Cuộc tổng điều tra ba năm một lần nhằm đạt được khả năng tự chủ về nguồn giống cây trồng, vật nuôi của Trung Quốc đã bắt đầu từ tháng 3 năm 2021 tập trung vào các nguồn giống cây trồng, gia súc, gia cầm và thủy sản trong nước trong bối cảnh quốc gia đông dân số nhất hành tinh tiếp tục các nỗ lực nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi.
Vấn đề hiện đã được Bắc Kinh dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình nâng lên thành một mục tiêu quan trọng của chiến lược an ninh lương thực, an ninh quốc gia.
Sau nhiều tháng ròng điều tra, nghiên cứu, đến nay cuộc tổng điều tra giống cây trồng, vật nuôi đã thu thập được hầu hết các loại giống cây trồng bản địa ở 2.323 quận huyện, cũng như vật nuôi và nguồn lợi thủy sản ở hơn 95% các làng xã và thu được những thành quả lớn.
Trong cuộc họp báo vào hôm 23/11, ông Sun Haoqin, một quan chức của Bộ Nông nghiệp và Nông thôn cho biết: Sau khi kết thúc quá trình kéo dài một tháng, Bộ đã công bố danh sách 10 nguồn gen cao cấp hàng đầu trong các ngành trồng trọt, gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản, cũng như 10 nguồn gen gia súc và gia cầm xuất sắc nhất ở vùng cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng.
Đáng chú ý, trong cuộc tổng điều tra giống nông nghiệp lần này, nhiều nguồn gen mới, bao gồm 20.800 nguồn gen cây trồng, 18 nguồn gen gia súc, gia cầm và hơn 30.000 nguồn gen giống thủy sản, đã được nhận dạng và đưa vào bảo tồn.
Ông Sun nói: “Việc bảo vệ và khám phá các nguồn tài nguyên giống bản địa quý đã trở thành một nhiệm vụ cấp bách đối với ngành công nghiệp hạt giống để đạt được khả năng tự lực và sự hồi sinh của ngành”.
Trước đó Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ quan trọng trong việc xây dựng ngân hàng nguồn gen quốc gia, nhất là bộ nguồn gen giống cây trồng quốc gia đã được hoàn thiện và đưa vào vận hành thử nghiệm vào tháng 9.
Năng lực bảo quản của quốc gia này hiện đứng đầu thế giới cả về dung lượng và thời gian bảo quản, với công suất thiết kế là 1,5 triệu mẫu bản và thời gian bảo quản là 50 năm, theo Bộ Nông nghiệp và Nông thôn.
Ông Sun cho biết, việc xây dựng ngân hàng nguồn giống quốc gia là một trụ cột quan trọng để đảm bảo việc bảo tồn chiến lược lâu dài các nguồn gen nông nghiệp của Trung Quốc và nó đóng một vai trò không thể thay thế trong việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và sự phát triển bền vững của đất nước.
Theo dữ liệu từ bộ chủ quản, nhìn chung, nguồn cung cấp hạt giống của Trung Quốc hiện được đảm bảo, với 100% khả năng tự cung tự cấp của hai loại cây trồng chính là gạo và lúa mì. Tuy nhiên, những điểm yếu trong ngành hạt giống của Trung Quốc vẫn còn tồn tại như ớt, hành, cà rốt, cà chua và nhiều loại giống rau khác vẫn phụ thuộc vào nguồn hạt giống nhập ngoại.
Dữ liệu từ Hiệp hội Thương mại Hạt giống Trung Quốc, tính đến năm 2019, hơn 80% hạt giống bông cải xanh đã được nhập khẩu. Trong 10 tháng đầu năm 2021, Trung Quốc đã nhập khẩu nguồn hạt giống trị giá 412,6 triệu USD, trong đó tổng kim ngạch nhập khẩu hạt giống rau là 121 USD.
Theo ông Wang Zuli, phó viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển Nông nghiệp thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc, hiện các giống gà thịt lông trắng của nước ngoài có tỷ lệ chuyển hóa thức ăn cao và hiệu quả sản xuất cao hơn khoảng 20% so với giống gà thịt lông vàng trong nước.
“Điều này là do Trung Quốc xuất phát tương đối muộn trong ngành công nghiệp nhân giống, nên có thể sẽ mất khá nhiều thời gian để bắt kịp, đồng thời cần nỗ lực để nâng cao khả năng xác định các gen tốt của bộ nguồn gen quốc gia và nâng cao bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong ngành giống cây trồng để hướng đến có các công ty hạt giống đẳng cấp thế giới”, ông Wang nói.