tiêu trồng ít nhất 100 ha rừng cây bản địa tại huyện Tuyên Hóa và huyện Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình) vào năm thứ hai này. “Đồng thời, chúng tôi dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động ra các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam, Hòa Bình… nhằm đạt mục tiêu trồng 1.000 ha cây rừng bản địa vào năm 2030”- ông Hồng cho biết thêm.
Ngoài trồng rừng, dự án cũng tiếp tục thực hiện các hoạt động, tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong công chúng. Vận động người dân không chỉ tiếp nhận các hoạt động của dự án mà còn tự trồng và bảo vệ cây xanh, bảo vệ rừng trồng cũng như rừng tự nhiên.
Khi chương trình được khởi động ngày 21/3/2021, dự án đã trồng được 80 ha rừng với tập đoàn cây lâm nghiệp bản địa như de, lát hoa, gáo vàng, lim, vàng tâm, sưa đỏ, huỵnh… Việc trồng cây bản địa do người dân tham gia được thực hiện tại các xã Lâm Hóa, Thanh Hóa, Hương Hóa, Kim Hóa, Thanh Thạch, Sơn Hóa, Đồng Hóa, Tiến Hóa (huyện Tuyên Hóa), với tỷ lệ cây sống đạt trên 90%.
Theo ông Ngô Văn Hồng, Công ty Trồng và Phục hồi rừng Việt Nam và dự án Trồng và phục hồi rừng đầu nguồn sông Gianh đã được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu gương điển hình là một trong 3 mô hình và cách làm hay trong cả nước tại Lễ Phát động trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” (06/02/2022). “Dự án phi lợi nhuận “Trồng và Phục hồi Rừng đầu nguồn Sông Gianh” với mục đích là vận động các nguồn lực xã hội để trồng và phục hồi rừng bằng những giống cây bản địa”- ông Hồng nhấn mạnh thêm.
Trong quá trình triển khai dự án, Công ty Trồng và Phục hồi rừng Việt Nam và Trung tâm CEGORN đã phối hợp với địa phương tổ chức các hoạt đông nâng cao năng lực về kỹ thuật trồng và chăm sóc, bảo tồn rừng cho cộng đồng địa phương. Đã có gần 300 người dân các xã đã tham gia các hoạt động tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật và trở thành các nòng cốt chia sẻ lại cho người dân và cộng đồng của họ. Từ đó, vai trò, ý nghĩa của việc phục hồi rừng bằng cây lâm nghiệp bản địa trong người dân đã được nâng lên..
Dự án đã nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng và các đơn vị thông qua các hình thức góp quỹ. Tính tới đầu năm nay, đã có gần 1.200 lượt đóng góp (trong đó có 10 doanh nghiệp, tổ chức), với số tiền trên 2,6 tỷ đồng. Hiện, tại Quảng Bình đã có gần 500 hộ và cộng đồng tham gia trồng, bảo vệ rừng trong khuôn khổ của dự án.
Nhằm khuyến khích và động viên người dân, dự án đã hỗ trợ giống cây, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, hỗ trợ phân bón. Ông Đinh Văn Tư (huyện Tuyên Hóa) tham gia dự án cho hay, gia đình ông và những hộ tham gia đã được tạo điều kiện để tiếp cận với kỹ thuật trồng chăm sóc cây bản địa.
“Dự án cho chúng tôi giống, phân bón với lượng 2.2 tạ/ha. Tiền hỗ trợ trồng cây và chăm sóc năm 2,3… mức thấp nhất cũng được trên 10 triệu đồng/ha”- ông Tư chia sẻ thêm.
Ngoài trồng rừng, để đảm bảo sinh kế trước mắt, bà con cũng có thể trồng cây ngắn ngày, cây thuốc nam và thực hiện các mô hình nông lâm kết hợp dưới tán rừng để đảm bảo cuộc sống trước mắt và lâu dài.