| Hotline: 0983.970.780

Trung Quốc biến đất ngập mặn thành đất màu mỡ, năng suất tăng 30%

Thứ Ba 27/02/2024 , 14:08 (GMT+7)

Chuyên gia Lý Ngọc Di và nhóm nghiên cứu tại Học viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc vừa công bố phương pháp xử lý đất ngập mặn mới, giúp tăng năng suất 30%.

Các chuyên gia nông nghiệp thu hoạch lúa chịu mặn ở khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Các chuyên gia nông nghiệp thu hoạch lúa chịu mặn ở khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Các nhà khoa học lấy thân cây có chiều dài khoảng 5 - 15cm và đặt chúng nằm ngang dưới mặt đất ở độ sâu từ 30 - 40cm, nhằm ngăn muối nổi lên bề mặt. Sau đó, họ trải một lớp nhựa lên mặt đất để giúp giữ độ ẩm cho đất.

Sau khi xử lý theo cách trên, hàm lượng muối trong đất đã giảm trung bình 36% và năng suất cây trồng tăng 30,5%, theo báo cáo đăng trên Nhật báo Khoa học và Công nghệ hôm 24/2.

Theo báo cáo, nhóm nghiên cứu đã dành hơn một thập kỷ để nghiên cứu các biện pháp xử lý đất mặn trên khắp Trung Quốc, bao gồm các tỉnh Sơn Đông và Hắc Long Giang, đồng thời tìm ra nhiều phương pháp phục hồi đất phù hợp với điều kiện của từng địa phương.

Trung Quốc đứng thứ 3 thế giới về diện tích đất mặn, với khoảng 100 triệu ha. Khoảng 1/3 trong đó được đánh giá là có tiềm năng sử dụng bằng các biện pháp xử lý đất hoặc thay đổi cách thức canh tác.

Phần lớn diện tích đất này ở các khu vực khô cằn và bán khô cằn tại miền trung và miền tây Trung Quốc, bao gồm các tỉnh Thanh Hải, Nội Mông và khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương.

Từ những năm 1950, Trung Quốc đã khởi động các chiến dịch trên toàn quốc nhằm xử lý đất mặn và kiềm. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề cập đến vấn đề này trong một bài phát biểu hồi tháng 7/2023: "Do Trung Quốc có rất nhiều đất mặn và xu hướng nhiễm mặn đất nông nghiệp đang tồi tệ hơn ở một số khu vực, việc tiến hành cải thiện toàn diện và sử dụng hiệu quả đất nhiễm mặn là điều rất quan trọng".

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Tân Văn Xã (CNS), Mã Ngụy, một nhà khoa học tại Học viện Khoa học Nông nghiệp tỉnh Cát Lâm, lưu ý rằng Trung Quốc hiện có hơn 40 phương pháp và công nghệ để xử lý đất nhiễm mặn.

"Nhiều quốc gia đang hành động và đi tiên phong trong việc phát triển và quản lý đất bị ảnh hưởng", ông Mã Ngụy nói.

Theo ông Mã Ngụy, Trung Quốc đã chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ tiên tiến để giải quyết vấn đề đất nhiễm mặt cho các nước tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường cùng nhiều nước đang phát triển khác. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đang học hỏi từ những nước phát triển khác và đã thử nghiệm các giống lúa có gen chịu mặn từ Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và các nước khác.

Với dân số 1,4 tỷ người, an ninh lương thực là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Trung Quốc. Nước này đặt mục tiêu tăng năng suất cây trồng và duy trì diện tích gieo trồng nhằm hoàn thành các mục tiêu về nông nghiệp được đề ra cho năm 2024, sau khi sản lượng ngũ cốc trong năm 2023 đạt mức cao kỷ lục.

Giới chức nước này cam kết đảm bảo tổng sản lượng ngũ cốc trong năm 2024 đạt trên 650 triệu tấn, mức Trung Quốc liên tục vượt qua kể từ năm 2015. Bắc Kinh ưu tiên tự lực nông nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu khiến thời tiết ngày càng khắc nghiệt và thị trường lương thực thế giới đầy bất ổn.

Tại cuộc họp công tác xây dựng nông thôn hồi đầu năm, ông Tập Cận Bình mô tả đất nông nghiệp là "huyết mạch" của Trung Quốc và kêu gọi tăng cường đầu tư vào đất nông nghiệp "chất lượng cao".

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), hơn 833 triệu ha đất trên khắp thế giới đã bị nhiễm mặn, chiếm khoảng 9% bề mặt đất Trái đất. Theo FAO, các hoạt động nông nghiệp không bền vững và khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, cũng như dân số thế giới ngày càng tăng, đã gây áp lực ngày càng lớn lên tài nguyên đất, gây ra tỷ lệ suy thoái đất đáng báo động trên toàn thế giới.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Nga phá âm mưu của Ukraine nhằm cướp trực thăng tác chiến điện tử

Quân đội Nga đã ngăn chặn một nỗ lực của tình báo Ukraine nhằm cướp một máy bay trực thăng tác chiến điện tử, một phi công và một nguồn tin an ninh cho biết.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.