| Hotline: 0983.970.780

Trung Quốc hạ thuỷ tàu sân bay tự đóng

Thứ Năm 27/04/2017 , 11:35 (GMT+7)

Ngày 26/4, truyền thông Trung Quốc hoan hỉ đưa tin quân đội nước này đã hạ thuỷ tàu sân bay tự đóng đầu tiên. Đây được đánh giá là bước tiến mới trong công nghệ Hải quân của Trung Quốc.

Hân hoan

Chinadaily đưa tin con tàu được hạ thuỷ hồi 9h sáng ngày 26/4 (giờ địa phương) tại cảng Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh. Tham dự lễ hạ thuỷ có Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quân uỷ Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long và một loạt quan chức cấp cao trong quân đội. Ông Tập Cận Bình, Chủ tịch Uỷ ban Quân uỷ Trung ương không có mặt.

Lễ hạ thuỷ tàu sân bay tự đóng đầu tiên của Trung Quốc hôm 26/4. (Ảnh: CCTV)

AFP cho biết con tàu hiện chưa được đặt tên, tạm gọi là Type -001A. Tàu dài 315m, rộng lớn nhất 75m, có lượng choán nước khoảng 70.000 tấn. Trước đó, quân đội Trung Quốc thông báo con tàu có lượng choán nước 50.000 tấn. Đây là tàu sân bay thứ 2 của Trung Quốc, hơi giống tàu Liên Ninh được Trung Quốc mua lại từ Ukraine năm 1998, bàn giao lại cho quân đội năm 2012. Tàu Liêu Ninh thực chất được sản xuất từ thời Xô-viết.

So với Liêu Ninh, chiếc Type-001A lớn hơn một chút, có thể chở nhiều chiến đấu cơ J-15 của Trung Quốc, bãi đỗ trực thăng và các loại chiến đấu cơ khác lớn hơn. Khả năng tác chiến của Type-001A được đánh giá tốt hơn Liêu Ninh. Tờ Hoàn Cầu thời báo tiết lộ, Trung Quốc hiện đang tiến hành đóng chiếc tàu sân bay thứ 3, Type-002, có thiết kế giống tàu sân bay của Mỹ hơn là của Nga. AFP dẫn lời giới phân tích nhận định, việc hạ thuỷ Type-001A cho thấy Trung Quốc đã làm chủ công nghệ đóng tàu sân bay. Bắc Kinh cũng gia nhập nhóm một số ít quốc gia sở hữu tàu sân bay như trên gồm Mỹ, Nga và Anh.

Sự kiện hạ thuỷ Type-001A đã được công chúng Trung Quốc đón nhận rất hoan hỉ. Trên trang mạng xã hội Weibo, một người dùng viết: “Đây là biểu tượng năng lượng công nghệ, công nghiệp và sức mạnh tổng thể của Trung Quốc”. Một tài khoản khác nhắc lại sự kiện Trung Quốc bị Nhật Bản đánh bại ở thế kỷ 19, trước khi sung sướng tuyên bố một nước Trung Quốc vĩ đại cuối cùng đã có loại vũ khí lớn của chính mình. “Đây là thời khắc sẽ được ghi vào lịch sử Trung Quốc”-AFP trích lại một ý kiến khác trên mạng xã hội Trung Quốc.

SCMP mô tả, buổi lễ hạ thuỷ tàu sân bay Type-001A được bắt đầu với màn ném chai sâm-panh về phía mũi tàu, những con tàu khác cất tiếng hú, quốc ca Trung Quốc được cử lên.
 

Chưa thể đua tranh với Mỹ

Bất chấp những ca ngợi của truyền thông Trung Quốc, giới chuyên gia phân tích cho rằng, việc hạ thuỷ Type-001A mang tính chất biểu tượng nhiều hơn là thực tế tác chiến.

Theo AFP, Type-001A cần trang bị thêm và ít nhất 2 năm nữa mới có thể đi vào tác chiến thực sự. Ở góc độ nào đấy, việc hạ thuỷ con tàu cho thấy Trung Quốc đã đạt được bước tiến nhất định trong chiến lược hiện đại hoá Hải quân.

Bắc Kinh cũng có thể sử dụng Type-001A để thị uy với các quốc gia láng giềng trong khu vực, đặc biệt ở Biển Đông. Tuy nhiên nếu đặt cạnh đối thủ chính Trung Quốc hướng tới ở Thái Bình Dương-Hải quân Mỹ-năng lực tác chiến của Hải quân Trung Quốc còn kém xa, nếu không muốn nói là đang bị tiếp tục nới rộng.

“Trong khi hân hoan đón chào việc hạ thuỷ con tàu sân bay tự đóng đầu tiên, Trung Quốc cần nhớ Mỹ sắp triển khai tàu sân bay tối tân lớp Ford tới châu Á-Thái Bình Dương”-chuyên gia Li Jie thuộc Viện nghiên cứu Hải quân Bắc Kinh cho biết.

Chiếc tàu sân bay ông Li Jie nhắc tới là USS Gerald R.Ford, có chi phí đóng gần 13 tỉ USD, lượng choán nước gần 100.000 tấn, được trang bị những loại vũ khí chiến đấu tối tân nhất.

James Char, chuyên gia phân tích quân sự thuộc Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (Singapore) nhận định, Trung Quốc “khó có khả năng đe doạ Mỹ, nếu nhìn vào hệ thống tàu sân bay Mỹ đang sở hữu”. Theo ước đoán của một số chuyên gia, khả năng tác chiến của Hải quân Trung Quốc chỉ tương đương 4% so với Hải quân Mỹ.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Tướng Israel tiết lộ chi phí đánh chặn 'mưa tên lửa' của Iran

Tướng Israel Reem Aminoach cho rằng Israel hôm 13/4 đã phòng thủ thành công, song chi phí cho việc phòng thủ lớn gấp 10 lần những gì Iran đã bỏ ra.

Bùng nổ thị trường thú cưng và chăm sóc thú cưng

Lần đầu tiên Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng được tổ chức tại TP.HCM với sự tham gia của 12 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm