| Hotline: 0983.970.780

Trùng Khánh sau cơn lũ lớn chưa từng thấy

Thứ Hai 22/07/2019 , 18:54 (GMT+7)

Từ 14-15/7, ở huyện Trùng Khánh bị lũ lớn chưa từng thấy, khiến người dân không kịp trở tay. Trận lũ lịch sử đã gây ra thiệt hại nặng nề, làm đảo lộn cuộc sống của người dân nơi đây.

Là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề về tài sản sau cơn lũ lịch sử, gần trăm ngôi nhà ở thị trấn Trùng Khánh (Trùng Khánh, Cao Bằng) bị ngập sâu trong nước nhiều giờ đồng hồ.

Trong ngôi nhà cấp bốn nhỏ của ông Đinh Việt Hùng, tổ 1, thị trấn Trùng Khánh, các thành viên trong gia đình vẫn đang dọn dẹp lại các đồ đạc bị ngập nước, ai nấy đều tỏ vẻ thất thần, chưa hết bàng hoàng vì nước lũ lên sáng ngày 15/7.

Ông Hùng cho biết: Mưa kéo dài từ đêm nhưng lưu lượng nhỏ, đến tầm hơn 4 giờ sáng thì mưa bắt đầu lớn, đến tầm gần 7 giờ sáng thì nước tràn về như thác đổ ngập vào nhà khoảng 40 cm. Cả nhà tôi vội vàng đi dọn dẹp, khiêng các đồ vật có giá trị như tủ lạnh, máy giặt lên cao. Còn nhiều vật dụng như xe máy, bàn ghế thì không có chỗ cất nên đành để nước ngập.

Còn anh Hoàng Duy Thọ, tổ 2, thị trấn Trùng Khánh thì liên tục đi kiểm tra đàn lợn thịt, lợn nái hơn 20 con xem có con nào bị chết không.

Anh Thọ chia sẻ: Gia đình tôi là số ít gia đình còn lợn sau đợt dịch tả lợn Châu Phi. Sáng sớm ngày 15/7 khi nước tràn ầm ầm vào nhà, gia đình tôi vội vàng kê cao hết đồ đạc có giá trị trong nhà, lắp thêm ván trong chuồng lợn để đàn lợn không bị ngập nước. Nhờ những nỗ lực như vậy đã hạn chế thiệt hại do lũ gây ra.

Nhiều ngôi nhà ở thị trấn Trùng Khánh bị nước ngập sâu hơn 1m thời điểm lũ đỉnh điểm sáng ngày 15/7.

Là một trong những điểm bị ngập sâu và gây thiệt hại nhất thị trấn Trùng Khánh là khu vực tổ 3, thị trấn Trùng Khánh. Đến khách sạn, nhà hàng Đình Văn, chúng tôi thấy hơn chục nhân viên khách sạn đang dọn dẹp khu vực bị ngập dưới tầng 1.

Chị Trần Thị Huệ, chủ khách sạn tâm sự: Hàng năm thời điểm mùa mưa vẫn có hôm mưa ngập vào sân khách sạn nhưng không đáng kể và gây thiệt hại gì. Ngay từ đầu mùa mưa, nắm bắt thời tiết thất thường, gia đình tôi đã cho nhân viên kê các loại tủ lạnh, tủ đông, máy giặt công nghiệp lên cao hơn mọi khi để đề phòng mưa ngập nhưng không nghĩ nước ngập nhanh và lớn đến thế. Mưa to từ sáng sớm kéo dài đến 7 giờ thì nước ngập vào gần ngập cả tầng 1 khách sạn làm chúng tôi trở tay không kịp. 3 ô tô, hơn 30 xe máy của khách và gia đình cùng hàng chục chiếc tủ lạnh, máy giặt, bếp ga, bàn ghế… bị nước lũ cuốn trôi. Ngoài ra, hơn 50 m tường bao quanh khách sạn bị nước cuốn đổ, nhiều cửa kính cường lực cũng bị vỡ. Ước tính thiệt hại lần này của gia đình lên đến vài trăm triệu đồng.

Ông Hoàng Văn Sư - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Trùng Khánh thông tin: Trận lũ này thị trấn Trùng Khánh bị thiệt hại nặng nhất. Gần 100 nhà bị hư hỏng, khoảng 30 ha lúa, cây trồng bị ngập, nhiều tuyến đường từ thị trấn đi các xã bị tắc nghẽn do sạt lở. Ước tính thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng.

Cùng với thị trấn Trùng Khánh, các xã Cảnh Tiên, Đức Hồng, Khâm Thành… cũng bị ngập lụt cục bộ kéo dài. Theo số liệu báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Trùng Khánh, trận mưa lũ ngày 15/9 làm 1 người thiệt mạng do sạt lở đất; hơn 150 nhà bị ngập úng, sạt lở làm hư hỏng nhiều đồ đạc; hơn 500 cây trồng (chủ yếu là lúa, ngô) bị ngập nước; 15 điểm đường giao thông bị sạt lở, ngập úng; khối lượng đất đá sạt lở hơn 5.000 m… gây thiệt hại nhiều tỷ đồng.

Hình ảnh nhiều diện tích hoa màu bị cơn lũ lịch sử nhấn chìm.

Ông Nguyễn Thành Hải, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện Trùng Khánh cho biết: Ngay khi có thông tin lũ lụt tràn về các địa phương trong huyện, Ban Chỉ huy huyện đã huy động lực lượng quân sự, công an, dân quân tự vệ cùng các lực lượng khác đến các điểm sạt lở hỗ trợ công tác giải phóng giao thông, đưa người nạn ra khỏi địa điểm sạt lở.

Theo ông Hải, mọi năm chỉ có các xã biên giới như Đàm Thủy, Ngọc Côn bị nước lũ tràn về gây ngập lụt. Năm nay mưa lớn chủ yếu tại khu vực thị trấn và các xã lân cận, lượng mưa lại lớn, có thời điểm lên đến 169 mm làm nước dâng lên nhanh, hệ thống thoát nước ở thị trấn lại xuống cấp, không đáp ứng thoát nước kịp nên đã gây ra tình trạng ngập lụt tại thị trấn cùng nhiều địa phương lân cận.

Giải phóng đất đá sạt lở tại các tuyến đường giao thông đang được tích cực triển khai.

Giải pháp cụ thể được lãnh đạo địa phương tính tới để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, như đợt mưa lũ lịch vừa qua, địa phương cần huy động để nâng cấp và xây dựng hệ thống thoát nước, kênh mương. Còn hiện tại, huyện đã và đang triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ người dân vùng lũ yên tâm, ổn định cuộc sống.

Xem thêm
Hà Lan sẵn sàng giúp Việt Nam đạt mục tiêu về xuất khẩu nông sản

Trưa 19/3, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan họp song phương với đoàn công tác Hà Lan do Bộ trưởng Chính sách Tự nhiên và Nitơ Christianne van der Wal dẫn đầu.

Đồng Tháp đặt mục tiêu thành tỉnh kiểu mẫu nông nghiệp sinh thái

Mục tiêu là biến Đồng Tháp trở thành địa phương dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực nông nghiệp và trở thành trung tâm nông nghiệp, du lịch sinh thái của vùng ĐBSCL.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Rủ nhau đi hái lộc rừng

Quảng Bình Cứ vào tháng Ba hàng năm, nhiều người dân sống ở các xã Quảng Kim, Quảng Châu, Quảng Hợp (Quảng Trạch, Quảng Bình) rủ nhau lên rừng hái dâu và có nguồn thu đáng kể.