| Hotline: 0983.970.780

Hơn 1.700 hộ dân ở Hà Nội phải lấy vải bịt đầu vòi nước sinh hoạt

Thứ Tư 12/04/2023 , 14:06 (GMT+7)

Hơn 1.700 hộ dân (khu đô thị Dương Nội mới, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông) nhiều ngày qua phải lấy vải bịt đầu các vòi cấp nước sinh hoạt để hạn chế cặn bẩn.

Sự việc kéo dài từ cuối tháng 3 cho tới nay, hơn 1.700 hộ dân sinh sống tại khu nhà HH2 (gồm các toàn nhà F-G-H-K-L) phải lấy vải, khăn… bọc các đầu vòi cấp nước sinh hoạt. Đây là biện pháp các hộ dân “phát minh” ra để hạn chế cặn bẩn từ nguồn nước sạch sinh hoạt do Công ty TNHH Một thành viên Nước sạch Hà Đông (nước sạch Hà Đông) cung cấp có các “hiện tượng lạ”.

Phản ánh tới Báo Nông nghiệp Việt Nam, chị Đào Ngọc Dung (chủ căn hộ K1403 - HH2) cho biết, từ cuối tháng 3, gia đình chị phát hiện nước sinh hoạt có màu bất thường. Nước xả từ đầu vòi có màu vàng đục, lọc qua tấm vải sáng màu, khoảng nửa giờ sau tấm vải đổi màu. Tại vị trí nước xả qua, cáu bẩn đọng lại có màu đen bất thường.

1.700 hộ dân tại chung cư Xuân Mai (phường Yên Nghĩa) phải dùng vải, khăn bịt đầu vòi nước vì phát hiện nước có chất lạ. Ảnh: Thái Bình.

1.700 hộ dân tại chung cư Xuân Mai (phường Yên Nghĩa) phải dùng vải, khăn bịt đầu vòi nước vì phát hiện nước có chất lạ. Ảnh: Thái Bình.

Không riêng gia đình chị Dung, các hộ dân khác cũng gặp tình trạng tương tự.

Gia đình anh Nguyễn Thành Phong (căn hộ 1601, toà L, khu HH2 Xuân Mai) cũng thấy bất thường tại các vòi cấp nước sinh hoạt.

Người dân cho biết, khu đô thị Xuân Mai (phường Yên Nghĩa) đưa vào hoạt động gần chục năm qua. Các hộ dân ký kết hợp đồng mua nước sạch của Công ty Nước sạch Hà Đông. Đây là lần đầu tiên người dân nơi đây gặp phải tình huống bất thường trong nước sinh hoạt.

Sự việc được phản ánh tới Ban quản trị toà nhà để BQT thông báo sự việc bất thường tới đơn vị cung cấp nước sạch. Ngày 24 và 25.3, Công ty đã lấy mẫu nước tại bể mái, bể ngầm và tại nhà một số hộ dân để xét nghiệm các chỉ tiêu lý hoá theo QCVN01-1:2018/BYT.

Vải bọc các đầu vòi cấp nước sạch tại cụm chung cư HH2, Yên Nghĩa, Hà Đông...

Vải bọc các đầu vòi cấp nước sạch tại cụm chung cư HH2, Yên Nghĩa, Hà Đông...

Cặn đen lắng kết trên các vải bọc chỉ sau một ngày... Ảnh: Thái Bình.

Cặn đen lắng kết trên các vải bọc chỉ sau một ngày... Ảnh: Thái Bình.

Các mẫu nước này được xét nghiệm tại Phòng Thí nghiệm của Công ty. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm cho thấy, các chỉ số đều đảm bảo.

Theo biên bản lấy mẫu nước ngày 24.3, mẫu nước tại một số hộ dân được đánh giá sơ bộ là nước có cặn mịn, không mùi. Nghi ngờ cặn gây ra là do hệ thống đường ống dẫn nước, Công ty đã đề nghị Ban quản lý toà nhà xúc xả bể nước ngầm, đường ống trục trong toà nhà dẫn đến các căn hộ.

Tuy nhiên, sau khi BQT toà nhà tiến hành xúc rửa đường ống dẫn nước, cấp nước, thau rửa các bể chứa đặt trên mái của các toà nhà, hiện tượng trên có suy giảm nhưng sau đó vẫn tiếp diễn.

Trong lúc chờ các cơ quan liên quan tìm nguyên nhân để khắc phục sự cố, hơn 1.700 hộ dân nói trên cùng bảo nhau sử dụng phương án thủ công, đó là bọc vải ở các đầu vòi cấp nước.

“Nhà tôi bọc 2 – 3 lớp vải, nhưng chỉ sau 1 ngày, lớp vải trên giữ lại một lớp màng đen rất bẩn, nhưng không có mùi. Bây giờ, người dân bảo nhau, nhà nào cũng lấy vải bọc đầu vòi, sau mỗi ngày lại thay một lớp vải mới. Chúng tôi rất lo lắng không biết nước sinh hoạt có chất độc hại hay không, chứ chất cáu đen bị giữ lại trên các màng vải bọc rất nguy hiểm” – chị Dung cho hay.

Thuê đơn vị xét nghiệm mẫu nước

Không đồng tình với kết luận về mẫu xét nghiệm nước của Công ty nước sạch Hà Đông, các cư dân đã kiến nghị BQT Cụm toàn nhà thuê đơn vị độc lập tiến hành lấy mẫu nước để đưa đi giám định.

Đơn vị được thuê xét nghiệm mẫu nước là Công ty ABC tiến hành lấy mẫu nước tại cư dân 5 tòa, hệ thống bể, téc nước để xét nghiệm đơn vị độc lập.

Người dân thuê đơn vị độc lập xét nghiệm mẫu nước. Ảnh: Người dân cung cấp.

Người dân thuê đơn vị độc lập xét nghiệm mẫu nước. Ảnh: Người dân cung cấp.

Ngày 8/4, Trung tâm môi trường & sản xuất sạch - Cục Kỹ thuật an toàn & môi trường công nghiệp (đơn vị test mẫu) đã công bố kết quả cho thấy, chỉ số Nitrat tại các mẫu nước xét nghiệm cao hơn so với Tiêu chuẩn quy định cho phép.

Với kết quả như trên, các chỉ số đầu nguồn nước vào đang báo động với 2 chỉ số Nitrat và Nitrit quá cao so với tiêu chuẩn. Đây là 2 chỉ số có nguy hại đối với sức khỏe người dân.

BQT cụm toà nhà cho biết sẽ tiếp tục làm việc với Công ty nước sạch Hà Đông để yêu cầu có phương án xử lý nguồn nước; xem xét chi phí dịch vụ nước tháng 3 để đảm bảo quyền và lợi ích cho cư dân. Nếu không phối hợp xử lý Cư dân sẽ tạm ngưng đóng phí và mời cơ quan chức năng vào làm việc.

Sáng ngày 12/4, đại diện cư dân, BQT toà nhà, Công ty nước sạch Hà Đông cùng đại diện chính quyền phường Yên Nghĩa, Trung tâm Y tế quận Hà Đông đã có buổi làm việc liên quan đến sự việc.

Khu chung cư Xuân Mai Complex Yên Nghĩa - nơi sảy ra sự cố bất thường về nguồn nước sạch. Ảnh: Thái Bình.

Khu chung cư Xuân Mai Complex Yên Nghĩa - nơi sảy ra sự cố bất thường về nguồn nước sạch. Ảnh: Thái Bình.

Phó chủ tịch phường Yên Nghĩa Đặng Thị Hồng đề nghị Công ty Nước sạch Hà Đông có quyết định cụ thể về các xét nghiệm chất lượng nước tại cụm toà nhà và nguồn được đầu vào của nhà máy; có các giải pháp khắc phục chất lượng nước trước ngày 19/4.

Đại diện Nước sạch Hà Đông công nhận kết quả xét nghiệm các mẫu nước do cư dân thuê đơn vị độc lập xét nghiệm; cam kết thau rửa toàn bộ hệ thống trục chính nguồn nước, xét nghiệm nước theo quy định.

Ngày 11/4/2023, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế Hà Nội) cũng có văn bản gửi Trung tâm Y tế quận Hà Đông yêu cầu thực hiện giám sát vệ sinh, chất lượng nước tại cụm chung cư HH2; báo cáo Kết quả giám sát về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật trước ngày 28/4/2023.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất