| Hotline: 0983.970.780

Trung tâm Môi trường và Dịch vụ đô thị Kon Rẫy bán nước đục cho dân

Thứ Sáu 23/06/2023 , 07:58 (GMT+7)

Dự án cấp nước sinh hoạt tự chảy cho người dân thị trấn Đắk Rve cứ mưa xuống là đục, khiến dân không dám dùng mà phải hứng nước giếng để sử dụng.

Hệ thống xử lý nước của công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy cho người dân thị trấn. Ảnh: Đăng Lâm.

Hệ thống xử lý nước của công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy cho người dân thị trấn. Ảnh: Đăng Lâm.

Bỏ tiền mua… nước đục

Hơn 10 năm trước, Dự án cấp nước sinh hoạt tự chảy phục vụ người dân thị trấn Đắk Rve (huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) được đầu tư xây dựng, sau đó giao Trung tâm Môi trường và Dịch vụ đô thị huyện Kon Rẫy (thuộc UBND huyện Kon Rẫy) quản lý. Nguồn nước được lấy từ con suối trên đầu nguồn giáp ranh với huyện Kon Plông và đưa về hệ thống bể lọc, lắng xử lý trước khi cấp có thu phí cho người dân.

Thời điểm trên, người dân vô cùng phấn khởi vì có nước sạch dùng. Tuy nhiên, thời gian sau, người dân lại thất vọng vì nguồn nước này thường xuyên bị đục vào mùa mưa. Lo sợ sức khỏe bị ảnh hưởng, người dân không dám dùng nước sinh hoạt của công trình để ăn uống, thay vào đó họ dùng nước giếng, hoặc hứng nước mưa. Thậm chí có không ít hộ dân không tìm được nguồn nước nào khác, đành phải mua bình lọc về lọc lại mới dám sử dụng.

Gia đình chị Phạm Thị Lợi (thôn 1, thị trấn Đăk Rve) nằm ở trục đường chính dẫn vào trung tâm thị trấn. Trước nhà, gia đình có đặt ống nước được lấy từ nguồn nước của công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy. Lúc có mặt, chúng tôi thấy chị không dùng nước này để nấu ăn mà dùng nước giếng. Hỏi lý do vì sao không dùng nấu ăn, chị dẫn chúng tôi đến vòi nước và vặn van. Dòng nước chảy ra có màu vàng.

“Nước của công trình cấp về cho dân có màu vàng, đục nên không dám dùng để ăn uống. Tôi chỉ dùng nước này để giặt, rửa, lau nhà cửa và tưới rau trong vườn. Không có nước dùng, gia đình đi xin nước giếng của nhà hàng xóm để dùng ăn uống. Rất may, người hàng xóm tốt bụng, nước giếng nhiều nên đã cho gia đình tôi đặt thêm một máy bơm trong giếng để bơm nước về để phục vụ sinh hoạt”, chị Lợi nói.

Nước cấp về cho nhà anh Hiệp bị đục, vàng. Ảnh: Đăng Lâm.

Nước cấp về cho nhà anh Hiệp bị đục, vàng. Ảnh: Đăng Lâm.

Căn nhà của anh Nguyễn Văn Hiệp (thôn 5, thị trấn Đắk Rve) đặt bồn chứa nước trước nhà. Bên trên là hệ thống ống dẫn để dẫn nước mưa từ trên mái nhà đưa xuống bình. Anh cho biết, hệ thống ống nước trên được gia đình lắp nhiều năm nay, mục đích để thu nước mưa từ mái đưa về bồn chứa nước để sử dụng sinh hoạt.

“Cực chẳng đã mới thu hứng nước mưa để dùng. Có thời điểm không có mưa thì chạy đi xin nước giếng của người dân về trữ, rất khổ”. Chúng tôi thắc mắc vì sao không dùng nước của công trình cấp nước sinh hoạt thị trấn thì anh lắc đầu, rồi đưa tay mở vòi nước: Nước chảy đến đâu, màu vàng từ dòng nước phun ra chậu càng đậm đặc, đục ngầu.

“Tôi lắp đặt để sử dụng nước của công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy khoảng chục năm rồi, nhưng nhiều năm qua, cứ mưa là nước đục, có màu vàng. Gia đình cũng từng mua bình lọc về nhưng phải thay bộ lọc liên tục. Một tháng sau khi dùng bình lọc thì gia đình đành bỏ vì không chịu nổi tiền thay lọc. Khu vực này không có nước để đào giếng nên phải hứng nước mưa hoặc đi xin nước”, anh Hiệp nói, đồng thời cho biết, anh mong muốn ngành chức năng có hướng đầu tư, nâng cấp hệ thống nước để dân sử dụng.

Hệ thống lọc không đảm bảo

Cùng với cán bộ thị trấn, chúng tôi có mặt tại khu xử lý nước của công trình. Khu xử lý nước được làm hàng rào bảo vệ, được phân thành 3 bể chứa, bên trong cỏ mọc um tùm. Trong đó, có 1 bể chứa ở giữa không có nắp đậy, nên có thể đứng quan sát rõ nước ở bên trong rất đục, có màu vàng. Phần lưới phủ lên bể này đọng nhiều mảng bùn, đất đã vón cục… Nước từ bể này được xử lý và đưa ra bể thứ 3 nằm gần khu cửa ra vào. Tại đây, nước vẫn một màu vàng… óng ánh.

Vị trí bể xử lý nước có nhiều bùn, đất vón cục trên bề mặt lưới. Ảnh: Đăng Lâm.

Vị trí bể xử lý nước có nhiều bùn, đất vón cục trên bề mặt lưới. Ảnh: Đăng Lâm.

Theo ông Nguyễn Tấn Vũ, Chủ tịch UBND thị trấn Đăk Rve, công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy cho người dân thị trấn hiện đã cũ. Trên địa bàn, có khoảng 500 hộ dân sử dụng nguồn nước của công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy này.

Tình trạng mưa xuống là nước của công trình bị đục diễn ra nhiều năm nay. Trong các buổi tiếp xúc cử tri, bà con nhiều lần phản ánh về tình trạng nước đục này. Cử tri phản ánh nước bị đục là đúng, vì nguồn nước đưa về bể lọc xử lý được lấy từ con suối thượng nguồn nên độ trong của nước phụ thuộc vào trời mưa hoặc nắng. Nhiều năm nay, mưa xuống là nguồn nước này bị đục. Hệ thống bể chứa, bể lọc không đảm bảo nên nước vẫn đục.

Do nước của công trình cấp nước bị đục, hộ anh Hiệp làm hệ thống ống để hứng nước mưa về sử dụng. Ảnh: Đăng Lâm.

Do nước của công trình cấp nước bị đục, hộ anh Hiệp làm hệ thống ống để hứng nước mưa về sử dụng. Ảnh: Đăng Lâm.

Bà con lo sợ ảnh hưởng sức khỏe nên không dùng mà người dân dùng nước mưa, nước giếng hoặc phải mua bình lọc để xử lý lại. Người dân nơi đây đề nghị nhà nước quan tâm, sớm đầu tư hệ thống nước giếng khoan, bỏ nguồn nước tự chảy.

Trả lời về việc nước cấp cho dân bị đục, ông Lê Đình Phương, Giám đốc Trung tâm Môi trường và Dịch vụ đô thị huyện Kon Rẫy nói ngắn gọn: “Nước tự chảy thì tất nhiên mùa mưa vẫn đục dù đã xử lý!”. Ông Phương cáo bận và không trả lời gì thêm.

Ông Nguyễn Quang Thạch, Bí thư Huyện uỷ Kon Rẫy cho biết qua điện thoại, đại ý: Hệ thống nước này được đầu tư bài bản, còn nước đục chắc do mưa. Mưa xong một đến hai tiếng là trong veo trở lại. “Nguồn nước lấy từ thượng nguồn, rừng già ở Kon Plông về. Nước tự nhiên vẫn tốt hơn”, ông Thạch nói thêm.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.