| Hotline: 0983.970.780

Trường kỳ nghiên cứu giống cây lâm nghiệp

Thứ Hai 04/07/2022 , 07:45 (GMT+7)

Để nghiên cứu, cải thiện giống cây lâm nghiệp, thường phải kéo dài từ 20 - 25 năm. Trong khi đó, thời gian thực hiện các đề tài, công trình nghiên cứu hiện quá ngắn.

Nghiên cứu cần có tính kế thừa, nối pha

Trong sản xuất nông - lâm nghiệp, giống đóng vai trò hết sức quan trọng quyết định năng suất và chất lượng của cây trồng. Đặc biệt, cây lâm nghiệp điều kiện tác động kỹ thuật như bón phân, tưới nước rất hạn chế, do đó giống càng có vai trò quan trọng.

Bởi thế, công tác nghiên cứu, cải thiện giống cây lâm nghiệp được xác định là hướng đi ưu tiên, chiến lược để nâng cao giá trị rừng trồng, góp phần tăng thu nhập cho người trồng rừng và nâng cao chất lượng nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu.

Nhà nuôi cấy mô giống cây lâm nghiệp của Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nhà nuôi cấy mô giống cây lâm nghiệp của Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh: Vũ Đình Thung.

Cây lâm nghiệp là cây lâu năm, lâu ra hoa đậu quả, gây khó khăn cho công tác nghiên cứu giống. “Một chu kỳ chọn tạo giống cây lâm nghiệp thường kéo dài hàng chục năm, nhanh nhất đối với các loài cây có chu kỳ kinh doanh ngắn như keo và bạch đàn cũng phải mất đến 10 - 12 năm. Do đó, công cuộc cải thiện giống cây lâm nghiệp thường phải kéo dài 20 - 25 năm, bao gồm nhiều kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn 3 - 5 năm và luôn phải mang tính kế thừa”, PGS.TS Phí Hồng Hải, Phó Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam chia sẻ.

Từ năm 2010 đến nay, thông qua các đề tài, dự án, các đơn vị nghiên cứu trong ngành lâm nghiệp, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã nghiên cứu, chọn tạo được nhiều giống mới với các loài cây nhập nội mọc nhanh và cây bản địa, đã được Bộ NN-PTNT công nhận là giống tiến bộ kỹ thuật, giống quốc gia.

Một số giống đã được chuyển giao vào sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế của rừng trồng. Theo đó, ngành lâm nghiệp đã được công nhận trên 229 giống, trong đó có 95 giống của 6 loài keo; 85 giống của 5 loài bạch đàn; 33 giống của 4 loài tràm; 4 giống thông Caribe; 10 giống thanh thất, chiêu liêu và 2 giống phi lao.

Vườn cây giống lâm nghiệp đầu dòng của Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Vườn cây giống lâm nghiệp đầu dòng của Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Riêng giai đoạn 2010 - 2020, ngành lâm nghiệp đã được Bộ NN-PTNT công nhận 102 giống mới. Đặc biệt, lần đầu tiên một số giống cây trồng lâm nghiệp như: Sâm Lai Châu, xoan đào, keo lai, keo tam bội… đã và đang làm thủ tục cũng như đã được bảo hộ giống. Các giống cây lâm nghiệp mới đều cho năng suất cao, tăng trưởng bình quân đạt 20 - 40 m3/ha/năm trong mô hình khảo nghiệm, trong khi giống sản xuất đại trà chỉ đạt bình quân từ 12 - 15 m3/ha/năm.

“Ví như giống keo lá tràm AA9 trồng ở Đông Nam bộ có năng suất đạt đến gần 40 m3/ha/năm, giống này đã được giải thưởng bông lúa vàng năm 2015. Hoặc như giống BV523 ở Cam Lộ (Quảng Trị) đạt năng suất 35 m3/ha/năm; các giống UP 164, UP180, UP 190, và UP171 ở Yên Thế (Bắc Giang) đạt từ 29 - 35 m3/ha/năm. Một số giống như PB7, PB48, PB55 ở Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) đạt 35 - 40 m3/ha/năm. Các giống cây trồng mới của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã và đang đưa vào sản xuất, góp phần quan trọng vào việc phát triển rừng trồng”, PGS.TS Phí Hồng Hải chia sẻ.

Vườn ươm giống keo lai cấy mô chất lượng cao của Doanh nghiệp Nguyên Hạnh, một trong 3 đơn vị có phòng nuôi cấy mô ở Bình Định. Ảnh: Minh Hậu.

Vườn ươm giống keo lai cấy mô chất lượng cao của Doanh nghiệp Nguyên Hạnh, một trong 3 đơn vị có phòng nuôi cấy mô ở Bình Định. Ảnh: Minh Hậu.

Các giống cây lâm nghiệp đang được trồng phổ biến hiện nay mới chỉ có 45 giống, chỉ chiếm gần 20% các giống đã được công nhận. Theo PGS.TS Phí Hồng Hải, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, đó là không có điều kiện xây dựng các mô hình ở quy mô sản xuất để đánh giá, cũng như để quảng bá rộng rãi nên chưa được đưa vào sản xuất đại trà. Một số giống có năng suất, chất lượng tốt nhưng không nhân giống được, hoặc hiệu quả nhân giống thấp nên không thể phát triển được ở quy mô sản xuất, hay giống đã được công nhận nhưng chưa được chuyển giao vào sản xuất nên chưa phát triển được.

Công trình nghiên cứu thời gian quá ngắn

Theo Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, hiện nay, cả nước có 744 đơn vị, hộ gia đình đăng ký sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp. Trong đó, có 229 cơ sở thuộc ban quản lý rừng phòng hộ, công ty lâm nghiệp sản xuất, chiếm khoảng 20% số lượng cây giống hàng năm; 515 công ty tư nhân và hộ gia đình sản xuất, chiếm khoảng 80% số lượng cây giống cung ứng cho trồng rừng.

Trên cả nước hiện có 632 vườn ươm kiên cố, 1.063 vườn ươm tạm thời và 37 nhà nuôi cấy mô giống cây lâm nghiệp. Trong đó, các đơn vị nhà nước quản lý 191 vườn ươm kiên cố, 65 vườn ươm tạm thời và 24 nhà nuôi cấy mô. Các doanh nghiệp đang quản lý 332 vườn ươm kiên cố, 59 vườn ươm tạm thời và 8 nhà nuôi cấy mô. Các hộ gia đình quản lý 392 vườn ươm kiên cố, 933 vườn ươm tạm thời và các tổ chức xã hội khác quản lý 33 vườn ươm kiên cố, 6 vườn ươm tạm thời.

Nhân viên Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn chăm sóc giống cây lâm nghiệp để trồng rừng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nhân viên Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn chăm sóc giống cây lâm nghiệp để trồng rừng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Công suất sản xuất các vườn ươm nói trên đạt hơn 1,7 tỷ cây giống/năm, riêng công suất sản xuất của các nhà nuôi cây mô chỉ đạt 78,8 triệu cây giống/năm. Trung tâm sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp lớn đều ở các vùng trồng rừng mạnh như vùng Đông Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ và Đông Nam bộ.

Theo PGS.TS Phí Hồng Hải, các công trình nghiên cứu, cải thiện giống cây lâm nghiệp gắn liền với nhu cầu thực tế, do đó, các giống mới đưa ra được người trồng rừng đón nhận. Nghiên cứu nhân giống sinh dưỡng bằng nuôi cấy mô và giâm hom cũng được tiến hành song song với nghiên cứu chọn tạo giống. Do đó, khi đi vào sản xuất, các giống mới đã phát huy hiệu quả. Công tác chuyển giao giống và công nghệ nhân giống cũng đã được thực hiện tốt, các cơ sở tiếp nhận chuyển giao đã từng bước nhân giống thành công và phát triển mạnh trong sản xuất.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Phí Hồng Hải, công tác chọn tạo và phát triển giống cây lâm nghiệp trong thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Công tác nghiên cứu, chọn tạo giống cây bản địa dù đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa đi vào trọng điểm, mức độ đầu tư chưa cao. Ví như công trình nghiên cứu cho 1 đối tượng cây bản địa chỉ khoảng 5 năm, trong khi chu kỳ kinh doanh cây bản địa kéo dài đến hàng chục năm, nên chưa có được nhiều giống cây bản địa tốt để phục vụ trồng rừng.

Vườn cây giống của Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn (TP Quy Nhơn, Bình Định) để phục vụ trồng rừng FSC. Ảnh: Minh Hậu.

Vườn cây giống của Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn (TP Quy Nhơn, Bình Định) để phục vụ trồng rừng FSC. Ảnh: Minh Hậu.

Bên cạnh đó, tập đoàn giống mới chủ yếu phục vụ cho trồng rừng ở những vùng thấp, còn thiếu nghiêm trọng giống cho trồng rừng ở các vùng cao cũng như những vùng lập địa khó khăn.

Thêm vào đó, dù đã có nhiều giống được chọn tạo và công nhận, nhưng tỷ lệ sử dụng giống mới trong trồng rừng còn thấp, do thiếu mô hình trình diễn quy mô lớn và công tác chuyển giao còn hạn chế. Sản lượng giống cây lâm nghiệp nuôi cấy mô còn rất hạn chế so với cây giống bằng hạt và giâm hom do giá thành cây giống cấy mô cao hơn khá nhiều so với cây giống ươm hạt và giâm hom.

Theo PGS.TS Phí Hồng Hải cho biết trong thời gian tới, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam sẽ đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, chọn tạo những giống mới có năng suất, chất lượng cao; ưu tiên nghiên cứu, chọn tạo những giống mới có khả năng chống chịu sâu bệnh, thích ứng biến đổi khí hậu, các giống cây bản địa mọc nhanh có năng suất, chất lượng cao để phục vụ trồng rừng gỗ lớn.

Keo lai nuôi cấy mô sinh trưởng nhanh hơn, đường kính, chiều cao và đường kính thân cây lớn hơn 1,5 lần so với keo lai giâm hom. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Keo lai nuôi cấy mô sinh trưởng nhanh hơn, đường kính, chiều cao và đường kính thân cây lớn hơn 1,5 lần so với keo lai giâm hom. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Chúng tôi sẽ rà soát, quy hoạch hệ thống rừng giống, vườn giống, vườn ươm đảm bảo cung ứng đủ giống tốt cho phong trào trồng rừng gỗ lớn của từng vùng. Quản lý chặt chẽ nguồn giống, đảm bảo các nguồn giống, giống gốc luôn được phục tráng tốt, quản lý chặt chẽ chất lượng giống theo chuỗi hành trình giống.

Viện sẽ đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa các cơ sở nghiên cứu, sản xuất giống cây lâm nghiệp; nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quản lý chất lượng giống cho các tổ chức, cá nhân nghiên cứu và các cơ quan quản lý giống cây lâm nghiệp cấp tỉnh, huyện, các cơ sở sản xuất giống trên toàn quốc”, PGS.TS Phí Hồng Hải cho biết.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm