| Hotline: 0983.970.780

Chú trọng nghiên cứu giống cây lâm nghiệp nuôi cấy mô

Thứ Năm 12/08/2021 , 11:00 (GMT+7)

Theo Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, các loại giống cây lâm nghiệp nuôi cấy mô đang được khuyến khích đưa vào sản xuất do có nhiều ưu điểm nổi bật.

Tại Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp vùng Trung tâm Bắc Bộ (gọi tắt là Trung tâm, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam), tre ngọt, luồng, bương lông Điện Biên... là những đối tượng nghiên cứu chính. Nhưng dù tìm hiểu về giống nào, Giám đốc Nguyễn Anh Dũng cũng quán triệt tinh thần phải ra được sản phẩm cụ thể, chẳng hạn tìm ra giống mới, để tạo ra lợi ích kinh tế.

Các giống cây lâm nghiệp nuôi cấy mô luôn đảm bảo các yếu tố về sạch bệnh, ưu việt về năng suất, chất lượng gỗ. Ảnh: BT.

Các giống cây lâm nghiệp nuôi cấy mô luôn đảm bảo các yếu tố về sạch bệnh, ưu việt về năng suất, chất lượng gỗ. Ảnh: BT.

Là cơ sở có lịch sử nghiên cứu về lâm nghiệp từ năm 1959, Trung tâm đã bảo tồn nhiều nguồn gen quý như lim xanh, dẻ đỏ, re gừng... phục vụ công tác nghiên cứu, khảo nghiệm và bảo tồn cho đất nước. Dù gặp nhiều khó khăn và phải tự chủ một phần kinh tế, Trung tâm luôn lấy sự phát triển bền vững của ngành và vấn đề môi trường làm kim chỉ nam cho hoạt động.

Một trong những hướng đi cho đa lợi ích hiện nay mà Trung tâm đang tập trung nghiên cứu là keo lai nuôi cấy mô. Khác với giống keo lai giâm hom, keo lai cấy mô có bộ rễ bàn chắc hơn, khó đổ hơn khi gặp gió lớn; tốc độ sinh trưởng, phát triển nhanh hơn...

Theo Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, các loại giống cây lâm nghiệp nuôi cấy mô nói chung hiện nay đang được khuyến khích đưa vào sản xuất do có nhiều ưu điểm nổi bật như: Cây con nuôi cấy mô được lấy mẫu từ cây bố mẹ khỏe mạnh, có điều kiện sinh trưởng và phát triển tốt ở ngoài thực địa, do đã cải thiện giống về di truyền.

Bên cạnh đó, cây bố mẹ được chọn lựa, có tán tròn đều; gốc phân cành lớn; thân cây chính có độ thon thẳng. Mẫu để nhân giống được lấy ở đỉnh sinh trưởng, là cơ quan trẻ hóa nhất từ cây bố mẹ, có đặc tính luôn phát triển theo chiều thẳng đứng.

Các giống keo lai nuôi cấy mô sinh trưởng nhanh, sạch bệnh đang dần thay thế các giống keo cũ. Ảnh: BT.

Các giống keo lai nuôi cấy mô sinh trưởng nhanh, sạch bệnh đang dần thay thế các giống keo cũ. Ảnh: BT.

Giống cây keo lai nuôi cấy mô thường sạch bệnh, khi phát triển thì thân lên thẳng, có rễ cọc chắc chắn nên chịu được gió mạnh. Với chu kỳ trồng keo cấy mô, chừng 3-4 năm là thu hoạch được. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, nếu trồng từ 8 năm trở lên, giá trị sẽ cao hơn đáng kể.

GS.TS Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam chia sẻ: Những năm qua, Viện đã chọn tạo khoảng 200 giống lâm nghiệp khác nhau, có năng suất, chất lượng cao, thích ứng được biến đổi khí hậu. Từ đó, năng suất rừng trồng tăng lên, góp phần vào các dây chuyền công nghệ sản xuất chế biến, đóng góp quan trọng vào thành tựu của ngành lâm nghiệp.

Ngoài nghiên cứu, chọn tạo giống cây lâm nghiệp, gói kỹ thuật trồng, thâm canh rừng, Viện đã gắn chặt với định hướng vừa phát triển rừng sản xuất, vừa đảm bảo tiêu chuẩn phát triển rừng bền vững. Mục tiêu của Viện vừa tạo ra các khu rừng trồng có năng suất cao, vừa bảo vệ rừng, cấp chứng nhận bảo vệ rừng FSC.

Ngoài nghiên cứu các giống, quy trình kỹ thuật cho cây lâm nghiệp phục vụ trồng rừng sản xuất, nghiên cứu phục vụ công tác bảo tồn..., thời gian tới, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cũng định hướng sẽ nghiên cứu sâu thêm những giống cây ngập mặn để trồng trong rừng phòng hộ, nhằm chống chịu với biến đổi khí hậu đang diễn biến phực tạp tại Việt Nam.

Xem thêm
Gìn giữ những thành lũy tre xanh mát

Bình Dương Khu bảo tồn tre lớn nhất Việt Nam - làng tre Phú An - là nơi bảo tồn nguồn gen tre lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đang gìn giữ những thành lũy xanh mát...

Tăng cường tập huấn phòng chống cháy rừng tại các phân trường

Sóc Trăng Ngoài chuẩn bị tốt phương án xử lý khi có cháy rừng, lãnh đạo Sóc Trăng đề nghị ngành kiểm lâm tăng cường tập huấn cho lực lượng làm nhiệm vụ tại các phân trường.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.