| Hotline: 0983.970.780

Trồng rừng gỗ lớn từ cây giống ghép, rút ngắn thời gian thu hoạch

Thứ Sáu 11/08/2023 , 06:30 (GMT+7)

Từ năm 2020, tỉnh Quảng Ninh đã trồng thí điểm giống cây giổi, hồi ghép, giúp rút ngắn thời gian thu hoạch từ 10 năm xuống 3 - 4 năm.

HTX Lâm nghiệp Bền vững Ba Chẽ là đơn vị tiên phong trồng giổi ghép trên địa bàn. Ảnh: Nguyễn Thành.

HTX Lâm nghiệp Bền vững Ba Chẽ là đơn vị tiên phong trồng giổi ghép trên địa bàn. Ảnh: Nguyễn Thành.

Tỉnh Quảng Ninh hiện đang tập trung vào công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch ba loại rừng. Diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh là trên 435.000ha, chiếm gần 70% diện tích tự nhiên, trong đó có 370.000ha đất có rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 55%.

Quảng Ninh cũng đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU về phát triển lâm nghiệp bền vững đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Cụ thể, mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ có diện tích trồng rừng gỗ lớn là 5.000ha. Đến nay, diện tích trồng lim, giổi, lát trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt khoảng 2.400ha.

Để nhanh chóng hoàn thành mục tiêu trồng rừng gỗ lớn, từ năm 2020, các đơn vị chuyên môn của Sở NN-PTNT Quảng Ninh đã triển khai thí điểm trồng giống cây giổi, cây hồi ghép.

Cây giổi ăn hạt là cây gỗ lớn, có giá trị kinh tế cao, hạt giổi khô có giá 2 - 2,5 triệu đồng/kg. Thông thường, việc trồng cây giổi gieo tạo từ hạt phải trên 10 năm mới cho quả. Còn cây giổi trồng bằng nguồn giống cây ghép thì sau 3 năm có thể cho quả.

Tại xã Nam Sơn (huyện Ba Chẽ), cây giổi ghép đã được người dân trồng thử nghiệm rồi nhân rộng với diện tích hàng chục ha. Anh Đặng Văn Đạt, Giám đốc HTX Lâm nghiệp Bền vững Ba Chẽ, cho biết, qua triển khai thực tế cho thấy cây giổi ghép có ưu điểm là nhanh ra hoa, chỉ sau 3 năm trồng đã cho quả bói, từ năm thứ 4 đã bắt đầu cho thu hoạch quả.

"Chúng tôi hi vọng từ năm thứ 5 trở lên cây giổi phát triển tốt, có thể cho thu 10kg hạt/cây/năm, từ đó mang lại lợi nhuận cao. Cây giổi ghép tại Nam Sơn còn có đặc trưng là tán thấp, phân cành sớm, nên thuận tiện cho chăm sóc, thu hái", anh Đạt chia sẻ.

Trên cơ sở thành công của cây giổi ghép, từ cuối năm 2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ninh đã triển khai mô hình cây hồi ghép. Đến nay, sau 8 tháng thực hiện mô hình, tỷ lệ sống của cây đạt trên 90%; chiều cao vút ngọn 80 - 120cm; đường kính gốc đạt 1,2 - 1,5cm.

Cây giống hồi ghép có đặc điểm nhanh ra quả, khoảng năm thứ 3 sau khi trồng, phân cành thấp nên khắc phục được tình trạng cây cao khó thu hái. Cây được nhân giống bằng phương pháp vô tính (phương pháp ghép) nên giữ nguyên được đặc tính ưu trội của cây mẹ về năng suất quả, hình thái, hàm lượng, chất lượng tinh dầu.

Cây giổi ghép sau khoảng 4 - 5 tháng đã có chiều cao hơn 3m. Ảnh: Nguyễn Thành.

Cây giổi ghép sau khoảng 4 - 5 tháng đã có chiều cao hơn 3m. Ảnh: Nguyễn Thành.

Giống cây này cũng có thể cho phép hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất hồi theo hướng hữu cơ để cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm hồi, tạo vùng nguyên liệu đáp ứng xuất khẩu.

Theo ông Nguyễn Khắc Dũng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ninh, việc triển khai mô hình trồng hồi bằng giống hồi ghép rất có ý nghĩa. Bởi rừng trồng hồi hiện nay của một số địa phương phần lớn từ nguồn giống chưa qua chọn lọc và khảo nghiệm, cây giống chủ yếu gieo tạo từ hạt nên cây cao, khó thu hoạch.

Các biện pháp kỹ thuật tác động không đồng bộ, rất ít hoặc không tác động chăm sóc nên năng suất ngày càng suy giảm; kết hợp với ảnh hưởng của tuổi cây, biến đổi khí hậu dẫn đến rừng hồi bị thoái hóa, sâu bệnh, năng suất thấp, chất lượng tinh dầu không cao, hiệu quả chưa tương xứng với tiềm năng sản xuất.

Cũng theo Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh, ưu điểm của 2 mô hình giổi, hồi ghép là còn có thể trồng xen với các loại cây dược liệu, đặc biệt là sa nhân tím. Việc trồng xen này mục đích lấy ngắn nuôi dài, tiết kiệm chi phí lao động, nhân công chăm sóc, tăng hệ số sử dụng trên đơn vị diện tích, phát triển kinh tế dưới tán rừng, thực hiện chủ trương theo Nghị quyết số 19-NQ/TU về phát triển lâm nghiệp bền vững của địa phương.

Mô hình thâm canh trồng rừng gỗ lớn và chuyển đổi từ rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn đang được triển khai trên địa bàn Quảng Ninh. Đây không chỉ là cơ sở để khai thác tốt các điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội của tỉnh, mà còn mở ra triển vọng tạo hàng hóa lâm sản có tính cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế.

Xem thêm
Gìn giữ những thành lũy tre xanh mát

Bình Dương Khu bảo tồn tre lớn nhất Việt Nam - làng tre Phú An - là nơi bảo tồn nguồn gen tre lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đang gìn giữ những thành lũy xanh mát...

Vì một Tây Ninh xanh đáng đến, đáng sống

Trồng và bảo vệ rừng là một trong giải pháp giúp Tây Ninh bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu tiến tới xây dựng 'Tây Ninh xanh'.

Cần tăng đầu tư, hỗ trợ lực lượng bảo vệ rừng

Yên Bái là điểm nóng về cháy rừng, ý thức người dân chưa cao, địa hình chia cắt, lực lượng mỏng, thiếu thiết bị chuyên dụng nên công tác chống cháy rừng còn gian nan.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.