| Hotline: 0983.970.780

Trù phú một dải biển Quỳnh Phương

Thứ Sáu 10/11/2023 , 09:31 (GMT+7)

Khoảng lặng của ngành nghề thủy sản dường như chẳng thể lan đến Quỳnh Phương, dải biển trù phú vẫn duy trì đà phát triển như vũ bão, nhựa sống không ngừng sinh sôi.

Cuộc sống đủ đầy, sung túc của người dân Quỳnh Phương nhờ nguồn lợi từ biển. Ảnh: Việt Khánh.

Cuộc sống đủ đầy, sung túc của người dân Quỳnh Phương nhờ nguồn lợi từ biển. Ảnh: Việt Khánh.

Ngành nghề thủy sản cả nước đang ở giai đoạn khá trầm buồn, muôn vàn áp lực bủa vây đẩy ngư dân vào thế khó. Trong bức tranh không mấy sán lạn may thay vẫn ánh lên những nét cọ tươi tắn, lung linh hơn cả phải kể đến Quỳnh Phương, dải đất biển trù phú.

Quỳnh Phương là một phường thuộc thị xã Hoàng Mai (Nghệ An), có thế mạnh phát triển ngành nghề khai thác, chế biến thủy sản. Bao đời nay biển cả mênh mông luôn vỗ về, bồi đắp cuộc sống đủ đầy cho người Quỳnh Phương. Ngay lúc này đây, dù xoáy giữa muôn trùng vây ngư dân vẫn cậy nhờ được vốn quý.

Những con cá tươi ngon mang thương hiệu 'Quỳnh Phương' được thị trường chấp nhận và đánh giá cao. Ảnh: Việt Khánh.

Những con cá tươi ngon mang thương hiệu "Quỳnh Phương" được thị trường chấp nhận và đánh giá cao. Ảnh: Việt Khánh.

Chủ tịch UBND phường Quỳnh Phương, ông Hồ Xuân Hường thừa nhận những năm qua nghề biển đối diện với hàng tá áp lực, phần nhiều do ngư trường hạn hẹp, nguồn lợi trên biển suy giảm mà ra. Phần nữa đến từ thời tiết thất thường, bão, áp thấp triền miên. Giá thành sản phẩm giảm, giá dầu và các mặt hàng khác tăng cao. Dù vậy với sự năng động, sáng tạo và ý chí vượt khó của của chính những người trong cuộc, đất biển vẫn luôn căng tràn nhựa sống.

Ông Hường quả quyết ngành nghề thủy sản luôn là thế mạnh, là mũi nhọn kinh tế của người Quỳnh Phương. Biến động, dường như chưa kịp “lan” đến dải đất này, thể hiện qua đội ngũ phương tiện nghề cá và lao động nghề biển hùng hậu. Những lời trên không ngoa khi toàn phường có đến 730 tàu, thuyền lớn nhỏ (tăng 19 chiếc so với cùng kỳ) với suýt soát 4.000 người theo nghề.

Quỳnh Phương có đội ngũ lao động nghề biển rất hùng hậu. Ảnh: Việt Khánh.

Quỳnh Phương có đội ngũ lao động nghề biển rất hùng hậu. Ảnh: Việt Khánh.

Để duy trì hiệu quả đánh bắt cao vời vợi suốt thời gian dài rõ ràng may mắn không thôi là chưa đủ, mấu chốt là chiến lược dài hơi, bài bản dựa trên những tiềm năng, lợi thế trời ban. Khác với những vùng đánh bắt truyền thống thường chỉ tập trung vào một nghề chuyên biệt, riêng Quỳnh Phương pháy huy cùng lúc đa nghề, chủ động dàn trải phương tiện cả 3 vùng (ven bờ, vùng lộng và vùng khơi).

“Hình thức khai thác, đánh bắt của Quỳnh Phương rất đa dạng, sản phẩm đảm bảo cả về số lượng lẫn chất lượng. Bình quân hàng năm toàn phường thu hoạch xấp xỉ 20.000 tấn thủy sản các loại (khoảng 70% nguồn hàng được xuất khẩu đến các thị trường khó tính), ước tổng giá trị trên 500 tỷ đồng”, ông Hồ Xuân Hường nhấn mạnh.

Dân biển Quỳnh Phương ăn sóng nói gió, thoáng đãng trong nếp nghĩ, họ sẵn sàng chi tiền không tiếc tay nếu cảm thấy phù hợp. Tuy nhiên với kinh nghiệm dạn dày, ngư dân nơi đây thừa hiểu không nên đốt cháy giai đoạn, không thể “một phút lên tiên”, do đó số đông đều tỏ rõ sự thận trọng trong từng đường đi nước bước. Điều này thực sự phù hợp nếu đặt trong bối cảnh ngư trường ngày một cạn hẹp, nguồn lợi trên đà suy giảm không phanh.

Chủ động trong quá trình khai thác lẫn chế biến giúp người dân Quỳnh Phương nâng cao hiệu quả kinh tế. Ảnh: Việt Khánh.

Chủ động trong quá trình khai thác lẫn chế biến giúp người dân Quỳnh Phương nâng cao hiệu quả kinh tế. Ảnh: Việt Khánh.

Không nặng về hình thức, toàn phường Quỳnh Phương chỉ ghi nhận vỏn vẹn 10 chiếc tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên, trong khi số lượng tàu từ 12m trở xuống đạt trên… 400 chiếc. Dù tập trung đánh bắt khá nhiều ở vùng lộng và ven bờ nhưng ngư dân cơ bản nói không với phương thức tận diệt, họ không khai thác tầng nổi mà tập trung chủ yếu ở tầng đáy. Bằng cách này, số lượng có thể giảm nhưng chất lượng thì chẳng phải bàn, cá thu, cá bơn, ghẹ, tôm, mực... mang thương hiệu “Quỳnh Phương” đều là những mặt hàng có sức hút lớn, được thị trường trong và ngoài nước chấp nhận.

“Nhiều nước trên thế giới áp dụng quy chế rất nghiêm ngặt, họ giới hạn, cho phép một tàu được khai thác trong bao nhiêu ngày, đánh bắt tối đa bao nhiêu sản lượng, đến mùa cá đẻ thì cấm tiệt. Để tái sinh nguồn lợi chúng ta phải tính đến những khía cạnh này, nhất thiết phải chung tay gìn giữ, có như thế mới phát triển ngành nghề thủy sản theo hướng bền vững được”, Chủ tịch Hồ Xuân Hường trút bầu tâm sự.

Gia đình anh Phạm Văn Tình sống ổn nhờ nghề biển. Ảnh: Việt Khánh.

Gia đình anh Phạm Văn Tình sống ổn nhờ nghề biển. Ảnh: Việt Khánh.

Ánh nắng hanh vàng chiều cuối hạ trải khắp bến cảng lạch Cờn, xa xa gia đình anh Phạm Văn Tình đang tấp bật kiểm tra phương tiện, ngư lưới cụ để chuẩn bị cho chuyến vươn khơi sắp tới. Thoăn thoắt đôi bàn tay rắn rỏi, miệng nở nụ cười giòn tan anh Tình tếu táo ví biển cả như người tình “đỏng đảnh”, dù đôi lúc giận hờn vô cớ nhưng sâu thẳm lại chất chứa tình yêu thương mãnh liệt, giúp lòng người Quỳnh Phương thêm phần ấm êm: “Sản lượng đánh bắt vẫn duy trì ổn định, chỉ cần thị trường được giá thì dân biển chúng tôi chẳng phải lắng lo điều gì”.

Trong năm 2023 này anh Hồ Văn Sỹ, chủ tàu cá NA 90977 TS, công suất 560 CV thắng lớn. Vươn khơi tổng cộng 13 chuyến, đều như vắt tranh chuyến nào cũng trúng đậm. Lần gần nhất thu về hơn 200 triệu đồng chỉ sau 12 ngày trên biển, trừ chi phí lãi ròng hơn 120 triệu đồng. Cả chủ lẫn thuyền viên, trên tàu có 8 người đi, vị chi mỗi người nhận đủ 15 triệu.

Năm 2023 tàu cá của anh Sỹ thắng lớn, đi chuyến nào trúng đậm chuyến đó. Ảnh: Việt Khánh.

Năm 2023 tàu cá của anh Sỹ thắng lớn, đi chuyến nào trúng đậm chuyến đó. Ảnh: Việt Khánh.

Xem thêm
Hướng đến nuôi biển bền vững: [Bài 3] Nhân rộng mô hình tiên tiến

Thời gian tới, Khánh Hòa sẽ nỗ lực mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển bằng công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô, khu vực thí điểm.

Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Cùng ngư dân Trà Vinh thắp sáng đèn trên biển

Trà Vinh Những suất quà tặng bà con ngư dân gồm bình ắc quy, đèn led, combo pin, túi thuốc, cuốn cẩm nang nhằm hỗ trợ, động viên ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển