| Hotline: 0983.970.780

Trung tâm Đào tạo nghiệp vụ GTVT lộng quyền: Đột ngột thay đổi chính sách

Thứ Ba 02/08/2022 , 09:32 (GMT+7)

Bình Định Sau khi lắp đặt máy giám sát hành trình, không thể còn gian dối km thực hành lái xe như trước, ông giám đốc thay đổi cơ chế trả lương khiến giáo viên bức xúc.

Người lao động lo lắng

Trung tâm Đào tạo nghiệp vụ giao thông vận tải (GTVT) Bình Định là đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc Sở GTVT. Từ trước đến nay, giáo viên công tác tại Trung tâm Đào tạo nghiệp vụ GTVT Bình Định được hưởng lương theo hệ số. Mỗi đầu năm, đơn vị này tổ chức đại hội viên chức và người lao động công bố quy chế hoạt động trong năm. Đầu năm 2022, trong đại hội viên chức và người lao động, Trung tâm Đào tạo nghiệp vụ GTVT Bình Định đã công bố quy chế hoạt động, nhưng không có sự thay đổi về cơ chế trả lương.

Thế nhưng mới đây, vào ngày 16/7/2022, ông Chung Thành Ngà, Giám đốc Trung tâm Đào tạo nghiệp vụ GTVT Bình Định, tổ chức họp viên chức và người lao động với khoảng hơn 100 người đang công tác tại cơ sở 1 đóng tại 361 đường Tây Sơn (TP. Quy Nhơn, Bình Định). Tại cuộc họp này, ông Chung Thành Ngà đột ngột công bố từ nay sẽ thay đổi cơ chế trả lương. Sự thay đổi này đã khiến nhiều giáo viên lo lắng vì thu nhập của giáo viên sẽ không còn ổn định như trước đây.

Bây giờ, nếu giáo viên có dạy vượt giờ cũng không còn được nhận tiền vượt giờ như trước đây. Ảnh: V.Đ.T.

Bây giờ, nếu giáo viên có dạy vượt giờ cũng không còn được nhận tiền vượt giờ như trước đây. Ảnh: V.Đ.T.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều giáo viên của Trung tâm Đào tạo nghiệp vụ GTVT Bình Định, cho biết: “Với hệ số lương của chúng tôi, mỗi tháng chúng tôi được nhận 7,7 triệu đồng. Hàng tháng, mỗi giáo viên còn được ứng trước 2 triệu đồng trong tiền dạy vượt giờ. Mỗi năm chúng tôi dạy 3-4 khóa học, tiền vượt giờ được trả khoảng 50-60 triệu đồng. Đến cuối năm, sau khi tính tiền ứng trong năm, số còn lại của tiền vượt giờ chúng tôi được nhận tiền mặt. Sau cuộc họp ngày 16/7 vừa qua, giám đốc Chung Thành Ngà quyết định không trả lương cho giáo viên theo hệ số như trước đây, mà thu nhập của giáo viên tùy thuộc vào sản phẩm.

Theo trình bày của nhiều giáo viên, từ nay, ông Chung Thành Ngà sẽ áp dụng mức lương trả cho giáo viên theo kiểu: Đối với hạng xe B1, B2 (xe con), từ lúc học viên bắt đầu thực hành lái xe đến khi thi, giáo viên sẽ được hưởng 3.345.000đ/học viên, với điều kiện hồ sơ của học viên đó phải do chính giáo viên ấy khai thác, nộp cho Trung tâm. Nếu học viên đó do người khác nhận hồ sơ, thì giáo viên chỉ được nhận 2.345.000đ, Trung tâm sẽ thu về 1 triệu để trả cho người khai thác hồ sơ. Nhưng để nhận được 2.345.000đ, học viên ấy phải thi đạt kỳ thi tốt nghiệp và kỳ thi sát hạch quốc gia để được Sở GTVT cấp giấy phép lái xe. Nếu học viên ấy thi không đạt, thì giáo viên bị Trung tâm Đào tạo nghiệp vụ GTVT trừ thêm 500.000đ nữa, vị chi giáo viên trực tiếp hướng dẫn cho học viên ấy chỉ còn nhận được 1.845.000đ.

“Trong cuộc họp ngày 16/7 vừa qua, khi ông Ngà công bố cơ chế trả lương mới nhiều giáo viên phản ứng, không đồng thuận, nhưng ông Ngà không nghe ý kiến của anh em, cứ một mực thực hiện”, 1 giáo viên bức xúc nói.

Giáo viên nào khi hướng dẫn học viên cũng nhiệt tình, nhưng nếu học viên ấy không hoàn thành khóa học giáo viên phải bị trừ 500.000đ. Ảnh: V.Đ.T.

Giáo viên nào khi hướng dẫn học viên cũng nhiệt tình, nhưng nếu học viên ấy không hoàn thành khóa học giáo viên phải bị trừ 500.000đ. Ảnh: V.Đ.T.

 

Sau cuộc họp thông báo thay đổi cơ chế trả lương vào ngày 16/7 tại cơ sở 1 ở Quy Nhơn, ngày 20/7 ông Ngà tiếp tục tổ chức cuộc họp tại cơ sở 2 ở phường Bồng Sơn (thị xã Hoài Nhơn) cũng với nội dung trên. Tương tự như cuộc họp tại cơ sở 1, giáo viên của cơ sở 2 cũng phản ứng mạnh mẽ, không đồng thuận với cách không trả lương theo hệ số, mà trả lương theo sản phẩm ông Ngà mới đề ra.

Giáo viên kiêm nhiệm nhân viên khai thác thị trường?

Nhiều giáo viên bức xúc trình bày với chúng tôi về cơ chế trả lương mới ông Ngà vừa ban hành: Nếu giáo viên nào khai thác được 10 hồ sơ, sau khóa học kéo dài 2 tháng sẽ được nhận 33 triệu đồng. Nhưng nếu khóa học ấy giáo viên dạy 10 học viên, nhưng trong 10 học viên ấy giáo viên hướng dẫn chỉ khai thác được có 5 hồ sơ, hồ sơ của 5 học viên kia do người khác khai thác, giáo viên ấy sẽ bị trừ 5 triệu đồng, mỗi hồ sơ không tự mình khai thác bị trừ 1 triệu đồng, xong khóa học giáo viên chỉ còn nhận được 28 triệu đồng.

Ấy là khoản thu nhập duy nhất của giáo viên, chứ từ nay giáo viên không còn được nhận những khoản thưởng lễ, tết và tiền dạy vượt giờ như trước đây. Nói về tiền vượt giờ, 1 giáo viên bức xúc cho biết ông Ngà trả cho giáo viên theo cảm tính, không theo quy chế nào, thế nên mới có chuyện có người mỗi năm nhận đến 50-60 triệu đồng tiền dạy vượt giờ, có người chỉ nhận có 1,5 triệu đồng, có người còn âm lương. Trước đây, tiền vượt giờ được Trung tâm thể hiện hết trong1 danh sách chung, giáo viên nào nhận thì ký vào, sau đó để tránh việc giáo viên khiếu nại người được nhận nhiều người được nhận ít, dù ai cũng dạy vượt giờ như nhau, ông Ngà chỉ đạo làm phiếu chi tiền vượt giờ cho từng giáo viên, tiền ai nhận người ấy biết.

Bảng giá học phí từ ngày 1/4/2022 trở về trước. Ảnh: V.Đ.T.

Bảng giá học phí từ ngày 1/4/2022 trở về trước. Ảnh: V.Đ.T.

“Chưa hết, để nhận được 28 triệu đồng/10 học viên, với điều kiện cả 10 học viên phải hoàn thành khóa học. Giáo viên nào xui rủi trong khóa học ấy có 4 học viên thi không đạt thì sẽ bị trừ thêm 2 triệu nữa. Cách trả lương này chẳng khác nào đánh đồng thu nhập của giáo viên đã thâm niên trong ngành với giáo viên mới vào nghề, đây là bức xúc lớn nhất của chúng tôi. Điều phi lý là cơ quan là đơn vị sự nghiệp có thu, thế nhưng không biết dựa vào quy chế nào mà ông Ngà đột ngột quyết định không trả lương theo hệ số mà trả theo sản phẩm như đây là 1 đơn vị tư nhân”, 1 giáo viên thắc mắc bày tỏ.

Hầu hết giáo viên phản ứng mạnh nhất là về khoản trừ 500.000đ nếu học viên thi không đạt, không hoàn thành khóa học. Bởi, khi dạy thì giáo viên nào cũng tận tình, nhưng mức độ tiếp thu của mỗi học viên khác nhau, nên ít có khóa học nào học viên thi đạt 100%.

“Phi lý nhất là dù không hoàn thành khóa học, không nhận được giấy phép lái xe nhưng học viên ấy cũng đã nộp đủ tiền học phí cho Trung tâm, vậy thì trừ 500.000đ để làm gì. Nhiều giáo viên ý kiến nếu học viên ấy thi không đạt thì giao cho giáo viên đó tiếp tục kèm cặp, hướng dẫn thêm đến khi thi đạt chứ không nên trừ tiền, nhưng ông Ngà vẫn quyết định trừ 500.000đ và giao học viên ấy cho giáo viên khác dạy khóa kế tiếp.”, 1 giáo viên bức xúc.

Bảng giá học phí từ ngày 1/4/2022 về sau đang tăng để đối phó với giá nhiên liệu tăng cao. Ảnh: V.Đ.T.

Bảng giá học phí từ ngày 1/4/2022 về sau đang tăng để đối phó với giá nhiên liệu tăng cao. Ảnh: V.Đ.T.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.