| Hotline: 0983.970.780

Hàng ngàn hộ dân khổ sở vì không có nước sinh hoạt

Thứ Tư 26/04/2023 , 12:17 (GMT+7)

Cuộc sống của hơn 1.400 hộ dân trên địa bàn huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đang bị đảo lộn khi không có nước sinh hoạt do nhà máy cấp nước gặp sự cố.

Trên địa bàn thị trấn Chư Sê có khoảng 1.400 hộ dân sử dụng nước do Nhà máy cấp nước Chư Sê (Công ty cổ phần Cấp nước Chư Sê) cung cấp. Tuy nhiên, gần 1 tuần qua, do bị hư hỏng máy bơm, nhà máy không cung cấp nước cho người dân, gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt.

Ghi nhận thực tế cho thấy, huyện Chư Sê đang bước vào đợt cao điểm nắng nóng, nên nhu cầu sử dụng nước ngày càng nhiều. Để có nước phục vụ sinh hoạt hàng ngày, các hộ dân phải đi xách từng can nước giếng ở nơi khác về dùng. Đối với các hộ kinh doanh ăn uống, việc thiếu nước có thể phải tạm đóng cửa.

Gia đình anh Quyến khổ sở vì không có nước phục vụ kinh doanh. Ảnh: Tuấn Anh.

Gia đình anh Quyến khổ sở vì không có nước phục vụ kinh doanh. Ảnh: Tuấn Anh.

Gia đình anh Trần Văn Quyến (tổ 2, thị trấn Chư Sê) kinh doanh quán phở, hàng ngày phải đi khắp nơi để xin nước về phục vụ buôn bán và sinh hoạt gia đình.

Anh Quyến cho biết, trung bình mỗi ngày quán phở của gia đình tiêu thụ lượng nước khá nhiều khoảng trên 2m3, chưa kể nước phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Thậm chí vào mùa nắng nóng, như cầu sử dụng nước còn nhiều hơn. Tuy nhiên, nhiều ngày qua, nhà máy cắt nguồn nước khiến gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Để có nước phục vụ kinh doanh và sinh hoạt, mấy ngày nay anh Quyến phải dùng can 30 lít chạy hơn 1km vào làng Kê để xin nước giếng. Thậm chí, để tiết kiệm nước, anh Quyến tranh thủ đem theo cả rau, củ vào tận làng để rửa.

“Trong vài ngày tới mà không có nước, gia đình chắc phải đóng cửa quán phở, chứ cứ ngày nào cũng phải đi chở nước kiểu này rất mệt mỏi và bất tiện”, anh Quyến cho biết.

Cũng theo anh Quyến, không chỉ gia đình anh mà rất nhiều hộ dân trên địa bàn cũng rơi vào tình trạng tương tự, nước không có khiến cuộc sống nơi đây bị đảo lộn hoàn toàn. Các hộ dân nơi đây chỉ mong sớm có nước để cuộc sống sinh hoạt trở lại bình thường.

Cũng rơi vào tình cảnh không có nước phục vụ sinh hoạt, gia đình anh Trần Văn Huân (tổ 1, thị trấn Chư Sê) cũng phải đi xin từng can nước giếng ở các làng lân cận về sử dụng.  

Anh Huân cho biết, rất lâu rồi mới gia đình mới gặp tình trạng không có nước như những ngày qua. Việc nhà máy nước gặp sự cố đã khiến gia đình cũng như cho nhiều hộ dân khác trong vùng gặp khó khăn.

“Thời tiết thì nắng nóng, nhu cầu dùng nước nhiều, trong khi nhà máy gặp sự cố trong nhiều ngày qua chưa thể khắc phục. Nước dùng để ăn, gia đình phải đi hàng km vào các thôn làng để xin nước giếng. Vào mùa hè nhu cầu dùng nước nhiều hơn thì ngày phải đi chở 2 - 3 chuyến mới đủ dùng”, anh Huân chia sẻ.

Nhiều hộ dân phải đi xin từng can nước về dùng. Ảnh: Tuấn Anh.

Nhiều hộ dân phải đi xin từng can nước về dùng. Ảnh: Tuấn Anh.

Ông Nguyễn Văn Công, quyền Chủ tịch UBND thị trấn Chư Sê (huyện Chư Sê) cho biết, hiện đơn vị đã báo cáo lên UBND huyện Chư Sê và làm việc với phía nhà máy nước để sớm có nước cho người dân sử dụng. Trong vài ngày tới, nếu nhà máy chưa khắc phục xong sự cố thì đơn vị sẽ phối hợp với Ban Quản lý công trình đô thị và vệ sinh môi trường huyện sử dụng xe bồn vận chuyển nước đến các cụm dân cư để cấp nước tạm thời cho người dân sinh hoạt.

Mặt khác, đơn vị cũng đã tuyên truyền các hộ dân không có giếng tranh thủ nguồn nước giếng của các hộ dân lân cận để lấy về dùng tạm trong lúc chờ phía nhà máy khắc phục sự cố.

Đề cập đến sự cố mất nước, ông Ngô Thanh Việt, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Chư Sê cho biết, do cả 2 máy bơm hút nước (máy bơm chính và bơm dự phòng) đều bị cháy nên tạm thời dừng hoạt động. Hiện công ty đang chờ máy bơm từ TP.HCM gửi về.

“Trước mắt, công ty cũng đã thông báo cho người dân biết thời gian cắt nước có thể phải kéo dài đến ngày 28/4. Nếu thuận lợi, máy về sớm thì chúng tôi sẽ gấp rút lắp ráp và cấp nước ngay cho người dân”, ông Việt thông tin.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.