| Hotline: 0983.970.780

Trù phú vùng mía ở ‘chảo lửa’ Krông Pa

Thứ Sáu 11/08/2023 , 08:18 (GMT+7)

GIA LAI Huyện Krông Pa (Gia Lai) đã hình thành vùng chuyên canh mía quy mô lớn, thâm canh cao, chủ động tưới, năng suất có nơi lên tới 140 tấn/ha, cao gấp đôi địa phương khác.

Cánh đồng mía mênh mông tại xã Ia Mlah. Ảnh: Tuấn Anh.

Cánh đồng mía mênh mông tại xã Ia Mlah. Ảnh: Tuấn Anh.

Đến huyện Krông Pa những ngày này, mọi người dễ dàng bắt gặp những cánh đồng mía trải dài tít tắp với một màu xanh ngát. Khoảng vài năm trở lại đây, cây mía đang dần trở thành cây trồng chủ lực của địa phương khi diện tích ngày càng được mở rộng. Người dân đặt kỳ vọng cây mía sẽ giúp phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.

Cơ giới đồng bộ và thâm canh, năng suất tăng gấp đôi

Đặt chân tới xã Ia Mlah (huyện Krông Pa), chúng tôi không khỏi bất khờ trước phong trào trồng mía của người dân nơi đây. Gia đình nào trồng ít thì vài sào, nhiều lên đến hàng chục ha mía. Việc các hộ dân chọn trồng mía để phát triển kinh tế gia đình là do thời gian qua, nhiều doanh nghiệp mía đường chọn nơi đây để phát triển vùng nguyên liệu. Theo đó, doanh nghiệp hỗ trợ đầu tư cho người dân về cây giống, phân bón…, đồng thời bao tiêu sản phẩm khi thu hoạch.

Gia đình ông Lê Kim Ánh (buôn Chính Hòa, xã Ia Mlah) vào mảnh đất này lập nghiệp từ năm 1985 theo diện kinh tế mới. Lúc bấy giờ, gia đình chỉ biết trồng cây khoai mì (sắn), lúa nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Khoảng 10 năm trở lại đây, gia đình ông quyết định chuyển sang trồng mía, từng bước áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, qua đó đời sống kinh tế được nâng cao. Hiện gia đình ông Ánh có 9ha mía, trung bình hàng năm cho thu nhập khoảng gần 1 tỷ đồng.

Nhờ thâm canh, chủ động tưới, năng suất mía ở Krông Pa nhiều nơi đạt tới 140 tấn/ha, cao gấp đôi địa phương khác. Ảnh: Tuấn Anh.

Nhờ thâm canh, chủ động tưới, năng suất mía ở Krông Pa nhiều nơi đạt tới 140 tấn/ha, cao gấp đôi địa phương khác. Ảnh: Tuấn Anh.

“Ngày trước chăm sóc mía mất rất nhiều thời gian, nhất là khâu bón phân, làm cỏ. Từ ngày áp dụng cơ giới hóa, việc chăm sóc mía dễ dàng và năng suất cao hơn rất nhiều. Nếu như những năm trước, năng suất mía chỉ khoảng 50 - 60 tấn/ha thì hiện tại với việc áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt cùng hệ thống máy móc cơ giới đồng bộ nên năng suất rất cao, đạt tới khoảng 120 tấn/ha. Cùng với việc doanh nghiệp thu mua cho người dân với giá cao, người dân trồng mía thắng lợi lớn”, ông Ánh phấn khởi.

Dưới cái nắng oi ả của vùng “chảo lửa”, ruộng mía của gia đình anh Phùng Văn Hoàn (buôn Dù, xã Ia Mlah) vẫn xanh tốt, cây đều thẳng tắp. Với diện tích 2ha mía của gia đình, anh Hoàn tự tin vụ thu hoạch sắp tới sẽ cho năng suất khoảng 140 tấn/ha. Điều này có cơ sở khi mùa vụ trước, gia đình anh Hoàn chỉ trồng 5 sào mía nhưng cho năng suất 70 tấn.

“Năm nay, gia đình tôi mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm cũng áp dụng quy trình chăm sóc bài bản nên chắc chắn năng suất sẽ không thể thấp hơn. Hiện tại, nhà máy thu mua cho người dân khoảng 1.300 đồng/kg, nếu giá này giữ nguyên đến thời đểm thu hoạch thì người dân thắng lợi lớn, lợi nhuận thu về hàng trăm triệu đồng/ha”, anh Hoàn nói và cho biết, so với trồng khoai mì, cây mía dễ chăm sóc hơn mà lợi nhuận thu về cao hơn rất nhiều.

Tại xã Đất Bằng (huyện Krông Pa), những con đường nội đồng đi đến tận nơi sản xuất, cùng nguồn nước tưới dồi dào đã giúp cho cánh đồng mía nơi đây ngày càng trù phú hơn.

Người dân xã Đất Bằng đang chuyển đổi mạnh mẽ từ khoai mì sang trồng mía. Ảnh: Tuấn Anh. 

Người dân xã Đất Bằng đang chuyển đổi mạnh mẽ từ khoai mì sang trồng mía. Ảnh: Tuấn Anh. 

Gia đình ông Hà Văn Phước (buôn Ia Rnho, xã Đất Bằng) trồng hơn 5ha mía theo hình thức liên kết với doanh nghiệp. Mùa vụ trước, trung bình 1ha gia đình ông Phước thu hoạch được khoảng gần 100 tấn mía nguyên liệu, lợi nhuận thu về hơn 60 triệu đồng. Nhận thấy cây mía cho lợi nhuận cao, mùa vụ năm nay, gia đình ông quyết định đi thuê thêm đất để trồng mới 2,8ha.

“Đối với những diện tích trồng mới, doanh nghiệp đến khảo sát, đo đạc để đầu tư. Trung bình 1ha, doanh nghiệp đầu tư cho người dân cây giống, phân bón… quy đổi thành tiền khoảng 30 triệu đồng. Cùng với đó, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm nên người dân rất thuận lợi khi đầu tư trồng mía”, ông Hà Văn Phước cho biết.

Sức bật cánh đồng mía lớn

Những năm qua, nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng nông thôn mới và nâng cao hiệu quả sản xuất, huyện Krông Pa đã tập trung triển khai xây dựng cánh đồng lớn đối với một số loại cây trồng, trong đó có cây mía.

Năm 2017, xã Ia Mlah đã tiên phong triển khai thí điểm mô hình cánh đồng mía lớn. Thế mạnh của xã là có diện tích đất sản xuất rộng lớn và được hưởng lợi từ công trình thủy lợi Ia Mlah nên nguồn nước luôn được đảm bảo. Nhờ đó, việc áp dụng cơ giới hóa từ khâu làm đất, xuống giống, chăm sóc cho đến khi thu hoạch rất thuận lợi, năng suất lại vượt trội so với phương thức sản xuất trước đây.

Ông Kso Luân, Chủ tịch UBND xã Ia Mlah cho biết, địa phương có rất nhiều thuận lợi để phát triển trồng mía. Nơi đây có hệ thống thủy lợi Ia Mlah nên người dân không phải lo đến nguồn nước tưới. Bên cạnh đó, tại địa bàn hiện có 2 nhà máy mía đường đến đầu tư liên kết cùng người dân phát triển vùng nguyên liệu.

“Từ ngày phát triển kinh tế từ cây mía, cuộc sống của bà con nơi đây đã thay đổi rất nhiều. Cây mía cho năng suất, thu nhập cao hơn rất nhiều so với trồng khoai mì, từ đó, đời sống của người dân đã được cải thiện”, ông Luân thông tin.

Cây mía rất phù hợp trồng tại vùng đất Krông Pa. Ảnh: Tuấn Anh.

Cây mía rất phù hợp trồng tại vùng đất Krông Pa. Ảnh: Tuấn Anh.

Ông Hồ Văn Thảo, Chủ tịch UBND huyện Krông Pa cho biết, trên địa bàn huyện có trên 2.000ha mía. Dự kiến, hàng năm diện tích trồng mía sẽ tiếp tục tăng từ 500 - 1.000ha.

Theo ông Thảo, huyện Krông Pa có khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp cho cây mía phát triển. Đặc biệt thời gian qua, cây mía được các doanh nghiệp hỗ trợ trồng theo phương phát khoa học, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nên cho năng suất, chất lượng vượt trội. So với các địa phương khác, cây mía tại huyện Krông Pa cho năng suất cao gần gấp đôi, giao động từ 100 - 140 tấn/ha.

Ông Hồ Văn Thảo, Chủ tịch UBND huyện Krông Pa cho biết: “Để phát triển cây mía bền vững, rất cần sự chung tay của các doanh nghiệp nhằm hỗ trợ đầu tư, định hướng thị trường, phát triển vùng nguyên liệu theo chuỗi giá trị. Về phía nhà nước, chúng tôi sẽ hỗ trợ giúp người dân về nguồn nước tưới và phát triển hạ tầng giao thông để thuận lợi trong việc thu hoạch, vận chuyển”.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.